Thứ Sáu, 07/02/2014 09:06 (GMT + 7)
Theo báo Mainichi Shimbun (Nhật Bản) hôm 6-2, Bắc Kinh cho biết sẽ ủng hộ Moscow trong cuộc tranh cãi chủ quyền quần đảo Nam Kuril (Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc) để đổi lấy thái độ tương tự. Các nguồn tin ngoại giao ở Nga và Nhật Bản cho biết đề nghị này thường xuyên được Trung Quốc nêu lên từ năm 2010 nhưng luôn bị Nga bác bỏ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang nỗ lực chấm dứt tranh cãi về chủ quyền biển đảo Ảnh: RIA Novosti |
Thông tin trên được tiết lộ không lâu trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến đến TP Sochi - Nga để dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông vào ngày 7-2, nhân tiện hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Chủ quyền quần đảo mà 2 nước đang tranh chấp có thể nằm trong chương trình nghị sự.
Gần đây, cả Moscow và Tokyo đều có những nỗ lực nhằm chấm dứt mâu thuẫn trên. Điều này hoàn toàn trái ngược thái độ của Bắc Kinh trong cuộc đối đầu với Tokyo liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc còn gây sóng gió vì những yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, ông Daniel Russel, hôm 5-2 đã kêu gọi Bắc Kinh làm rõ hoặc điều chỉnh các đòi hỏi chủ quyền đang bị chỉ trích.
Phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ, ông Russel thách thức cái gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc ngang nhiên vẽ ra nhằm thâu tóm hầu hết biển Đông. “Bất kỳ tuyên bố chủ quyền hàng hải nào của Trung Quốc không được dựa trên các đặc điểm đất liền đều đi ngược lại luật pháp quốc tế” - ông Russel nhấn mạnh. Nhà ngoại giao này còn lặp lại cảnh báo Trung Quốc không được áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông.
Trong khi đó, việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự đang kéo các quốc gia châu Á vào cuộc đua nâng ngân sách quốc phòng. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, trụ sở ở Anh) ngày 5-2, chi tiêu quốc phòng ở châu Á đạt 321,8 tỉ USD trong năm 2013, tăng 23% so với năm 2010, trong khi châu Âu giảm 2,5% cùng giai đoạn. Tăng cao nhất là ở Đông Á - nơi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn “gầm gừ” nhau - chiếm khoảng 57% mức tăng ở châu Á.
Theo Hoàng Phương (Nld.com.vn)
No comments:
Post a Comment