VRNS (06.3.2014) – Sài Gòn -
Cuộc đàm phán của những ‘ông lớn’ về khủng hoảng Ukraine
Reuters nhận định, những nỗ lực ngoại giao cấp cao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã có ít nhiều tiến triển rõ ràng tại cuộc đàm phán nảy lửa ở Paris hôm thứ Tư giữa Moscow và Washington.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục trong những ngày tới trong một nỗ lực nhằm ổn định cuộc khủng hoảng và ông dự kiến sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa ở Rôma hôm thứ Năm.
“Đừng cho rằng chúng tôi không có những cuộc đối thoại nảy lửa nhằm tìm ra những ý tưởng sáng tạo và thích hợp để giải quyết vấn đề này, và chúng tôi đã có một số ý tưởng”, ông nói sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng từ Ukraina, Nga, Anh và Pháp.
“Tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai trong chúng ta đã có thể dự đoán được, chúng tôi đã đến đây vào thời điểm này, trong một bầu không khí căng thẳng và đối đầu, để giải quyết vấn đề đó vào chiều nay” Kerry nói tiếp và nhấn mạnh đến sự tiến triển bất ngờ.
BBC cho biết thêm, cuộc thảo luận bên lề một hội nghị tại Paris về vấn đề Libăng kết thúc mà không đạt được thỏa thuận rõ ràng nào.
Nga trước đó đã từ chối yêu cầu của phương Tây về việc rút quân đang kiểm soát tại khu vực Crimea của Ukraine về lại căn cứ của họ.
Các lãnh đạo EU tổ chức hội đàm khẩn cấp
Bên cạnh đó BBC cũng cho biết, các lãnh đạo EU đang lên kế hoạch cho một hội nghị khẩn cấp tại Brussels vào lúc 10 giờ GMT, nhằm quyết định cách thức phản ứng ‘mạnh như thế nào’ trước việc Nga triển khai quân tại khu vực Crimea, Ukraine.
Trước đó, Moscow bác bỏ thông tin cho rằng quân của họ đang kiểm soát khu vực này, tuy nhiên một số người trong lực lượng này nói với BBC rằng họ thuộc quân đội Nga.
Thủ tướng Anh David Cameron đang hy vọng rằng, trong sự liên minh với Thụy Điển, Ba Lan và các nước Đông Âu khác, ông có thể thuyết phục các đồng sự về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin cần phải trả giá cho sự chiếm đóng của Crimea, biên tập viên chính trị của BBC Nick Robinson báo cáo.
Trong khi đó các nước khác – dẫn đầu bởi Thủ tướng Đức Angela Merkel – vẫn mong muốn thúc đẩy sự hòa giải và cho rằng đó là cách tốt nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang leo thang.
Bà Merkel được cho là đang lo lắng trước những bước đi khó khăn trong việc thúc đẩy một cuộc đối thoại giữa Nga và Ukraine, cũng như đang xao lãng việc cần phải hỗ trợ cho chính phủ mới ở Kiev cả về kinh tế lẫn chính trị, biên tập viên của BBC cho biết thêm.
Tân Thủ tướng tạm quyền Ukraine, Arseniy Yatsenyuk cũng sẽ có mặt tại Brussels.
Hội nghị sắp tới của Liên minh châu Âu có thể sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt khá tượng trưng, như ngừng các cuộc đàm phán về thị thực hoặc tự do thương mại, phóng viên Chris Morris của BBC tại Brussels báo cáo.
Nhưng các biện pháp thực chất hơn – bao gồm cấm đi lại hoặc đóng băng tài sản đối với các quan chức cấp cao Nga – là không có khả năng, phóng viên BBC nhận định tiếp.
Ý tưởng có thể thấy được hiện nay là việc EU sẽ thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ đối với Ukraine, và cố gắng giữ được liên lạc đàm phán với Nga.
Moscow đã luôn chỉ trích chính phủ mới tại Ukraine là bất hợp pháp, và nói rằng ông Yanukovych vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp.
Để đáp lại các đe dọa từ phương Tây, ông Putin từng nói trong cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng: “Những ai đang nghĩ đến việc trừng phạt Nga cần cân nhắc các hậu quả của chúng. Trừng phạt sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên.”
Về nhóm G8 “chúng tôi sẵn sàng tiếp đón các đồng nghiệp. Nhưng nếu họ không muốn đến thì thôi cũng chẳng cần,” ông nói tiếp.
BBC cũng cho biết, cả Mỹ và Liên minh châu Âu đã đề nghị cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine, trước cuộc khủng hoảng kinh tế đang lan rộng và nguy cơ bị cắt đứt mối quan hệ với Moscow.
Ông Kerry đã mang đến Kiev một gói trợ cấp năng lượng 1 tỷ Mỹ Kim, trong khi EU đang xem xét việc thanh toán 2 tỷ Mỹ mà Ukraine nợ Nga trong hóa đơn khí đốt.
PV.VRNs
No comments:
Post a Comment