Wednesday, February 12, 2014

Ai kiềm hãm dân chủ?


Nguyễn Hưng Quốc

Không thể phủ nhận được giá trị, sự cần thiết và xu hướng phát triển tất yếu của dân chủ, giới cầm quyền Việt Nam, và cùng với họ, các cán bộ tuyên huấn cũng như gần đây, các “dư luận viên” được trả lương để nói quấy nói quá trên các diễn đàn mạng, thường tìm mọi cách để trì hoãn tiến trình dân chủ hóa.
Hai lý do thường được đưa ra: Một, mỗi quốc gia và mỗi nền văn hóa có một mô thức dân chủ riêng; nước này không có quyền áp đặt mô thức dân chủ của mình lên các nước khác; và hai, Việt Nam chưa sẵn sàng cho một nền dân chủ đa đảng kiểu Tây phương.
Lý do thứ nhất, thật ra, là bắt chước từ luận điểm về các giá trị đặc thù của châu Á (Asia values) của Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore, và Mahathir Mohamad, nguyên Thủ tướng của Malaysia, trong thập niên 1990. Nội dung của quan điểm này là: văn hóa Á châu khác hẳn văn hóa Âu châu và Bắc Mỹ, hoặc, nói cho gọn, Tây phương. Trong khi văn hóa Tây phương dựa trên Thiên Chúa giáo và tinh thần duy lý của triết học cổ đại Hy Lạp, văn hóa Á châu dựa trên Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo và Hồi giáo; trong khi nền văn hóa trên được xây dựng trên nền tảng của chủ nghĩa cá nhân, nền văn hóa dưới được xây dựng trên nền tảng của tinh thần tập thể và cộng đồng; trong khi nền văn hóa trên đề cao tinh thần cạnh tranh, thích đối đầu và nhắm đến tham vọng chinh phục và khống chế, nền văn hóa dưới đề cao tinh thần hài hòa và đồng thuận, sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình cho cộng đồng. Hệ quả, về phương diện chính trị, người Á châu dễ dàng cảm thấy hài lòng dưới những chế độ dễ bị Tây phương xem là độc tài: Với họ, đó là điều hợp lý và cần thiết vì nhờ vậy, họ đạt được nhiều mục tiêu chung, trong đó, quan trọng nhất là sự ổn định và phát triển.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á vào năm 1997 dẫn đến sự suy thoái của nhiều nước, đặc biệt tại Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia, Lào và Philippines… khiến người ta đặt lại vấn đề: Những cái gọi là tinh thần cộng đồng hay tập thể không bảo đảm được sự phát triển và ổn định. Sự suy thoái của Nhật Bản trước đó cũng đã chứng tỏ điều đó. Từ những cuộc khủng hoảng ấy, người ta nhận thấy: kinh tế và chính trị có những quy luật riêng, có tính phổ quát, bất kể các dị biệt về văn hóa; thậm chí, một số giá trị văn hóa mâu thuẫn với những quy luật ấy có thể bị xem là có hại và không có lý do gì phải cố duy trì.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và các quốc gia Tây phương mười năm sau đó (từ 2007) làm cho những sự phê phán vừa kể dịu lại. Tuy nhiên, nó cũng làm cho các chính khách châu Á thấy hoang mang và mất tự tin, từ đó, người ta ít nhấn mạnh một cách quá đáng vào những cái gọi là giá trị đặc thù của văn hóa Á châu. Ở Việt Nam, giới lãnh đạo và giới tuyên huấn cũng bớt mạnh miệng.
Thế vào đó, họ nêu lên lý do thứ hai: người Việt chưa đủ điều kiện để xây dựng một nền dân chủ thực sự và lành mạnh. Đó là những điều kiện gì? Không ai nói ra một cách cụ thể, nhưng hầu như ai cũng hàm ý này: Một, trình độ dân trí còn thấp; và hai, sự chia rẽ, thậm chí, thù hận, còn quá nặng nề.
