Thursday, March 6, 2014

Moscow đón Crimea về với Nga; Mỹ- Âu phải làm gì?

Việt-Long- RFA
2014-03-06

militia

Dân quân thân Nga dùng xe quân sự của Nga đi chiếm cơ sở chính phủ Courtesy of abcnews.go.com

Moscow động binh?

Tình hình Ukraine nhanh chóng căng thẳng khi lực lượng vũ trang được gọi là quân đội Nga chiếm giữ những căn cứ quân sự chính yếu của quân đội Ukraine.  Ngay sau đó Ngoại trưởng Hoa Kỳ đến Kiev, cam kết cho vay khẩn cấp 1 tỉ đô la  để giúp Ukraine cứu gỡ khó khăn về tài chính. EU cũng húa giúp 10 tỉ euro. Thế giới đang lo ngại xung đột quân sự sẽ xảy ra ở Ukraine, có thể kéo theo cả NATO vào cuộc.
Nhưng có phải Moscow đã động binh, đưa quân từ cuộc tập trận vào Crimea?
Giới chính trị và truyền thông phương Tây đều nói quân Nga đã vào Crimea, nhưng nếu xem và quan sát kỹ hình ảnh, vidéo, nhắm vào những binh sĩ võ trang đi tuần tiễu ngoài đường phố và trấn giữ những căn cứ quân sự của Ukraine mà họ đến chiếm giữ, người ta có thể  nói đó không phải là lực lượng chính quy của Liên Bang Nga, mặc dù báo chí phương Tây đều gọi đó là Russian troops, quân đội Nga. Chỉ có một số ít hãng thông tấn, sau khi Tổng thống Nga Putin họp báo, thì mới gọi đó là pro-Russia force, tức là lực lượng thân Nga, nhưng ở bài khác họ cũng lại gọi đó là quân đội Nga.

Quân chính quy?

Quan sát kỹ tác phong, cử chỉ, tư thế canh gác, tuần tiễu phô trương lực lượng, tư thế kiểm soát và đối đầu với quân đội Ukraine ở một căn cứ không quân mà họ chiếm giữ rồi lính Ukraine trở lại đòi vô, rồi so sánh với những hình ảnh và thông tin về quân đội chính quy của Mỹ, Nga, Trung Quốc, châu Âu, người ta tin rằng đó không phải là những binh sĩ đã được huấn luyện và từng hoạt động như một lực lượng chính quy. Cần nhớ 3 ngàn người như vậy đã đăng ký để nhận vũ khí ở Sevastopol, được cựu binh và cảnh sát đặc biệt mất việc ở Kiev về đó huấn luyện.
Về trang bị và vũ khí thì có thể họ đã chuẩn bị sẵn, hoặc vừa được người Nga cung cấp, nhất là xe

militiamen
Quân chính quy Nga? - Courtesy of economist.com

quân sự, hẳn phải do Nga đưa qua và lấy từ những căn cứ họ chiếm được. Nhưng so sánh tác phong quân sự của họ với quân đội của các cường quốc, người ta sẽ thấy đó không thể là quân đội chính quy. Nên nhớ quân đội Nga không hề thua kém Mỹ và Tây Âu về trang bị và huấn luyện. Quân đội Nga không thể có những đơn vị bộ binh với những quân nhân lè phè dân chính như vậy. Một đội quân "chính quy" như thế chẳng khác nào một sự xấu hổ cho Liên Bang Nga với nền quân sự ngang sức và đương đầu hữu hiệu với Hoa Kỳ
Giới tư bản tài chính có lẽ đã tin lời Tổng thống Putin, vì sau khi ông tuyên bố quân đội Nga không xâm nhập Crimea nhưng ông dành quyền đưa quân vào một khi kiều dân Nga ở đó bị đe dọa nguy hiểm, thì thị trường chứng khoán ở Hoa Kỳ và chứng khoán với tiền tệ của Liên Bang Nga lập tức phục hồi phần nào sau một ngày thị trường ảm đạm. Giới tư bản kinh doanh thường rất nhạy bén về tình hình căng thẳng hay ổn định trên thế giới. Trước một ngày, thị trường chứng khoán Moscow gần như bại liệt, thị trường Wall Street  sa sút, nhưng hẳn các nhà đầu tư đánh giá là tình hình đã bớt nguy hiểm nên rón rén mở lại hầu bao.  Cả hai thị trường Moscow lẫn New York đều phản ứng giống nhau. Phải chăng họ đều tin rằng quân đội Nga chưa vào Crimea?

