Gần đây tại Việt Nam đã có hai sự việc xảy ra rất gần nhau khiến mới nhìn qua thì thấy là nghịch lý.
Thứ nhất là cuộc biểu tình ngày 20.01.2014 tại Hà-nội, thủ đô của CHXHCN VN, để tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Đảo Hoàng Sa năm 1974.
Thứ hai là sự từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam của ông Lê Hiếu Đằng trước khi chết và đám tang mang tính “chống Đảng” của ông ta (từ 23 đến 26.01.2014) tại TP HCM, tức Sài-gòn, thủ đô của VNCH trước kia.
Cuộc biểu tình tại Công viên Lý Thái Tổ, Hà-nội, sáng Chủ nhật 20.1.2014 đã quy tụ đông đảo nhiều thành phần dân chúng tham dự nhân kỷ niệm 40 năm (1974- 2014) ngày bọn cướp biển Trung Cộng đánh chiếm Đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đã gặp sự chống cự dũng cảm của lực lượng Hải Quân VNCH khi ấy, quyết bảo vệ lãnh hải của tổ quốc khiến 74 chiến sĩ đã hy sinh.
Trong khi đó, nhà nước Cộng sản Miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) đã ngoan ngõan công nhận tuyên bố ngang ngược của Trung Cộng về lãnh hải và đang dốc tòan lực đánh chiếm VNCH một năm sau đó (1975) để làm “nghĩa vụ quốc tế” với Liên-sô và Trung Cộng, được che đậy dưới chiêu bài “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”.
Thật ra, Mỹ đã “cút” khỏi VN trước đó hai năm, và đã cúp viện trợ khiến VNCH không còn sức mạnh quân sự để chống cự lại cuộc tấn công ồ ạt từ miền Bắc được khối Cộng sản quốc tế chi viện tối đa.
Đặt được ách thống trị trên tòan cõi Việt Nam, Đảng CSVN đã “thừa thắng xông lên”, tự xưng là đảng Mác-Lênin bách chiến bách thắng, là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, hăng say “tiến mau tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”, phóng tay thi hành những chính sách tàn bạo để trả thù, đày ải, hạ nhục những người có liên hệ tới “ngụy quân, ngụy quyền” – xử tử, giam nhốt vào trại cải tạo, lùa đi kinh tế mới…
Nhưng chỉ vài năm, sau mấy lần đổi tiền, đánh tư sản, tập thể hóa sản xuất, cả nước đã ở bên bờ vực thẳm, Đảng CSVN bắt buộc phải “đổi mới” kinh tế, để tránh sụp đổ.
Ngày nay, “cái nôi của cách mạng Mác-Lênin” Liên-sô và khối cộng sản chư hầu Đông Âu đã biến mất từ lâu, Đảng CSVN vẫn nhân danh “cách mạng của giai cấp vô sản” để nắm độc quyền cai trị trên một xã hội với đại đa số dân nghèo cùng cực trong khi thiểu số “tư bản đỏ”, “đại gia” do quyền lực tham ô đẻ ra, giàu gấp ngàn lần những người bị kết tội “tư sản”, “địa chủ” trong xã hội cũ.
Với guồng máy cai trị độc tài, thối nát, tàn bạo với dân nhưng qùy gối cúi đầu trước kẻ thù truyền kiếp ở phương Bắc, sẵn sàng dâng cho chúng đất, biển, đảo mà tổ tiên đã giữ vững hàng ngàn năm, Đảng CSVN đã phơi bày bộ mặt thật của nó.
Cuộc biểu tình công khai ngày 20.01.2014 tại Công viên Lý Thái Tổ, thủ đô Hà-nội, để tưởng niệm, tôn vinh “những người lính ngụy” đã dũng cảm hy sinh chống lại bọn xâm lược phương Bắc là dấu hiệu của biến cố “tức nước vỡ bờ” không còn xa.
Người dân đã không còn sợ bạo lực của kẻ cầm quyền.
Trong những người tập họp tại Công viên Lý Thái Tổ ngày 20.01.2014 không phải chỉ có người dân. Người ta thấy có mặt trí thức, văn nghệ sĩ của chế độ, cả cựu cán bộ, đảng viên, có cả cựu bộ đội ôm trước ngực tấm ảnh của Trung tá “ngụy” Ngụy Văn Thà cùng với tấm bảng “Tổ quốc ghi công”.
