Thursday, March 6, 2014

Tây Phương trên bước thương lượng khó khăn về Ukraine

PARIS (AP) – Tây Phương và Nga đang cố gắng tìm một giải pháp  bằng con đường ngoại giao cho vấn đề Ukraine, cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất ở Âu Châu kể từ Chiến Tranh Lạnh.

Ngoại Trưởng John Kerry gặp Ngoại Trưởng Sergei Lavrov hôm Thứ Tư tại tư thất đại sứ Nga ở Paris. (Hình: AP/Kevin Lamarque)

Ngoại Trưởng Hoa Kỳ John Kerry, Nga Sergei Lavrov và bộ trưởng ngoại giao các quốc gia Âu Châu hôm Thứ Tư đã có nhiều cuộc tiếp xúc thảo luận tại Paris và tuy chưa đi đến kết quả nhưng được coi như có tiến bộ vì hai bên đã bắt đầu thương lượng.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius bày tỏ sự lạc quan: “Lần đầu tiên, khởi đầu bằng những cuộc hội đàm ở Paris, mọi chuyện đang tiến đúng hướng”.
Tuyên bố tại Tây Ban Nha trước khi đến Paris gặp Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Ngoại Trưởng Sergei Lavrov cảnh cáo Tây Phương là việc ủng hộ biến động chính trị ở Ukraine mà Nga coi là một cuộc đảo chính, “sẽ khuyến khích cho những việc lật đổ chính quyền dân chủ ở các nơi khác”.

Ngoại Trưởng Ba Lan Radoslw Sikorski nói vói các phóng viên: “Tôi đã hy vọng có thể loan báo với quý vị một số tin tức tốt, nhưng chẳng may vẫn chưa thể làm cách nào để các ngoại trưởng Nga và Ukrine gặp nhau”. Moscow không công nhận chính lâm thời Ukraine và không đồng ý cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Các cuộc gặp gỡ tại Paris, thoạt đầu dự định để bàn về khủng hoảng tị nạn ở Syria, đã có thể diễn ra sau khi Tổng Thống Vladimir Putin tỏ ra muốn làm giảm nguy cơ chiến tranh, tuyên bố hôm Thứ Ba là “Nga không có ý định đánh nhân dân Ukraine”.

Tuy nhiên tại Crimea, tình hình không êm ả khi đặc sứ Liên Hiệp Quốc Robert Serry người Hòa Lan bị một nhóm từ 10 đến 15 người võ trang ngăn chặn bắt buộc phải ra phi trường Simferopol để rời khỏi đây.

Quân Nga đã triển khai trên toán lãnh thổ Crimea và hoàn toàn kiểm soát được tình hình tại đây. Thủ Tướng Ukraine  Arseniy Yatsenyuk cũng như cựu Thủ Tướng Yulia Tymoshenko vừa được ra khỏi nhà tù hai tuần trước, đều nói rằng quân đội xâm lăng Nga phải triệt thoái vô điều kiện và kêu gọi Tây Phương gia tăng áp lực Nga.  Theo bà Tymoshenko, mọi cuộc đàm phán về tương lai Ukraine đều phải được thực hiện trực tiếp giữa Hoa Kỳ, Liên Âu và Nga nhưng nhấn mạnh rằng không nên thỏa hiệp để làm dịu Nga.

 Hoa Kỳ và Liên Âu tiếp tục trợ giúp Ukraine về tài chính và chuẩn bị những biện pháp trừng phạt Nga, sẽ được quyết định qua cuộc họp thượng đỉnh 28 nước Liên Âu tại Brussels ngày Thứ Năm. Nhưng Nga đã dánh tiếng rằng sẽ có phản ứng mạnh mẽ với bất cứ biện pháp trừng phạt nào của Tây Phương và Tổng Thống Putin cảnh cáo là những biện pháp áy sẽ đưa đến thiệt hại hỗ tương cho cả hai phía.

Ngoại Trưởng Anh William Hague nói rằng một trong những đòi hỏi then chốt là quân Nga đã triển khai ở Crimea phải trở về căn cứ hải quân tại cảng Sevastopol. Các quan sát viên quốc tế không tin là Nga sẽ rút quân đội ở Crimea và nhiều giới am hiểu cũng khôn tin là những biện pháp trừng phạt của Tây Phương sẽ có hiệu quả.
Cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga vừa mãn nhiệm tuần trước, ông Michael McFaul, trong cuộc phỏng vấn của MSNBC, xác định rằng trình bày nhận định riêng của cá nhân mình, nói: “Tôi không lạc quan là họ sẽ rời khỏi Crimea”.

Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, trên truyền hình CBS “This Morning” hôm Thứ Tư, nhận xét: “Theo tôi thách thức mà Tổng Thống (Obama) phải đương đầu là các đồng minh của chúng ta không ủng hộ những biện pháp trừng phạt kinh tế tới mức cần phải có”. Ông cho rằng: “Ông Putin hiểu rõ điều ông đang làm. Ông ta cần tái tạo ảnh hưởng của Nga tới một chừng mực tại những nước cộng hòa Xô Viết cũ”.

Một giới chức chính quyền Obama  nói rằng Hoa Kỳ không đòi hỏi Nga phải rút khỏi Crimea mà chỉ muốn quân đội của họ trở về vị trí bình thường, theo đúng thỏa thuận đã có với Ukraine là được duy trì quân số 11,000 tại căn cứ hải quân ở đây.

No comments:

Post a Comment