ĐĂNG BỞI MỘT THẾ GIỚI -
Thành phố Đà nẵng cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước và lờ đi lợi ích của gần 1,7 triệu dân vùng hạ du.
Đà Nẵng tăng giá nước sạch do... thủy điện
Theo Pháp Luật TP.HCM, Lao Động (ảnh: Thủy điện Đăk Mi 4)
“Đà Nẵng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý về Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 (dự thảo) do bộ này soạn thảo” - ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng, cho biết hôm 10.2.2014
Coi nhẹ lợi ích của 1,7 triệu dân
Theo ông Thắng, dự thảo khống chế mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam là 2,53 m làm cơ sở vận hành. Việc khống chế mực nước trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước và xâm hại lợi ích của người dân vùng hạ du thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam.
“Trị số 2,53 m là giá trị trung bình của từng tháng có dòng chảy nhỏ nhất trong năm. Ai cũng biết thời kỳ thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước rơi vào lúc này. Chọn mực nước ấy làm cao trình mực nước khống chế đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái cạn kiệt” - ông Thắng bày tỏ.
Dự thảo cũng quy định khi hạ du thiếu nước nghiêm trọng, hồ thủy điện Đắk Mi 4 chỉ phải xả trả lại sông Vu Gia 12,5 m3/giây. Ông phân tích: Trung bình hằng năm, thủy điện Đắk Mi 4 đã lấy đi trong mùa cạn 1.200 triệu m3 nước. Trong khi đó, thủy điện A Vương chỉ bổ sung được 266 triệu m3, thủy điện Sông Bung 4 bổ sung thêm 234 triệu m3. Có nghĩa là khi vận hành quy trình này, hạ du sông Vu Gia vẫn thiếu tới 700 triệu m3 so với điều kiện tự nhiên không có thủy điện.
“Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từng yêu cầu thủy điện Đắk Mi 4 trả lại cho sông Vu Gia 25 m3/giây (thủy điện này lấy nước của sông Vu Gia để phát điện nhưng lại trả nước về sông Thu Bồn) nhưng quy trình này làm trái chỉ đạo đó. Đơn vị tư vấn lập dự thảo chỉ biết đặt lợi ích của thủy điện lên trên hết, bất chấp gần 1,7 triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia luôn phải đối mặt với thiếu nước” - ông Thắng bộc bạch.
Sẽ kiện ra tòa
Ông Thắng cho hay Đà Nẵng hằng năm phải gánh chịu hậu quả cực kỳ nghiêm trọng vì hạn hán, thiếu nước ngọt do thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng. Việc thiếu nước của Đà Nẵng đã ở mức độ báo động, không chỉ ở mùa khô. Thiệt hại về kinh tế, hậu quả về bệnh tật, mùa màng không thể đong đếm được.
“Nếu quyền lợi của gần 1,7 triệu người dân vùng hạ du bị coi nhẹ hơn lợi ích của thủy điện, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn sẽ đề nghị TP Đà Nẵng khởi kiện thủy điện Đắk Mi 4 và cả Bộ Tài nguyên và Môi trường ra tòa để giải quyết” - ông khẳng định.
Nên giao hết trách nhiệm cho địa phương
Được biết, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đồng ý với những lập luận của Ban chỉ huy phòng chống lũ bão và tìm kiếm cứu nạn. Căn cứ pháp luật để thành phố Đà Nẵng khởi kiện là: Dự thảo đã vi phạm nghiêm trọng các khoản 2, 5, 7, 8 điều 3 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm khoản 1 điều 9 về các hành vi bị cấm; khoản 1, 2 điều 54 về điều hành, phân phối tài nguyên nước; khoản 1 điều 55 về chuyển nước lưu vực sông; khoản 3 điều 60 về phòng, chống hạn hán, lũ lụt, ngập úng nhân tạo… của Luật Tài nguyên nước.
Dự thảo giao trách nhiệm cho UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, vận hành các thủy điện trong lũ lụt nhưng khi hạn hán, thiếu nước lại không được phép điều hành. Chúng tôi cho rằng việc chỉ đạo vận hành các thủy điện trong mùa cạn cũng nên giao trách nhiệm điều hành cho Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng
Ông Thắng cho hay dự thảo còn mắc phải một sai lầm lớn là thiếu thực tế. Vì trong hai năm qua tại thượng lưu điểm chia nước giữa sông Quảng Huế và Ái Nghĩa đã có sự thay đổi rất lớn trong phân phối dòng chảy mùa cạn. Trước đây, tỉ lệ nước về sông Quảng Huế chỉ 20% và sông Ái Nghĩa là 80% nhưng hiện này tỉ lệ này là 40%-60%. Điều này làm cho đáy sông Quảng Huế bị xói sâu, còn đáy sông Ái Nghĩa bị bồi lấp nặng dẫn đến việc khi mực nước ở cùng một cao trình thì lượng nước ở sông Ái Nghĩa đã bị giảm đi rất nhiều.