Cuộc biểu tình đã bị quấy nhiễu bởi một toán công nhân giả hiệu đem đá ra cưa tại tượng đài Lý Thái Tổ gây tiếng ồn, khói bụi mù mịt và công an chìm nổi thẳng tay đàn áp.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trí thức của chế độ, đã viết một bài tường trình khá dài về cuộc biểu tình này, trong đó có đoạn như sau:
Cuộc mít tinh trước tượng đài thế là không tổ chức được. Anh Toàn rút ra một tờ giấy bảo: “Có mấy câu tưởng niệm liệt sĩ đây định để anh đọc, nhưng còn làm thế nào mà đọc bây giờ”. Tôi cười bảo: “Cứ cất vào túi làm kỷ niệm cái ngày lịch sử hôm nay. Biết đâu đấy, sách giáo khoa Cánh Buồm sẽ in nó”. Vậy mà, người Việt thật là dẻo dai và ứng biến thật linh động. Trong khi nhiều người “tai mắt” đang bận ứng phó với những kẻ phát loa cùng một đám lầm lầm đi theo với khí thế của vai và cơ bắp ở phía gần bức tượng thì ở một phía xa hơn, bà con đã nhân cơ hội tụ tập lại rất đông trước những bậc thềm đi xuống khoảng sân rộng nhìn ra mặt Hồ Gươm. Và thế là khẩu hiệu ở đâu rút ra liền, đủ loại đủ cỡ, trắng đỏ như bươm bướm: “Tẩy chay 16 chữ vàng và 4 tốt”, “Sang năm tới Hoàng Sa”, “Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ”, có cả một băng rôn dài in hình liệt sĩ Ngụy Văn Thà trẻ trung với những lời trân trọng: “Đời đời nhớ ơn anh hùng Ngụy Văn Thà và đồng đội”... Phan Châu Thành đặt gậy sang một bên tay, rút từ trong xắc một tấm băng rất to màu xanh: “Đả đảo Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam– Quyết giành lại biển đảo của Tổ quốc” và mọi người cầm lấy giương cao lên. Không khí trang nghiêm của cuộc mít tinh bắt đầu. Mỗi tiếng hô dõng dạc “Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam”; “Các liệt sĩ Hoàng Sa đời đời bất diệt” thì tiếng hô đế theo rền vang làm chấn động cả quảng trường kèm theo mỗi người một cành hoa trắng bọc nilon từ đâu giơ cao lên đều tăm tắp. Cứ như thế có đến 15 phút và sự phấn khích lan tỏa trên nét mặt của hầu như tất cả những ai đang hiện diện. Có lẽ đây chính là cao trào của buổi sáng hôm nay và chắc chắn cái thông điệp nén trong lòng người dân Việt giờ đây đã có dịp phụt ra, bay đến tận tai Bắc Kinh. (ngưng trích)
Ngày nay sự thật đã rõ ràng. Quốc hay Cộng - bên nào giữ nước, bên nào bán nước. Bên nào là Chính, bên nào là Ngụy.
Ba ngày sau cuộc biểu tình tại Công viên Lý Thái Tổ ở Hà-nội tưởng niệm 74 anh hùng liệt sĩ VNCH, đám tang ông Lê Hiếu Đằng đã được tổ chức tại Sài-gòn (mang tên Thành phổ Hồ Chí Minh sau ngày 30.4.1975).
Lê Hiếu Đằng đã có 45 tuổi đảng trong cuộc đời 70 năm. Ông ta được bí mật kết nạp vào Đảng CSVN năm 25 tuổi, khi đang là một sinh viên đại học ở Sài-gòn. Lợi dụng môi trường sinh họat tự do trong các khuôn viện đại học ở miền Nam VN, Lê Hiếu Đằng đã xâm nhập, len lỏi thi hành những công tác nội thành do Việt Cộng giao phó và đã góp nhiều công vào chiến thắng cuối cùng của cuộc xâm lăng từ miền Bắc.
