Wednesday, February 12, 2014

Cúm gia cầm đe dọa từ Bắc đến Nam

SM- 13/02/2014      -Trong khi dịch cúm A/H5N1 đã chính thức bùng phát trở lại tại miền Trung và miền Nam, thì virus cúm A/H7N9 đang rình rập ở biên giới phía bắc khi chủng cúm này đã từ Trung Quốc phát tán sang các quốc gia và vùng lãnh thổ láng giềng.


Theo AFP, cuối ngày 12/2, Hong Kong đã xác nhận thông tin có thêm một người chết vì nhiễm cúm A/H7N9, đánh dấu trường hợp thứ 5 tại đây. Đó là một người đàn ông 65 tuổi nhập viện ngày 11/2 khi sốt và ho dữ dội khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch. Sau khi xét nghiệm, người đàn ông này đã có phản ứng dương tính với cúm A/H7N9. Điều tra sơ bộ cho thấy từ ngày 24/1 đến ngày 9/2, bệnh nhân đã du lịch đến nhiều tỉnh ở Trung Quốc và đã mua một con gà giết mổ sẵn tại ngôi làng cạnh nơi sống ngày 29/1. Toàn bộ 7 thành viên còn lại trong gia đình chưa có triệu chứng nhiễm cúm. 5 người trong số họ đã đồng ý đến bệnh viện để xét nghiệm. Điều đáng lưu ý là toàn bộ trường hợp tử vong vì cúm A/H7N9 tại Hong Kong đều trở về từ Trung Quốc.
 
Cùng cách thức qua đường du lịch, ngày 12/2, Malaysia cũng thông báo ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên là du khách Trung Quốc. Bệnh nhân là nữ du khách 67 tuổi từ Quảng Đông đến du lịch tại bang Sabah. 20 người từng tiếp xúc với người bệnh đã được cách ly để kiểm tra. Tuy Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam đã trấn an dân chúng bằng thông tin chưa có bằng chứng cho thấy virus này lây từ người sang người, song người dân nước này cũng không khỏi lo lắng khi dịch cúm từ Trung Quốc đã lan đến nước họ.
 
Cùng ngày tại Trung Quốc, các nhà chức trách nước này thông báo đã có thêm 3 trường hợp nhiễm mới tại Chiết Giang, nâng tổng số bệnh nhân tại đây lên 82 người. Trước đó một ngày, 4 ca nhiễm mới, trong đó có một trường hợp tử vong cũng đã được phát hiện tại tỉnh này. Trong khi đó, Tân Hoa xã cho biết: Phúc Kiến báo cáo có ba trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có một ca tử vong. Quảng Tây cũng xác nhận gia cầm của họ đã nhiễm cúm này.
 
Những thông tin trên cho thấy nguy cơ virus cúm A/H7N9 tấn công Việt Nam rất cao. Nhận định về vấn đề này, PGS, TS. Trần Ðắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - nói trên tờ Nhân Dân: Cúm A/H7N9 có tỷ lệ tử vong cao, diễn biến phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta do các trường hợp mắc chủng cúm này gia tăng đột biến trong hơn một tháng đầu năm 2014 với số ca nhiễm bệnh nhiều hơn cả năm 2013. Ðặc biệt, ghi nhận nhiều trường hợp mắc mới tại Quảng Ðông (Trung Quốc), nơi có số người Việt đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn. Ðiều đáng lo ngại, virus cúm A/H7N9 lưu hành ở các đàn gia cầm, nhưng không có biểu hiện triệu chứng, nên khó phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.
 
Bộ Y tế Campuchia ngày 12/2 đã xác nhận một bé trai 8 tuổi ở tỉnh Kratie đã chết vì cúm A/H5N1. Trong khi tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có hai trường hợp mắc bệnh và đều đã tử vong.
Trong khi đó, tại các tỉnh miền Trung và miền Nam, sự lây lan virus cúm A/H5N1 đang có những diễn biến phức tạp. Theo Tiền Phong, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ở các ổ dịch trên địa bàn tỉnh Kom Tum đều dương tính với virus này. Tại Tây Ninh, thông tin từ báo Nhân Dân cho hay người dân địa phương đã phát hiện nhiều xác gia cầm trôi nổi lềnh bềnh trên tuyến kênh TN 17 đoạn chảy qua huyện Châu Thành trong hơn nửa tháng qua. Trước đó không lâu, huyện Bến Cầu và Châu Thành (Tây Ninh) cũng ghi nhận hàng loạt mẫu bệnh phẩm dương tính với chủng cúm A/H5N1.
 
 
Buôn bán công khai gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Dân Trí
 
Song bất chấp thực tế đó, nhiều gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn đang được bày bán tràn lan tại nhiều tỉnh ở miền Trung và miền Nam. Trong đó, khu chợ trên đường Nguyễn Văn Linh (tập trung ở hai bên dốc cầu Bà Bộ thuộc quận Bình Thuỷ và quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn đang tấp nập kẻ mua người bán gà, vịt không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trả lời trên Dân Trí, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ - cho biết: Những người bán hàng cũng… “không rõ nguồn gốc” khi từ “nơi khác” đến!
 

No comments:

Post a Comment