Đà Nẵng đã tính toán cụ thể: Mực nước trung bình trong 37 năm qua (1976-2012) tại trạm Ái Nghĩa là 3,37m; mùa khô là 2,93m và 3 tháng kiệt nhất là 2,80m. Từ đó, thành phố đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn mực nước khống chế tại trạm Ái Nghĩa là 2,80m trong suốt mùa cạn. Khi mực nước thấp hơn 2,80m, thủy điện Đắk Mi 4 phải xả trả lại sông Vu Gia 25m3/giây; khi bằng 2,80-2,93m xả 12,5 m3/giây và khi mực nước đạt trên 2,93m xả 5m3/giây.
“Với cách vận hành trên, trung bình hằng năm thủy điện Đắk Mi 4 sẽ xả trả lại sông Vu Gia 452,8 triệu m3, chỉ bằng 38% so với tổng lượng nước mà thủy điện này đã lấy đi trong mùa cạn của sông” - ông Thắng nói.
GĐ Cty MTV cấp nước Đà Nẵng-Dawaco - ông Nguyễn Trường Ảnh - cho biết, UBND TP.Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh giá nước sinh hoạt và phí bảo vệ môi trường từ tháng 2.2014. Theo đó, giá nước sinh hoạt đối với hộ dân cư sẽ tăng từ 3.500 đồng/m³ lên 3.800 đồng/m³ (đối với 10m³ đầu), từ 4.100 đồng/m3 lên 4.500 đồng/m³ (với các mét khối tiếp theo).
Đối với kinh doanh dịch vụ tăng từ 11.600 đồng/m³ lên 12.800 đồng/m³; giá nước sinh hoạt ở nông thôn cũng tăng từ 100-200 đồng/m³ tuỳ vào khối lượng sử dụng... Theo ông Ảnh, một phần điều chỉnh giá nước là do liên tiếp những năm gần đây, các nhà máy thuỷ điện chặn dòng ở thượng nguồn.
Cá biệt như Đắk Mi 4 cắt tiệt dòng, chuyển sang sông Thu Bồn đã khiến nước sông Cầu Đỏ tại Đà Nẵng bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép. Trước đây, mỗi năm Dawaco chỉ phải vận hành các trạm bơm dự phòng để bổ sung nguồn nước thô, tránh nhiễm mặn vài giờ mỗi ngày, và chỉ trong 1 tháng mùa hạn. Bây giờ thì các trạm bơm này phải hoạt động liên tục 24/24 giờ suốt... 6 - 7 tháng/năm. Nhiễm mặn xuất hiện ngay từ đầu tháng 1, 2. Chi phí riêng trạm bơm từ 12,3-13 tỉ đồng/năm.
Ngay sau khi thông báo tăng giá nước sinh hoạt, nhiều người dân đã bức xúc, nói rằng, sẵn sàng chia sẻ cái khó của Cty cấp nước, nhưng việc tăng giá đã có nguyên nhân từ thuỷ điện thì phải làm rõ rồi bắt họ đền bù. Nhân dân vùng hạ du chịu nhiều thiệt hại từ thuỷ điện rồi, nay các đơn vị DN liên quan bị hại, vì sao lại trút hậu quả lên vai dân?". Các DN sản xuất kinh doanh, sử dụng khối lượng nước lớn cũng phản ứng, cho rằng chi phí đầu vào tăng sẽ khó khăn cho sản xuất, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, tăng giá và chắc chắn người chịu hậu quả cuối cùng lại vẫn là dân.
GS-TS Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia về xây dựng thuỷ lợi - thuỷ điện (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) - cho rằng, việc thiếu nước ở hạ du Quảng Nam, Đà Nẵng thì đã rành rành, chứng minh được do con người gây ra. Không thể đổ lỗi cho biến đổi khí hậu được. Rừng thì bị phá, xây dựng quá nhiều thuỷ điện trên thượng nguồn... Việc tăng giá nước lần này xem như là bằng chứng cụ thể về thiệt hại do thuỷ điện gây ra. Điều cần thiết là chính quyền Đà Nẵng cần tổ chức hội đồng khoa học, chứng minh cụ thể thiệt hại này rồi buộc thuỷ điện phải chia sẻ, hoặc đền bù".
No comments:
Post a Comment