Về lý do thứ nhất, trình độ dân trí (có người diễn tả một cách văn hoa hơn: tinh thần dân chủ), có nhiều vấn đề:
Một, về phương diện lý thuyết, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này: giữa cơ chế dân chủ và tinh thần dân chủ, yếu tố nào xuất hiện trước và là tiền đề cho yếu tố kia? Một số người đáp: thể chế cần có trước để làm cơ sở, từ đó, làm nảy nở tinh thần dân chủ. Một số người khác lại đáp: cần có tinh thần dân chủ trước, nếu không, mọi thể chế, dù dân chủ đến mấy, cũng sẽ dẫn đến khủng hoảng mà hậu quả cuối cùng là làm sụp đổ cái cơ chế dân chủ vừa mới manh nha. Vấn đề này khá phức tạp, cần nghiên cứu riêng, do đó, tôi xin tạm gác lại cho một bài khác.
Hai, về phương diện thực tế, có thực trình độ dân trí Việt Nam còn thấp quá hay không? Ở đây, lại có nhiều vấn đề: Một, ngay cả khi dân trí Việt Nam còn thấp thì, như nhiều người đã chỉ, dân trí Việt Nam hiện nay dù sao cũng cao hơn “quan trí”, tức trình độ trí thức của giới lãnh đạo. Trong trường hợp này, không thể lấy trình độ của giới lãnh đạo để đo lường trình độ của dân chúng được. Làm vậy không những sai lầm mà còn là một sai lầm có tính lừa bịp. Hai, không thể chối cãi là dân trí Việt Nam chưa cao, nhưng chắc chắn là, nói chung, nó không thể thấp hơn trình độ dân trí của Mỹ và Pháp trong thế kỷ 19, thời khai sinh của dân chủ hay trình độ dân trí của nhiều quốc gia Âu châu trong nửa đầu thế kỷ 20 (ở đây, tôi chỉ nói đến trình độ dân trí nói chung chứ không so sánh các đỉnh cao, trình độ của giới ưu tú – elite – trong xã hội giữa các nước, điều, thành thực mà nói, về nhiều phương diện, chúng ta vẫn còn thua khá xa!)
Ba, nếu trình độ dân trí Việt Nam thấp thật thì đâu là nguyên nhân của sự thấp kém ấy? Không nên quên, ở Việt Nam, đảng Cộng sản đã bắt đầu cầm quyền từ năm 1945: đến nay, đã gần 70 năm. Nếu tính, chỉ ở miền Bắc: đã 60 năm. Muộn hơn, trong cả nước: gần 40 năm. Một chế độ lúc nào cũng tự nhận là đỉnh cao của trí tuệ và lúc nào cũng huênh hoang về các cuộc cách mạng do họ tiến hành, từ cách mạng quan hệ sản xuất đến cách mạng văn hóa tư tưởng và cách mạng khoa học kỹ thuật, tại sao lại có thể để cho dân trí cứ thấp lè tè và lẹt đẹt mãi như vậy? Đổ lỗi cho chiến tranh ư? Nhưng chiến tranh cũng đã kết thúc gần 40 năm rồi. Vậy, tại sao? Chỉ có một trong hai lý do: hoặc họ bất lực trong việc nâng cao dân trí hoặc họ cố tình kiềm hãm sự phát triển của dân trí bằng các chính sách ngu dân thâm độc?
Về lý do thứ hai, sự thù hận, ai cũng đồng ý: đó là một sự thật. Một trong những di sản lớn nhất của chiến tranh là thù hận. Chiến tranh càng kéo dài, thù hận càng sâu sắc. Ở đâu cũng vậy. Nhưng lại cũng không nên quên: chiến tranh Việt Nam đã kết thúc gần 40 năm rồi. Cho đến bây giờ, thành thực mà nói, rất hiếm người thù hận vì chiến tranh. Người ta thù hận vì những gì xảy ra sau chiến tranh: các chính sách cướp bóc cũng như trả thù của chính quyền đối với những người thua trận. Phong trào vượt biên dấy lên ào ạt là vì những chính sách ấy chứ không phải vì chiến tranh. Nếu không có các vụ tịch thu tài sản, đuổi đi kinh tế mới cũng như các vụ học tập cải tạo kéo dài đằng đẵng và sự kỳ thị đối với con cái những người bị bắt đi cải tạo, có lẽ không mấy người cảm thấy thù hận.
