Để tránh tiêu cực, CSGT không mang quá 100.000 đồng, tuy nhiên, dự thảo thông tư lại khoán trắng. Ông Thuấn cho rằng “đó là quy định riêng”…
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT là đơn vị cùng tham gia và được Bộ Công An hỏi ý kiến xây dựng Thông tư thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 171/2013 – quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014).
Nộp phạt thẳng cho CSGT để giảm tiêu cực
Ông Thuấn cho biết, Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an hiện nay không phải là mới, chỉ là quy định lại những điều đã được thực hiện.
Thông tư là cụ thể hóa những quy định tương tự của Luật Xử lý VPHC theo hình thức thủ tục đơn giản (phạt trực tiếp) đã được quy tại NĐ 171, NĐ 146, NĐ 134. Cụ thể, điều 56 và 69 Luật Xử lý VPHC quy định trong trường hợp phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng (với cá nhân), 500.000 đồng (với tổ chức) thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt ngay mà không cần lập biên bản.
Tuy nhiên, trước đó để kiểm soát hoạt động, tránh tiêu cực của cảnh sát giao thông, ngành công an đã ra quy định các chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ không được mang quá 100.000 đồng.
Trong khi dự thảo thông tư hướng dẫn của Bộ Công an lại cho phép nộp phạt trực tiếp tức là gần như “khoán trắng cho CSGT”. Lý giải mâu thuẫn này, ông Thuấn cho biết, đó là quy định nội bộ riêng ngành Công an và ông không có bình luận gì.
Trước những lo ngại cho phép nộp phạt trực tiếp là đang tạo điều kiện thuận lợi cho vi phạm tăng lên, ông Thuấn cho rằng, hiểu như vậy là không đúng. Vi phạm mức nào sẽ xử phạt mức đó, không thể bắt người vi phạm vất vả hơn được.
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH “làm sao để tránh tình trạng tay phải ghi biên lai, tay trái đút tiền vào túi”?, ông Thuấn lúng túng: “Tôi nhắc lại, quy định này do luật cho phép và được phép thực hiện. Việc chống tiêu cực, tham nhũng là do các cơ quan quản lý”.
Trao đổi với báo chí, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, khẳng định: “Đây chỉ là các trường hợp ngoại lệ. Còn lại, theo thủ tục chung, người vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt tại kho bạc”.
Theo ông Nghị, hình thức nộp phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông chỉ được áp dụng trong trường hợp địa điểm xảy ra vi phạm ở nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn và ngoài giờ hành chính, khi kho bạc không làm việc.
Trung tướng Đỗ Đình Nghị cũng cho biết, không có chuyện Bộ Công an sẽ tiến hành đại trà hình thức thu tiền phạt trực tiếp đối với người vi phạm pháp luật về an toàn giao thông.
Trước đó, trả lời báo chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (Bộ Công an) cho biết: Quy định cho phép nộp phạt trực tiếp nhằm tạo thuận lợi cho người vi phạm đỡ phiền hà, tránh tiêu cực.
CSGT tham nhũng tại dân Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng tình với hình thức nộp phạt trực tiếp cho CSGT để tránh phiền hà. Tuy nhiên, nên có nhiều hình thức. Theo ông Liên, sở dĩ ông đồng tình vì tiêu cực, tham nhũng hiện nay đã trở thành vấn nạn chung của toàn xã hội, chứ không riêng gì CSGT. Ông Liên cho rằng, sở dĩ có tình trạng CSGT tham nhũng là do có sự đồng lõa của người dân, không tố cáo lại còn thỏa thuận mức phạt. Như vậy thì không bao giờ có thể chống tiêu cực, tham nhũng được. Đối với quốc tế, CSGT không có tình trạng tham nhũng vì chế độ của họ rất tốt, đồng lương của họ xứng đáng với công sức và đủ để đảm bảo được cho họ một cuộc sống tốt. Trong khi ở Việt Nam lương thấp, công việc vất vả không đảm bảo được cuộc sống.
Theo Báo đất Việt
No comments:
Post a Comment