DVO- 13/02/2014 -Theo chuyên gia kinh tế TS Alan Phan, các công ty, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục mua lại cổ phần của các công ty trong nước do Trung Quốc vẫn còn nhiều tiền, Việt Nam vẫn nằm kế bên Trung Quốc và các doanh nghiệp nội vẫn tiếp tục suy thoái nên giá bán cổ phiếu sẽ tiếp tục rẻ.
Việc các công ty nước ngoài để ý tới Việt Nam, bước đầu tiên là thực hiện hoạt động mua bán sáp nhập (M&A ), họ mua cổ phần và trở thành cổ đông của công ty, bước kế tiếp nếu công ty hoạt động hiệu quả họ sẽ đầu tư và chuyện này rất bình thường ở nhiều nơi.
Lý giải thực tế nhiều công ty Trung Quốc đã mua cổ phần và trở thành cổ đông lớn của các công ty Việt Nam như công ty TNHH Firstland - công ty đến từ Hong Kong (Trung Quốc) mua hơn 4,25 triệu cổ phiếu của công ty Bảo Minh hay Gaoling - một quỹ của nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã chi 40 triệu USD để mua 6,2 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Vinacafe Biên Hòa, TS Alan Phan cho biết, hiện Trung Quốc đang tìm con đường họ đầu tư vì kinh tế Trung Quốc được dự báo không có gì khả quan hơn so với năm ngoái.
"Họ có sẵn tiền để đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam là nước láng giềng kế bên cũng giống như Việt Nam khi có sẵn tiền sẽ mang sang các nước như Lào, Campuchia, Myanmar để đầu tư. Tức là đầu tư ở nước gần trước. Đương nhiên Việt Nam sẽ thừa hưởng một số dòng tiền đầu tư này".
TS Alan Phan: "Việt Nam có những định hướng hơi kỳ cục, bộ máy hành chính ù lì nên tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam sẽ chậm hơn so với nước khác". |
Song TS Alan Phan cũng cho biết, dòng tiền đầu tư từ Trung Quốc cũng có nhiều loại, có loại ngắn hạn mang tính chất chụp giật, có loại dài hạn, bền vững, đầu tư dài hạn bền vững chưa thấy ở Việt Nam, phần lớn Trung Quốc vẫn muốn đầu tư vào Mỹ, Châu Âu, Úc....
Trả lời câu hỏi liệu có ý đồ thâu tóm của các công ty Trung Quốc đối với các công ty trong nước hay không, TS Alan Phan cho biết, cũng có thể có, cũng có thể không vì động thái của các công ty Trung Quốc rất khó đoán, nếu người ta có ý đồ người ta cũng giấu kỹ.
Theo quan sát, đánh giá của TS Alan Phan có 3 lý do để các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục mua cổ phần của các công ty trong nước do Trung Quốc vẫn còn nhiều tiền, Việt Nam vẫn nằm kế Trung Quốc và thứ 3 là các doanh nghiệp nội suy thoái nên giá sẽ tiếp tục rẻ.
Ngoài ra, việc diễn ra nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới.
TS Alan Phan cho biết, vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp trong nước là phải điều hành, quản trị thật hiệu quả trong bất kỳ thời điểm nào.
"Vấn đề kỹ năng, sản phẩm, công nghệ thật tốt, nếu điều hành công ty tốt kết quả sẽ tốt, những tác động bên ngoài không quan trọng bằng tác động trong chính bản thân doanh nghiệp nội địa", TS Alan Phan nói.
Bằng những quan sát từ nền kinh tế Thái Lan, TS Alan Phan cho biết, có nhiều điểm giống và khác nhau giữa Việt Nam và Thái Lan.
Ông cho biết, Thái Lan là nước đã vươn lên cách đây 10-20 năm, Thái Lan đã chấp nhận đầu tư bên ngoài rộng mở hơn, lúc này nền kinh tế được du nhập công nghệ hiện đại và phương thức quản trị mới hơn, nhanh hơn còn Việt Nam có những định hướng hơi kỳ cục, bộ máy hành chính ù lì nên tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam sẽ chậm hơn so với nước khác.
Đồng quan điểm với TS Alan Phan, TS Lê Đăng Doanh - Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương cũng cho rằng, việc bán cổ phần như vậy sẽ thu hút được cổ đông chiến lược là những người có vốn, có công nghệ, có thị trường, điều này cũng phù hợp với xu của thế giới, xu thế toàn cầu hóa.
Nhưng trước thực tế nhà đầu tư Trung Quốc đang ồ ạt mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, TS Lê Đăng Doanh lại lo ngại, để công ty Trung Quốc thao túng rất có thể thành công cụ cho một chính sách để gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát thị trường ở nước ta sau một thời gian công ty Trung Quốc mua được nhiều cổ phần và chiếm đa số ghế trong hội đồng quản trị.
Tâm An
No comments:
Post a Comment