Sự thù hận trong chiến tranh là điều có tính chất gần như số phận: đã có chiến tranh thì có thù hận, không thể khác được. Nhưng những sự thù hận sau chiến tranh thì lại là một lựa chọn của chính quyền. Có thể nói, trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, đảng Cộng sản Việt Nam có hai sai lầm lớn: Một, phát động chiến tranh một cách không cần thiết sau Hiệp định Geneva; và hai, kết thúc cuộc chiến tranh một cách hẹp hòi và thiển cận. Sự thù hận mà người ta hay nói hiện nay chính là hệ quả của cả hai sai lầm ấy.
Hơn nữa, cho dù vấp phải hai sai lầm dẫn đến thù hận vừa kể, đảng Cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam cũng có thừa thời gian và thừa cơ hội để xóa bỏ sự thù hận ấy, nếu họ muốn. Gần 40 năm: gần hai thế hệ. Ở Nam Phi, khi Nelson Mandela lên cầm quyền vào năm 1994, chỉ một thời gian ngắn sau, mọi thù hận giữa người da đen và da trắng chấm dứt. Ở Việt Nam, nếu chỉ tính từ năm 1986, lúc phong trào đổi mới được phát động, nếu chính quyền có thực tâm hòa hợp và hòa giải, trong vòng 30 năm, họ có thể xóa bỏ hoặc ít nhất, làm nguôi ngoai sự thù hận ấy rất nhiều.
Trên nguyên tắc, sự thù hận bao giờ cũng là cảm giác của các nạn nhân, nghĩa là, của những người thua cuộc. Bị đè nặng bởi cảm giác thù hận, các nạn nhân làm nạn nhân đến hai lần: nạn nhân của bạo lực và, cùng lúc cũng như sau đó, nạn nhân của sự thù hận. Tính-nạn-nhân chỉ có thể được chấm dứt từ một trong hai, hoặc từ cả hai nguồn: sự bao dung của chính họ hoặc thiện chí của những người gây ra khổ nạn cho họ. Bao dung không, thật ra, không đủ. Sự bao dung có thể kéo dài tính-nạn-nhân thay vì chấm dứt nó. Sự bao dung chỉ có ý nghĩa khi nó đi kèm với thiện chí của tội phạm đồng thời là những kẻ đang nắm giữ quyền lực. Nelson Mandela chỉ chấp nhận hòa hợp hòa giải với chính quyền do người da trắng cầm đầu chỉ với điều kiện: chính quyền phải chấp nhận người da đen và sẵn sàng chia sẻ quyền lực với những người da đen.
Bởi vậy, sự thù hận của những người Việt Nam ở hải ngoại hay ở miền Nam, nếu có, không phải tự họ, xuất phát từ họ. Mà là từ phía chính quyền: chính quyền hoàn toàn không có bất cứ một chính sách hòa giải thực sự nào cả trừ những câu nói đãi bôi và giả dối. Khi chính quyền vẫn tiếp tục kỳ thị, tiếp tục trấn áp những người bất đồng chính kiến thì chính quyền đang nuôi dưỡng sự thù hận. Khi cho sự thù hận là nguyên nhân làm trì hoãn tiến trình dân chủ, nhà cầm quyền cũng thừa nhận: chính mình là nguyên nhân gây ra tình trạng trì trệ của dân chủ.
Có thể nói, khi cho trình độ dấn trí thấp và sự thù hận giữa người Việt Nam là những lý do chính để trì hoãn dân chủ, nhà cầm quyền Việt Nam đang tự buộc tội chính mình.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

No comments:

Post a Comment