Thursday, March 6, 2014

Sao không chế tạo trực thăng trong sân nhà ông Truyền?



 Bùi Hải - theo Trí Thức Trẻ | 06/03/2014 07:00
 

 (Soha.vn) - Giá anh thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng “nhanh nhạy” hơn một chút, đem chiếc máy bay đó để nhờ trong vườn nhà ông Truyền thì làm gì có anh công an nào dám cấm đoán.

 Người thợ cơ khí nhiều khát vọng tên Nguyễn Văn Thắng (Long Biên, Hà Nội) vừa bị công an yêu cầu viết cam kết không được tiếp tục chế tạo, thử nghiệm máy bay trực thăng. Không những thế, anh còn phải tháo gỡ động cơ máy nổ, cánh quạt ra khỏi chiếc máy bay.
Anh Thắng đã phải kêu lên “quá bất công” khi nói về lệnh cấm, bởi chiếc máy bay dạng mô hình này là kết quả nghiên cứu, làm việc suốt hai năm với nhiều đêm thức trắng. Anh Thắng sẽ bị cấm bay khi chưa có giấy phép, nhưng việc cấm cả chế tạo, sáng tạo, thì có lẽ các công an nhân dân đã lạm dụng quyền lực để làm khó nhân dân.
Nhưng sự phản ứng rất nhanh của cơ quan chức năng đối với việc làm của một thợ cơ khí bình thường, lại gợi cho ta rất nhiều suy nghĩ: Lẽ nào chiếc trực thăng nặng 185kg, cao 2m60, rộng 1m55 của anh Thắng lại “to” hơn cả dinh thự trên 16.000m2 đất của ông Trần Văn Truyền – Nguyên Tổng Thanh tra Chính Phủ?
Đã nhiều ngày qua, khi dư luận trong và ngoài nước đang nóng bỏng với việc xác minh nguồn gốc tài sản của ông Truyền, thì vẫn chưa có hành động cụ thể nào của nhà chức trách.
Ông Kim Quốc Hoa, người trực tiếp vào tận Bến Tre chỉ đạo điều tra dinh thự ông Truyền cho biết, tòa soạn vẫn chưa hề nhận được ý kiến phản hồi nào từ phía Thanh tra Chính phủ cũng như cá nhân ông Trần Văn Truyền.
Các cựu quan chức, tướng lĩnh thì muốn Ban Nội chính TƯ vào cuộc, Ban Nội chính thì cho biết cái này không thuộc trách nhiệm mình mà thuộc thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra TƯ. Ủy ban kiểm tra TƯ thì lại gặp khó ở vấn đề cơ chế.
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ lý giải về “cái khó cơ chế” trong việc xác minh nguồn gốc tài sản bị nghi ngờ của quan như sau: “Hiện nay, việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng chưa kiểm soát được quà biếu, thu nhập tăng thêm… Việc kê khai tài sản cũng chỉ kiểm soát được thông qua bản tự kê khai mà thôi!”.
Cái khó có vẻ đến từ mọi phía. Ngay những người đồng chí và tổ chức cơ sở đảng gần ông Truyền nhất cũng án binh bất động. Ông Nguyễn Khắc Hải - Bí thư Đảng ủy phường 1 (TP Bến Tre), nơi ông Trần Văn Truyền sinh hoạt Đảng từ tháng hơn 2 năm nay, cũng thừa nhận “chưa có trao đổi, đặt vấn đề để ông Truyền có báo cáo về tài sản”, dù rằng ông cũng biết “gần đây có nhiều dư luận về khối tài sản của ông Truyền”. Ông Bí thư lý giải thêm “có bất cứ dư luận hoặc vấn đề gì Đảng bộ phải chờ ý kiến hoặc chỉ đạo từ cấp trên” do “đồng chí Truyền là cán bộ hưu trí do Trung ương quản lý”.
À ra thế! Anh thợ cơ khí Nguyễn Văn Thắng chỉ thuộc diện “địa phương quản lý” nên bị công an sờ gáy ngay tắp lự, dù chiếc máy bay được làm từ tiền túi của anh chứ không phải từ kinh phí có được do ban phát, ký tá, cất nhắc, bổ nhiệm. Còn sự ồn ào về cái dinh thự hoành tráng kia, chờ đến khi gỡ được những “cái khó cơ chế”, rất có thể nó đã “chìm xuồng vào quên lãng”!
Có người chép miệng: Giá anh thợ cơ khí “thuộc diện địa phương quản lý” Nguyễn Văn Thắng “nhanh nhạy” hơn một chút, đem chiếc máy bay đó để nhờ trong vườn nhà ông Truyền, thì làm gì có anh công an nào dám đến hoạnh họe và cấm đoán!

No comments:

Post a Comment