Thursday, March 6, 2014

Cháy rừng quốc gia Hoàng Liên..450 người dập lửa!

LÀO CAI (NV) - Gió mạnh đã làm bùng thêm ngọn lửa thiêu cháy rừng quốc gia Hoàng Liên, bắt đầu từ khoảng 7 giờ rưỡi tối 5 tháng 3, cho đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi.

Một thông báo của chính quyền tỉnh Lào Cai nói, lửa bắt cháy đầu tiên ở khu vực suối Náng, nằm trên độ cao 1,800m, cách thị trấn Sa Pa khoảng 20 cây số.



Rừng quốc gia Hoàng Liên bốc cháy. (Hình: báo Dân Trí)

Báo Dân Trí dẫn thông báo của chính quyền tỉnh Lào Cai cho hay, một cán bộ lãnh đạo của tỉnh đã thân hành chỉ huy đoàn chữa lửa lên đến 450 người. Họ gồm lực lượng dân quân cơ động, kiểm lâm và cư dân địa phương được cho là thông thạo địa hình.

Thông báo này cũng nói rằng địa hình vùng rừng quốc gia Hoàng Liên rất hiểm trở, lại có gió lớn nên lực lượng chữa cháy “chưa tiếp cận được hiện trường.” Tính đến sáng ngày 6 tháng 3, 2014, đám cháy vẫn tiếp tục hoành hành, lan rộng cả khu vực.

Cũng theo báo Dân Trí, lực lượng chữa cháy gồm 450 người đã phải mở cuộc “hành quân,” leo lên độ cao 1,800m, mất ba tiếng đồng hồ. Vì vậy, theo thông báo của chính quyền Lào Cai, khả năng “tiếp cận ngọn lửa” của đoàn người vẫn “hết sức hạn chế.”

Báo Dân Trí cũng cho hay, chính quyền tỉnh đã thiết lập một sở chỉ huy tiền phương để chỉ huy vụ chữa cháy, điều động hai thiết bị vệ tinh Imarsat của công ty viễn thông tỉnh Lào Cai và vườn quốc gia Hoàng Liên, giúp vào việc thông tin liên lạc và chỉ huy cuộc chống cháy rừng. Dù vậy, nguồn tin này cho rằng, các thiết bị trên không giúp gì được nhiều vì “sóng điện thoại ở khu vực trên là rất yếu.”

Theo báo Dân Trí, đây là vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên thứ hai kể từ tết Giáp Ngọ 2014 cho đến nay.
Báo Dân Trí dẫn lời ông bí thư tỉnh Lào Cai, người trực tiếp chỉ huy công tác chế ngự vụ cháy rừng trên nói rằng, tỉnh đã chỉ thị đội cứu hỏa phải “khống chế và dập tắt hoàn toàn ngọn lửa tại rừng quốc gia Hoàng Liên nội ngày 6 tháng 3, 2014.” Nhưng liền sau đó, lập tức có dư luận phản hồi cho rằng, công tác chống cháy rừng đang gặp nhiều khó khăn vì trời khô, gió thổi mạnh và địa hình núi non hiểm trở.” 

No comments:

Post a Comment