Wednesday, February 12, 2014

Việt Nam xếp gần chót bảng "tự do báo chí"!

PARIS (NV) .- Việt Nam vẫn nằm gần chót bảng chỉ số về “tự do báo chí” trên thế giới, chẳng khác gì những năm qua, theo bảng xếp hạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF).

Một Logo của tổ chức Mạng Lưới Bloggers Việt Nam chống điều luật hình sự 258 của CSVN dùng để bỏ tù các người sử dụng quyền tự do thông tin, báo chí.. (Hình: MLBVN)

Hôm Thứ Tư 12/2/2014, theo thông lệ hàng năm, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố bảng chỉ số đánh giá tình trạng tôn trọng quyền tự do báo chí của người dân năm vừa qua (2013) tại 180 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

Trong đó, Việt Nam xếp hạng 174 trên tổng số 180 nước và lãnh thổ. Nằm trong số 11 nước cuối bảng xếp hạng đều là những nước nổi tiếng độc tài quân phiệt, Cộng sản hay tôn giáo cuồng tín gồm Cuba (170), Lào (171, Sudan (172), Iran (173), Việt Nam (174), Trung Quốc (175), Somalia (176), Syria (177), Turkmenistan (178), Bắc Hàn (179) và Eritrea (180).

Ngoài bảng xếp hạng rất thấp về tôn trọng quyền tự do báo chí của người dân, Việt Nam còn bị tổ chức RSF liệt vào danh sách các nước “Kẻ thù của Internet” trên thế giới. Chế độ Hà Nội đã đẻ ra rất nhiều luật lệ, nghị định và các văn bản dưới luật nhằm siết quyền tự do báo chí của người dân.

Không có tự do báo chí tại Việt Nam, nhưng nhà cầm quyền luôn luôn dùng số lượng 700 báo đài và 17,000 người có giấy phép hành nghề ký giả để khoe với thế giới rằng tại Việt Nam có tự do báo chí. Thật sự, tất cả những báo đài đó đều là các cơ quan thông tin tuyên truyền của nhà cầm quyền từ trung ương tới địa phương, hoặc các tổ chức ngoại vi của đảng và nhà nước. Những người cầm đầu hệ thống báo đài phải thường xuyên dự các buổi họp để nhận chỉ thị phải khai thác thông tin ra sao.

Những người gọi là có “thẻ nhà báo” đều là những người ăn lương của nhà nước, dù là đảng viên hay không, đều phải viết trong khuôn khổ phục vụ nhu cầu đánh bóng và tuyên truyền của chế độ. Thậm chí, nếu cần thì sẵn sàng viết ngược sự thật.

Theo RSF thống kê thì trong năm 2013, ít nhất có 34 bloggers đang bị giam giữ hay đã có án tại Việt Nam. Trong số những quốc gia có nhiều nhà báo tự do hoặc người viết blog bị bỏ tù thì Việt Nam chỉ thua có Trung quốc. Tháng 9 vừa qua, CSVN ban hành nghị định 72 cấm các người viết blog hay dùng mạng xã hội, chẳng hạn Facebook, tổng hợp hay chia sẻ thông tin thời sự.

Trong bản tin ngày Thứ Ba 11/2/2014, RSF “lấy làm hãi hùng” khi công an thường phục CSVN sử dụng bạo lực đối với một số người viết blogs như Bùi Thị Minh Hằng, Lưu Trọng Kiệt và một số cựu tù nhân chính trị khác, khi họ tới đám cưới của người đấu tranh dân chủ Nguyễn Bắc Truyển ở tỉnh Đồng Tháp ngày 9/2/2014 vừa qua.

Ông Truyển thì bị đánh đập, còng tay và lôi lên xe tống xuất về Sài Gòn, hôn thê của ông cũng bị bắt giữ và thẩm vấn suốt nhiều giờ của nhà cầm quyền địa phương. Cho tới ngày 11/2/2014, còn 3 người trong số 22 thân hữu của ông Truyền và thân hữu của cô dâu bị công an Đồng Tháp giam giữ, đánh đập tàn nhẫn và thẩm vấn. Chưa biết những người này có được trả tự do hay có thể bị lôi ra tòa kết án theo những cáo buộc dựng đứng gồm bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và ông Nguyễn Văn Minh.

Tại buổi báo cáo định kỳ về nhân quyền tại Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ngày 5/2/2014, chế độ Hà Nội vẫn ngang nhiên khoe các thành tích nâng cao nhân quyền tại Việt Nam, bất chấp sự thật bị rất nhiều tổ chức của người Việt Nam và các tổ chức quốc tế đưa ra. Thậm chí, một tổ chức theo dõi hoạt động của LHQ đã đòi đuổi CSVN ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền vì vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Có 106 nước đã đưa ra 227 khuyến nghị thúc hối chế độ Hà Nội cải thiện nhân quyền. Trong đó, nhiều nước đòi CSVN sửa đổi hay hủy bỏ các điều luật hình sự 88,79 và 258 bị coi là rất mơ hồ dùng để khủng bố và kết án tù người dân khi người ta sử dụng các quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do tụ họp và lập hội.


Những gì đang diễn ra tại Việt Nam qua các vụ bắt giữ, đánh đập các bloggers bất chấp luật lệ, đã  buộc RSF kêu rằng chế độ Hà Nội đang thách thức Liên Hiệp Quốc chứ họ chẳng e dè gì mà thay đổi cách hành xử bạo ngược với dân. 

No comments:

Post a Comment