Không chỉ huy được?

Tổng thống Putin vừa tuyên bố cách nay hơn nửa ngày, là Moscow không điều khiển được lực lượng dân quân tự vệ ở Crimea. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói lực lượng quân sự đó không do Nga chỉ huy.
Về việc này thì ít ai tin lời hai ông Putin và Lavrov. Hoạt động của lực lượng dân quân võ trang có vẻ như đã được người Nga sắp đặt từ trước, vào lúc mà một chuyên gia người Đức về Ukraine cho biết là trước khi nhóm võ trang Crimea chiếm quốc hội, đã có những viên chức người Nga, trong đó có cả một hay một số đại biểu Quốc hội Nga, đến Crimea gặp gỡ những người lãnh đạo khối thân Nga ở nơi này, hứa cấp thông hành dễ dàng, hứa viện trợ kinh tế, cho phép đầu tư... vân vân, tức là y hệt như khi hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia muốn ly khai khỏi Georgia, người Nga cũng làm như vậy, rồi hai xứ này ly khai, trở thành độc lập, sau trận chiến giữa Nga với Georgia (trong nước gọi là Gru-Zia).
Thêm nữa, ông Putin nói rằng "không thể bảo họ trở về căn cứ trước khi Nga Mỹ nói chuyện". Như vậy nghĩa là người Nga sẽ điều khiển được cái lực lượng võ trang này sau khi nói chuyện với ngoại trưởng Hoa Kỳ và thấy thuận lợi. Tóm lại lực lượng dân quân đã hành động theo sự xếp đặt hay thỏa thuận của Moscow, và người Nga thực sự có thể ra lệnh cho họ. Nhưng người Nga muốn gì ở Ukrane và Crimea.