Sau ngày 30.4.1975, Lê Hiếu Đằng đã được trả công, được cất nhắc vào những chức vụ ăn trên ngồi trước trong guồng máy cai trị tự mệnh danh là “cách mạng”, gieo rắc bao tai ương cho dân, gây ra bao nhiêu tội ác với nước, và ông ta đã hoàn toàn im lặng thụ hưởng ưu quyền. Cho đến khi lâm bệnh nặng, vài tháng trước khi chết, ông ta mới bày tỏ sự sám hối, viết thư trần tình và tuyên bố ra khỏi Đảng. Nhưng sự sám hối muộn màng và những lập luận của ông ta có nhiều điều cần phải nói đến.
Hơn một tháng trước khi nhắm mắt lìa đời, Lê Hiếu Đằng viết:
“Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”.
Đây là lý luận kiểu ngụy biện, ngoan cố, gian dối của hầu hết những đảng viên cộng sản đã bỏ hàng ngũ muộn màng, không có can đảm nhận mình đã sai, đã lầm đường lạc lối, vì muốn ôm giữ những “công trạng” và “hào quang” của quá khứ.
Một người có mười mấy năm ngồi trên ghế nhà trường, từ tiểu học tới đại học, không thể viết những câu ngây thơ như vậy. Nhất là một đảng viên suốt 45 năm không thể không biết đảng của mình chủ trương “bạo lực cách mạng”, hay “chuyên chính vô sản”, nói rõ ra là nô lệ hóa con người, làm gì có cái gọi là “giải phóng” hay “lợi ích dân tộc, nhân dân”. Đó chỉ là những chiêu bài lừa bịp được dùng để làm bình phong che đậy những tội ác khủng khiếp của mọi đảng cộng sản đã được phơi bày dưới ánh sáng mặt trời từ khi Đế quốc Đỏ Sô-viết sụp đổ hơn 20 năm trước.
Riêng với Đảng CSVN, đã từ cái nôi của Liên-sô mà ra, bản Điều Lệ năm 1935 cũng đã ghi rõ mục đích là “lập chính quyền Xô viết công nông binh, đặng dự bị điều kiện tranh đấu thực hiện vô sản chuyên chính, kiến thiết xã hội chủ nghĩa là thời kỳ đầu của cộng sản chủ nghĩa theo chương trình của Quốc tế Cộng sản".
Trước khi chết, Lê Hiếu Đằng vẫn còn muốn “nhân dân” coi mình như một “nhà cách mạng chân chính”, và không chịu trách nhiệm gì cả về việc đã góp công để lập nên cái chế độ ác ôn này. Ông ta nuốn mọi người tin rằng sự ác ôn chỉ mới có do việc “biến chất” sau này của nhóm lãnh đạo đảng.
Lê Hiếu Đằng cũng không dám sám hối sớm hơn vì sợ sự trừng phạt của Đảng. Phải đợi đến khi biết không còn sống được nữa mới dám tìm cách “ra khỏi đảng” để tỏ ra ta cũng là kẻ thức thời, và đứng trong hàng ngũ trào lưu dân chủ, về phía nhân dân.
Tuy nhiên, Lê Hiếu Đằng đã lầm. Dù đã chết, ông ta cũng không tránh khỏi sự trừng phạt của Đảng. Vài vòng hoa phúng điếu với những lời lẽ biểu dương sự sám hối của ông ta đã bị công an kéo giật xuống. Trong những người tới tiễn đưa ông ta có vài khuôn mặt già nua từng là đồng chí với ông ta khuấy động hậu phương VNCH trước đây, như Hùynh Tấn Mẫm. Họ cũng im lặng một cách hèn nhát trước bao nỗi thống khổ của dân nghèo và trước bạo lực của “Đảng”.
Người duy nhất tới dự đám tang đã có can đảm tự nhận là “thằng hèn” là Nhạc sĩ Tô Hải. Với thân xác tàn tạ, ông ta đã ngồi xe lăn tới đây như để nói lên vì “hèn” đã suốt đời im lặng phục vụ cho Đảng CSVN mà ông ta cho là nguyên nhân của tất cả điêu linh, khổ đau của dân tộc Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua.
Hai sự việc xảy ra cách nhau vài ngày và không liên quan gì với nhau nhưng đã cùng chứng minh: Cuộc tranh chấp Quốc Cộng tại VN chưa chấm dứt với ngày 30.4.1975, và nay đang ở vào giai đoạn kết thúc với sự tan rã của chế độ cộng sản không còn xa.
Chân Lý chỉ có một, và cuối cùng sẽ thắng.
Sơn Tùng
Virginia, 04.02.2014
No comments:
Post a Comment