ĐĂNG BỞI  - 
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến là chị Nguyễn Thị Hà - công nhân vệ sinh môi trường khu vực Đống Đa - Hà Nội lại sợ đến run người bởi cảnh tượng rác thải ngập đầu. Tuy nhiên năm nay, mặc dù lượng rác nhiều hơn so với ngày thường song lại là cái Tết mà chị Hà cảm thấy nhàn nhã nhất.
"Có tiền đâu mà thải nhiều rác"
"Tôi bắt đầu công việc từ mùng 3 Tết và như các năm trước thì chỉ cần đi khoảng dăm nhà là đã đầy một xe. Nhưng riêng năm nay, lượng rác cả 3 ngày Tết dồn lại, đi cả chục nhà vẫn chưa đầy một xe" - chị Hà cho biết.
Lượng rác thải ra ít cũng đồng nghĩa với việc chị Hà kết thúc công việc của mình sớm hơn. Nếu như các năm trước, chị Hà phải làm việc đến 12h đêm mới xong thì năm nay, mới 9h - 10h tối chị đã hoàn thành công việc.
"Khó khăn thì ai cũng biết, nhưng tôi không thể tưởng tượng được là khó khăn đến mức này. Chung quy cũng bởi có tiền đâu mà thải nhiều rác. Các năm trước người ta còn có tiền mua sắm nhiều thức ăn, thức uống, còn năm nay chỉ thấy thải túi nilon là nhiều. Mấy ngày trước Tết cũng vậy, như các năm trước là nhiều nhà dọn dẹp nhà cửa còn thải ra cả đống đồ vẫn dùng tốt, nhưng năm nay chẳng có thứ gì lành lặn mà dùng lại được. Buồn thế đấy!" - chị Hà nói.
Chẳng riêng chị Hà, anh Nguyễn Văn Bình làm ở công ty môi trường đã được gần 10 năm, nhưng lại nói năm nay là cái Tết nghèo nhất mà anh từng thấy. 
"Khu vực tôi phụ trách là phường Cát Linh, nơi tập trung nhiều dân cư mà toàn là các hộ khá giả. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần là trong mấy ngày Tết rác thải sẽ rất nhiều, nhưng thực sự bất ngờ khi lượng rác năm nay chỉ chừng 70% so với Tết năm ngoái. Các loại rác thải ra chủ yếu là rau cỏ, túi bóng, vỏ lon nước ngọt, vỏ lon bia... Ngay cả những người vốn lắm tiền nhiều của mà xem chừng còn vậy thì cũng đủ hiểu là Tết năm nay nghèo đến thế nào" - anh Bình cho biết.
Có lẽ, chưa có cái Tết nào mà những công nhân vệ sinh lại "nhàn nhã"
như Tết năm nay (Ảnh: Duyên Duyên)
Cùng nhận xét như anh Bình, chị Hà, nhưng chị Nguyễn Thị Vui - công nhân vệ sinh khu vực Ô Chợ Dừa lại miêu tả Tết năm nay theo cách khác.
"Nhà tôi nuôi lợn, gà, chó, mèo khá nhiều nên mỗi khi đi thu gom rác tôi hay phân loại để lấy những loại thực phẩm bỏ đi mang về chăn lợn gà. Tết năm ngoái tôi gom được mấy thùng sơn 18 lít đầy thức ăn, toàn là xương cá, xương gà rồi vỏ tôm cua, thịt thà đủ loại, nhưng năm nay toàn thấy cuộn rau với xương gà. Đi làm cả một buổi nhưng chỉ gom được một thùng 18 lít vơi" - chị Vui cho biết.
Nhàn hơn mà cũng chẳng vui gì
Ngoài thu nhập từ đồng lương ít ỏi của công việc thu gom rác thải, những công nhân vệ sinh môi trường thường có thêm đồng ra đồng vào nhờ việc phân loại rác, thu lượm bìa carton, chai nhựa hay vỏ lon nước ngọt, vỏ lon bia... để bán cho các điểm ve chai.
"Năm ngoái cũng khó khăn nhưng mỗi tối cũng thu được một bao tải đầy các loại vỏ chai, vỏ lon, còn năm nay không được một túi bóng. Năm ngoái người ta mua cả két bia, lúc thải ra thì có cả vỏ, có cả lon, còn năm nay vụn vặt, mỗi nhà 1-2 lon bia, 1-2 lon nước ngọt, hình như người ta uống rượu gạo nhiều hơn cho đỡ tốn kém" - chị Minh, công nhân vệ sinh môi trường quận Đống Đa cho biết.
Anh Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, rác thải ít đồng nghĩa với việc công nhân vệ sinh môi trường như anh sẽ không có thêm đồng nào.
"Tết năm ngoái, nhờ có đống vỏ chai, lon mà tôi được hẳn một bát phở. Đêm lạnh mà có bát phở ăn xì xụp là ngon phải biết. Nhưng năm nay kiếm cái bánh mì thôi xem chừng khó quá. Mất công phân loại đủ thứ rác nhưng toàn thứ gì đâu, chẳng thấy thứ nào bán được" - anh Bình nói.
Chị Vui cũng chung cảnh ngộ. Tết năm 2013 chị còn được các gia đình đi đổ rác lì xì 10.000 đồng, 20.000 đồng, nhưng năm nay rác ít mà lì xì thì chẳng thấy đâu.
"Chẳng nói đến chuyện được lì xì, ngay cả mấy vỏ hộp bánh kẹo hay thực phẩm ôi, dư thừa còn chẳng có. Rác ít thì công việc đỡ vất vả hơn, đỡ phải làm muộn hơn nhưng cũng chẳng thấy vui vẻ gì" - chị Vui tâm sự.
Duyên Duyên
Ảnh bìa: Kinh tế khó khăn, tiêu pha ít khiến cho lượng rác thải thải ra cũng ít hơn 20 - 30% so với những năm trước