Kịch bản Georgia

Một số chuyên gia về quốc tế cho rằng Tổng thống Putin muốn phục hồi Liên Bang Xô Viết bằng cách tạo ảnh hưởng khống chế lên những xứ lân bang trước đây từng thuộc Liên Bang Xô Viết. Có người cho là Nga chỉ muốn lấy lại Crimea bằng cách thúc đấy xứ này đòi độc lập, tách khỏi Ukraine.
Trên thực tế người Nga không thể phục hồi và tái tạo một "tân Liên Bang Xô Viết" kiểu mới, và họ cũng hiểu họ không thể làm được điều đó. Nhưng có thể Tổng thống Putin muốn lôi kéo những xứ láng giềng từng nằm trong khối Liên Xô trước đây, nay trở về vị trí thân cận với Moscow, mà trong đó Ukraine là mục tiêu đầu tiên và mục tiêu số một, vì đó là cổng thành sau cùng của Nga ở phía tây nam, và là vựa lúa mì, thực phẩm của Nga.
Tại Ukraine, hiện nay những diễn biến ở xứ này giống như đang lặp lại sự kiện ở Georgia khi người Nga tiếp trợ và thúc đẩy hai vùng Nam Ossetia và Abkhazia tách khỏi Georgia để trở thành độc lập, nhưng là độc lập trong vòng ảnh hưởng của Moscow.
position
Vị trí Nga-Ukraine-Crimea- Courtesy of Wikipedia
Kịch bản Georgia có nhiều cơ nguy sẽ trở lại sân khấu ở Ukraine ngày nay, để Crimea trở thành một nước Cộng Hòa thuộc Liên Bang Nga.
Đó chính là mưu đồ của Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên kế hoạch này dù sao cũng chỉ là một mưu đồ mở rộng vùng ảnh hưởng điạ lý chính trị của nước Nga đang nỗ lực tái phát triển, phục hồi địa vị cường quốc nhất nhì trên thế giới. Gọi đúng tên, thì đó là sách lược bành trướng, tìm lại một phần nào ảnh hưởng đã mất. Thế thôi. Và không thể nào phục hồi được Liên Xô với lãnh thổ như xưa.
Diễn biến vào ngày thứ năm cho thấy rõ điều đó. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý để Crimea tách khỏi Ukraine, sáp nhập với Liên Bang Nga, là xâm phạm chủ quyền của Ukraine và vi phạm luật pháp quốc tế.
Ngay sau đó Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh "Crimea là một phần của Ukraine, là Ukraine; Hoa Kỳ ủng hộ sự vẹn toàn lãnh thổ của Ukraine, và chính phủ xứ này có quyền quyết định vấn đề chia cắt xứ sở hay không."
Ông Kerry nói thêm :"Hiến pháp Ukraine đòi hỏi trưng cầu dân ý toàn quốc về các vấn đề liên quan. Mọi thành phần của Ukraine cũng như tất cả mọi người dân Ukraine đều phải được tham dự trưng cầu dân ý."
Tuy nhiên ngoại trưởng Mỹ nói tiếp, Hoa Kỳ dành ưu tiên cho việc tiếp tục thảo luận ráo riết với các bên liên quan để bình thường hóa tình hình và chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm qua cho biết Moscow và Washington vẫn chưa đạt được đồng thuận nào về tình hình Ukraine sau khi hai phía gặp nhau nói chuyện tại Rome, Italia.
Hãng thông tấn Interfax trích dẫn phát biểu của ngoại trưởng Nga rằng phía Nga đồng ý sẽ nghiên cứu thêm nữa những ý tưởng mà người tương nhiệm Hoa Kỳ, John Kerry, đưa ra với phía Nga về những bước cụ thể có thể thực hiện.
Nước cờ của Tổng thống Putin đã bày rõ. Hoa Kỳ và châu Âu có đối sách nào hữu hiệu hay không?
kerry
Ngoại trưởng John Kerry tại Kiev - Courtesy of businessweek.com

Kinh tế trả lời

Chưa đưa quân vào Crimea, chưa có phản ứng của Mỹ -châu Âu, nước Nga đã phải trả giá cho hành động can thiệp vào Ukraine. Chứng khoán đổ vỡ và tiền tệ sụt giá đã táng một cú nên thân vào nền kinh tế Nga yếu kém đang chập chững phục hồi.
Năm nay Nga nhập siêu nhờ vai trờ nước caung cấp nhiên liệu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên Moscow vẫn phải nhập thực phẩm, quần áo, dược phẩm, cơ khí và trang bị vận chuyển từ châu Âu, Trung Quốc. Đồng rúp xuống dốc làm cho hàng nhập khẩu đắt đỏ thêm.
Hôm thứ hai Ngân hàng trung ương Moscow đã phải tăng lãi suất từ 5,5% lên 7% để ổn định thị trường khi tiền Rúp vừa lao đầu xuống dốc gần 10%, tính cả năm nay. Đồng rúp vừa ổn định lại, nhưng vẫn là đồng tiền yếu nhất thế giới, tính tới ngày này trong năm.
Giá chứng khoán các công ty dẫn đầu của Nga rớt 7% tính từ đầu tuần này, sau khi đã phục hồi đôi chút vào hôm thứ tư. Tính từ đầu năm thì chỉ số chứng khoán này đã mất 11%, so với mức sụt 3% của các thị trường tân hưng.
Một viên chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ nói nền kinh tế mong manh của Nga đang hứng chịu từng ngày, và đó là hậu quả của hành động của Moscow trên vũ đài quốc tế.

No comments:

Post a Comment