Thursday, March 6, 2014

Bà Bùi Hằng tuyệt thực trong tù 24 ngày!

ĐỒNG THÁP (NV) .- Bà Bùi Thị Minh Hằng, một trong ba người bị công an Việt Nam tạm giữ, rồi khởi tố vì “gây rối trật tự công cộng” ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vẫn đang tuyệt thực.


Bà Bùi Thị Minh Hằng cầm loa hô khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình chống Trung quốc bá quyền bành trướng ở Hà Nội ngày 17/7/2011 (Hình: Dân Làm Báo)


Cô Đặng Thị Quỳnh Anh, con gái bà Hằng cho biết, khi cô đến gửi đồ cho mẹ, một giám thị của trại tạm giam Lấp Vò tiết lộ, bà Hằng đã tuyệt thực suốt từ ngày bị tạm giữ đến nay.

Bà Hằng là người có mặt trong nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, phản kháng đàn áp, đòi dân chủ, nhân quyền ở nhiều nơi. Trong các cuộc biểu tình đó, bà Hằng nổi lên như một nhân vật dũng cảm, chưa bao giờ ngần ngại khi đối đầu với công an Việt Nam.

Tháng 11 năm 2011, bà Hằng bị Công an Bà Rịa – Vũng Tàu bắt, áp giải ra Hà Nội để thi hành quyết định “cưỡng bức giáo dục” trong hai năm vì “gây rối trật tự công cộng”. Quyết định “cưỡng bức giáo dục” của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội đối với bà Hằng đã bị dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam chỉ trích kịch liệt. Cuối tháng 4 năm 2012, sau năm tháng được “giáo dục” ở “Cơ sở giáo dục Thanh Hà”, tọa lạc tại tỉnh Vĩnh Phúc, bà Hằng được phóng thích sớm, giao cho “địa phương và gia đình giáo dục tiếp”.  

Sau 5 tháng được “giáo dục” ở “Cơ sở giáo dục Thanh Hà”, bà Hằng tham gia các hoạt động phản kháng tích cực và quyết liệt hơn trước. Hôm 11 tháng 2-2014, bà Hằng cùng 20 người khác là những người thường xuyên tham gia các hoạt động phản kháng, cựu tù chính trị, tu sĩ và tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo về huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thăm gia đình vợ ông Nguyễn Bắc Truyển – vốn vừa trở thành nạn nhân của một vụ bạo hành do Công an thực hiện (khám xét tư gia, đập phá tài sản, vô cớ thẩm vấn, hăm dọa).  

Ông Truyển từng là luật sư. Ông tham gia Đảng Dân chủ nhân dân và viết nhiều bài vận động cho dân chủ, nhân quyền. Cuối năm 2006, ông cùng một số đồng chí bị bắt, bị đưa ra tòa và bị phạt 40 tháng tù, kèm hai năm quản chế do “tuyên truyền chống nhà nước”. Sau khi mãn hạn tù vào tháng 5 năm 2010, ông Truyển tham gia vào các hoạt động hỗ trợ tù nhân chính trị và tôn giáo, cũng như thân nhân của họ.

Gần đây, ông Truyển bắt đầu tham gia nhiều hơn vào những hoạt động cho dân chủ, nhân quyền của những tổ chức dân sự khác. Hôm 9 tháng 2-2014, Công an đã xông vào nhà vợ ông Truyển khi ông đang ở đó, hành hung mọi người, thu giũ nhiều tài sản cá nhân của ông Truyển rồi áp giải ông về Sài Gòn, tạm giữ một ngày trước khi phóng thích.
Còn vợ của ông Truyển là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy – tôn giáo thường xuyên bị đàn áp để ép tu sĩ, tín đồ phải tham gia vào tổ chức Phật giáo Hòa Hảo do chính quyền thành lập và các đảng viên cộng sản điều hành.

Vụ tạm giữ ông Truyển được xem như một hình thức răn đe, ngăn chặn sự liên kết giữa các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy với các tổ chức dân sự đang hoạt động cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Tuy nhiên vụ khám xét, đập phá tài sản, tạm giữ - áp giải ông Truyển từ Lấp Vò, Đồng Tháp  về Sài Gòn không đạt hiệu quả răn đe, ngăn chặn. Chỉ hai ngày sau, 21 người đã từ Sài Gòn, An Giang, Đồng Tháp cùng nhau đến thăm gia đình vợ ông Truyển. Công an Việt Nam đã chặn nhóm này giữa đường, đánh đập rồi tạm giữ cả 21 người. Ngay lập tức, vụ đánh đập, bắt giữ này được loan tải rộng rãi trên Internet.

Đến ngày 12 tháng 2-2014, công an lần lượt thả 18 trong số 21 người bị tạm giữ. Ba người không được thả là bà Bùi Thị Minh Hằng và cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (một người cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động phản kháng công khai). Người thứ ba, ông Nguyễn Văn Minh là một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, ngụ ở An Giang, có cha vợ và em vợ hiện là tù nhân vì vận động đòi quyền tự do tôn giáo.

Tuy công an không có bất kỳ thông báo nào với thân nhân những người bị tạm giữ nhưng đầu tháng này, tờ Công an nhân dân loan báo, Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam bà Bùi Thị Minh Hằng, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh. Hai người phụ nữ bị vu cho tội “gây rối trật tự công cộng” còn ông  Nguyễn Văn Minh thì bị vu cho tội “chống người thi hành công vụ”. Đồng thời cho biết thêm rằng công an “đang điều tra mở rộng”.

Sau khi các thân hữu bị bắt, ông Truyển và vợ đã ra Hà Nội để gặp gỡ các viên chức ngoại giao nước ngoài để trình bày về sự vô lý trong những cáo buộc của Công an Việt Nam. Trên đường đến Đại sứ quán Úc, chiếc taxi chở vợ chồng ông Truyển đã bị một nhóm côn đồ chặn lại giữa đường. Vợ chồng ông Truyển đã bị lôi ra khỏi xe, đánh đập tàn nhẫn. Sau đó, nhân viên của Đại sứ quán Úc phải đưa họ đến bệnh viện cấp cứu. Úc cũng như một số cơ quan ngoại giao ở Hà Nội đã lên tiếng, yêu cầu chính quyền Việt Nam giải thích về vụ hành hung này.

Người dùng Internet đang chuyền cho nhau một lá thư của con gái bà Hằng. Trong thư, con gái bà Hằng bày tỏ sự hy vọng được “giúp đỡ vật chất” và “tư vấn, góp ý” để các con của bà có đủ điều kiện theo đuổi cuộc đấu tranh đòi hỏi sự công bằng cho bà Hằng. Trả lời BBC, cô Đặng Thị Quỳnh Anh xác nhận chính cô viết lá thư này và đang tìm sự hỗ trợ tài chính để thuê luật sư bảo vệ bà Hằng. 

No comments:

Post a Comment