(GDVN) - Tư duy người Việt tạo nên hình thức xin việc nhờ vào những mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, làng xã…
Bộ Nội vụ mới công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản 100.000 biên chế để lấy ý kiến người dân. Việc tinh giản biên chế sẽ nhằm vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, số lượng trên 2,5 triệu người
Đề xuất tinh giản biên chế lần này có phạm vị rộng, các đối tượng chỉ ra cụ thể và đặc biệt là có nhiều con số minh họa cho lộ trình 7 năm từ 2014 đến 2020.
Trong quá khứ, việc tinh giản biên chế đã được đặt ra nhiều lần nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Thậm chí, cứ sau mỗi lần quyết giảm thì biên chế lại tăng lên.
Xin việc dựa vào quan hệ rất phổ biến tại nhiều cơ quan Nhà nước. Ảnh minh họa: Vũ Toán |
Văn hóa của người Việt Nam coi trọng mối quan hệ trong gia đình, dòng họ, làng xã. Do đặc điểm này nên hầu hết khi đi xin việc, người Việt thường dựa vào những mối quan hệ sẵn có. Nhất thân, nhì quen, thứ 3 mới là…tiền bởi có tiền mà không có “cửa” để “chạy” thì cũng khó mà xong việc.
Một gia đình có con mới tốt nghiệp đại học, việc đầu tiên khi đi xin việc là phải nghĩ xem người thân trong gia đình, dòng họ có ai làm to hay không, ở cơ quan nào?
Gia đình không có người thân “cơ to” thì phải tính cách khác, nhờ bạn bè, hàng xóm láng giềng…
Trường hợp không nhờ vả được ai thì đành phải bươn chải, xin vào các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài.
Và dưới đây là hình thức xin việc phổ biến ở Việt Nam, tạo nên “con cháu các cụ” trong nhiều cơ quan Nhà nước.
Ông bác mới lên chức Phó Giám đốc Sở. Cô em gái dẫn cậu con trai đến nhấn mạnh: “Đây, cháu ruột bác đây, nó mới ra trường mà chưa tìm được việc. Thằng này tuy học kém nhưng được cái nhiệt tình, năng nổ. Bác xem có việc nào ở Sở thì cho nó vào làm”.
Là phận bác, lẽ nào lại từ chối?
Rồi ngày mai.
Ông anh lại dẫn con đến đặt vấn đề: “Đây, cháu “đích tôn” của chú đây, chú xem có việc gì ở Sở thì cho nó vào. Nó mới học xong trung cấp nhưng được cái cần cù, chịu khó. Chú cứ tạm thời bố trí việc gì làm tạm ở đây, sau này cho đi học hành, cất nhắc sau”.
Là phận chú, lẽ nào từ chối?
Rồi tương tự, kiểu xin việc như vậy kéo dài, hết cháu gần đến cháu xa, đến hàng xóm láng giềng, từ cơ quan này sang cơ quan khác.
Vậy là toàn chỗ thân thiết, quen biết cả. Giờ làm to, người nhà nhờ vả chút việc mà không giúp thì còn mặt mũi nào nhìn anh em, họ hàng, làng xóm?
Chính tư duy coi trọng gia đình, dòng họ, làng xóm đã khiến cho bộ máy trong nhiều cơ quan Nhà nước ở Việt Nam cồng kềnh, biết là thừa người nhưng không biết phải đuổi ai bởi “toàn người nhà mình cả”.
Nhiều người lên án, chỉ trích cách tuyển người theo kiểu dựa vào quan hệ là chính, trình độ là thứ yếu nhưng thử hỏi, nếu cho những người đó lên làm lãnh đạo liệu có thoát khỏi tình trạng này không?
Tôi cho rằng, bất kỳ ai, đã là người Việt Nam khi lên làm lãnh đạo cũng sẽ khó có thể cưỡng lại những lời nhờ vả từ anh em, họ hàng, làng xóm. Bởi chung quy, bản chất con người Việt Nam vốn dĩ như vậy.
Quay trở lại với đề án tinh giản 100.000 biên chế. Với những dẫn chứng bên trên thì việc tinh giản ai có lẽ lại phải tính xem, anh này là cháu ông nào, cô kia là con nhà ai,…?
Nếu làm lỏng lẻo, đôi khi chính những người giỏi lại bị tinh giản.
Tuy nhiên đất nước đang tiến đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tư duy “nông nghiệp” cần phải được thay đổi. Một là tạo ra sự công bằng xã hội, hai là để tinh gọn bộ máy trong cơ quan Nhà nước.
Tôi cho rằng, khi tinh giản biên chế nên có một kỳ thi nghiêm túc kiểm tra khả năng, trình độ của từng người. Mỗi một cơ quan có đề thi riêng. Ví dụ, cơ quan quản lí về văn hóa thì đề thi liên quan về văn hóa, cơ quan chuyên về tài chính thì ra đề liên quan đến tài chính…
Bên cạnh đó, việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, công bố điểm… phải do một cơ quan độc lập giám sát, tránh tiêu cực.
Sau đó xem ai đủ điều kiện thì cho làm việc tiếp, không thì cắt giảm.
No comments:
Post a Comment