Thursday, March 6, 2014

EU dọa đóng băng tài sản, cấm vận Nga

Thứ Sáu, 07/03/2014 - 08:51

(Dân trí) - Các lãnh đạo EU ngày 6/3 đã dọa sẽ có một loạt biện pháp trừng phạt Nga, bao gồm cấm nhập cảnh, đóng băng tài sản và áp đặt các hạn chế về kinh tế khác nếu Mátxcơva tiếp tục không đối thoại với chính phủ mới tại Ukraine.

Trong bước đi đầu tiên, lãnh đạo EU đã quyết định đình chỉ công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G8 và các cuộc đàm phán về tự do đi lại với Nga.
Chủ tịch hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy
Chủ tịch hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy
Phát biểu hôm thứ Năm, Chủ tịch hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cảnh báo nếu Nga không hạ nhiệt tình hình tại Ukraine, việc này sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ giữa Nga và EU”.
“Nếu không có sự hạ nhiệt, EU sẽ quyết định các biệt pháp bổ sung, như hạn chế thị thực nhập cảnh, đóng băng tài sản và hủy cuộc họp thượng đỉnh Nga - EU”, ông Rompuy tuyên bố trong một buổi họp báo.
Thủ tướng Anh David Cameron thì đe dọa rằng việc đóng băng tài sản và cấm đi lại có thể được áp đặt đối với Nga “một cách tương đối nhanh”, trừ khi có những tiến bộ trong đối thoại với Ukraine.
Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga cũng có thể được áp đặt.
Theo ông Cameron, sẽ có các biện pháp trừng phạt gồm 3 bước và có “những hậu quả lớn bao gồm một loạt lĩnh vực kinh tế rộng lớn”.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết châu Âu “không hào hứng gì” trong việc áp đặt lệnh cấm vận với Nga, nhưng động thái này là “không thể tránh khỏi”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chỉ trích nặng nề cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập liên bang Nga của quốc hội Crimea, xem việc này là “phi pháp và không phù hợp với hiến pháp Ukraine”.
Sau cuộc họp khẩn với các lãnh đạo châu Âu tại Brussels, bà Merkel nói: “chúng tôi lên án sự vi phạm chủ quyền của Ukraine liên quan tới Crimea”, và “xem sự toàn vẹn lãnh thổ của họ là thiết yếu”.
Lãnh đạo EU hối thúc việc rút ngay những binh sỹ mà họ tin là của Nga, đang phong tỏa các căn cứ quân sự tại Crimea. Toàn bộ các binh sỹ không phải một phần của Các lực lượng vũ trang Ukraine phải hạ vũ khí, thủ tướng Đức nói.
Bà Merkel cũng tin rằng Ukraine nên nhanh chóng được nhận gói viện trợ đầu tiên trong kế hoạch hỗ trợ của EU. Hiện EU có kế hoạch chuyển 610 triệu euro tới Kiev trong tương lai gần, và kế tiếp đó sẽ là một gói hỗ trợ 1 tỷ euro.
Theo bà Merkel, các lãnh đạo EU cũng sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc nhanh chóng ký thỏa thuận chính trị gia nhập EU cho Ukraine. Các điều khoản liên quan đến thương mại sẽ tiếp tục được bàn thảo thêm, xét tới mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Kiev và Mátxcơva.
Cũng trong ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu liên quan đến tình hình tại Ukraine. Ông kêu gọi “đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine với sự tham dự của cộng đồng quốc tế”, hãng tinItar-Tass đưa tin.
Nga vẫn giữ quan điểm cứng rắn về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Nga vẫn giữ quan điểm cứng rắn về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Obama cho rằng giải pháp của cuộc khủng hoảng nên “tính tới các lợi ích của Nga”, nhưng phải chú ý tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đề xuất trưng cầu dân ý tại Crimea để gia nhập Nga sẽ vi phạm luật pháp quốc tế, ông Obama nói.
Trước đó, cũng trong ngày thứ Năm, người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich khẳng định Mátxcơva sẽ phản ứng lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn cản việc xin cấp thị thực của các công dân Nga tới các quốc gia châu Âu.
“Nếu lãnh sự của bất kỳ quốc gia thành viên EU nào có động thái thắt chặt quá trình xin thị thực, chúng tôi sẽ ngay lập tức phản ứng lại việc đó”, ông Lukashevich nói, và cho biết thêm Nga “ngạc nhiên” trước quyết định đình chỉ đàm phán tự do đi lại của EU với Nga..
“Đây rõ ràng là một cách tiếp cận đã bị chính trị hóa, không có tính xây dựng và vô căn cứ, vốn đi ngược lại các thỏa thuận hiện có giữa Nga và EU về việc đơn giản hóa các quy định đối với việc đi lại của công dân hai bên”, Lukashevich nói.
Thanh Tùng
Theo RT

No comments:

Post a Comment