DVO 13/02/2014 -Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước mặc dù khẳng định sẽ thực hiện lộ trình cổ phần hóa nhưng vẫn bày tỏ mong muốn nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Ý muốn này trong bối cảnh Thủ tướng liên tiếp có nhiều chỉ đạo quyết liệt liên quan tới việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu thay lãnh đạo nếu không chịu cổ phần hóa, yêu cầu thoái vốn nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ.
Ông Trần Sơn Châu, tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá VN (Vinataba), cho biết dù chưa có quyết định chính thức có cổ phần hóa Vinataba hay không “do là ngành Nhà nước vẫn muốn giữ độc quyền”, nhưng Vinataba cũng đã chủ động cổ phần hóa xong các đơn vị phụ trợ từ khá sớm.
“Chúng tôi đã cổ phần hóa xong sáu đơn vị phụ trợ thành viên và sẽ thực hiện ngay việc cổ phần hóa Vinataba nếu Chính phủ có quyết định” - ông Châu khẳng định. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng với đặc thù của ngành nghề mình, việc “Nhà nước nắm giữ tỉ lệ chi phối trên 50% là điều chắc chắn”.
Còn theo đại diện Vicem, do ximăng là ngành có đặc thù nên việc “Nhà nước vẫn giữ tỉ lệ chi phối sau cổ phần hóa là điều đương nhiên, vì hiện nay có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dòm ngó thị trường ximăng VN, nếu không giữ tỉ lệ chi phối thì thị trường sẽ rơi vào tay họ”.
Trong khi đó, ông Trần Quang Nghị, tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết “Vinatex đã chuẩn bị cho việc cổ phần hóa từ khá sớm và liên tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa ở các công ty thành viên. Và nếu được Chính phủ thông qua, Vinatex sẽ chọn thời điểm phù hợp để tiến hành IPO”.
Nhiều chủ doanh nghiệp nhà nước ngành xi măng, thuốc lá, dệt may... mặc dù khẳng định sẽ thực hiện lộ trình cổ phần hóa nhưng vẫn bày tỏ mong muốn nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. |
Cũng theo ông Nghị, hiện Vinatex còn chờ Chính phủ phê duyệt tỉ lệ cổ phần được bán ra cho nhà đầu tư chiến lược là bao nhiêu trong tỉ lệ 49% được phép bán ra bên ngoài. Nghĩa là, theo ông Nghị, Nhà nước vẫn nắm 51% cổ phần tại Vinatex sau cổ phần hóa.
TS Lê Đăng Doanh cho rằng nhiều ngành nghề Việt Nam cho là nhạy cảm, nhất là các ngành như dệt may, ximăng... trên thế giới lại không được coi là những ngành chiến lược nhạy cảm, không có nắm giữ bí mật về khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng...
Vì vậy, theo ông Doanh, việc Nhà nước nắm giữ 51% trở lên là không cần thiết. Cần xem xét CPH mạnh hơn để vừa thu hút được vốn bên ngoài, vừa thay đổi được quản trị, đổi mới được sức cạnh tranh, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
Việc các doanh nghiệp nhà nước muốn Nhà nước giữ cổ phần chi phối (51%), theo ông Doanh, cũng dễ hiểu bởi vị thế của lãnh đạo được giữ nguyên, cùng lắm là có thêm một ông nước ngoài ngồi vào ghế ủy viên HĐQT.
Thay lãnh đạo nếu...
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp có nhiều chỉ đạo quyết liệt liên quan tới việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, yêu cầu thay lãnh đạo nếu không chịu cổ phần hóa, yêu cầu thoái vốn nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ.
Cụ thể, vào ngày 24/12/2013, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương Thủ tướng đã khẳng định năm 2014 dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sau khi các đề án đã được phê duyệt xong.
Theo Thủ tướng, trong tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty thì nhân tố quyết định là cán bộ, “bố trí cán bộ không tốt thì không tái được gì hết, trọng tâm là cổ phần hóa. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì thay thế”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu thoái vốn Nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ. "Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, lần này phải kiên quyết. Muốn có kinh tế thị trường phải đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác", ông nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ chủ trương sẽ bán hết cổ phần đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng phải có lộ trình cụ thể, không phải bán tràn lan để sơ hở thất thoát tài sản nhà nước.
Hà Anh
No comments:
Post a Comment