Kết thúc kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, trên toàn quốc xảy ra 598 vụ tai nạn giao thông, tính cả va chạm, làm chết 286 người và bị thương 626 người. So với cùng kỳ năm 2013, TNGT giảm cả 3 tiêu chí là số vụ, số người chết và bị thương.
>> 253 người chết vì tai nạn giao thông trong 8 ngày nghỉ Tết
>> 7 ngày nghỉ Tết: 212 người tử vong vì tai nạn giao thông
Trong đó, giao thông đường bộ xảy ra 585 vụ, làm chết 275 người, bị thương 624 người. Nếu không tính các vụ va chạm, so với 9 ngày Tết Nguyên đán 2013, giảm 67 vụ TNGT, giảm 54 người chết, giảm 39 người bị thương.
Đường sắt xảy ra 9 vụ, làm chết 8 người, bị thương 1 người; so với 9 ngày Tết Nguyên đán năm 2013 tăng 4 vụ; tăng 2 người chết; giảm 2 người bị thương. Đường thủy nội địa xảy ra 3 vụ, làm 3 người chết, 1 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2013 tăng 2 vụ, tăng 2 người chết. Hàng hải xảy ra 1 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ 2013.
Kết quả tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong 9 ngày Tết, các lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã kiểm tra, xử lý gần 29.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 12,2 tỷ đồng; tạm giữ 22 xe ô tô, hơn 7.500 xe mô tô.
Riêng trong ngày nghỉ Tết cuối cùng (mùng 6), xảy ra 65 vụ TNGT đường bộ, làm chết 31 người, bị thương 62 người. Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 3.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 781 triệu đồng; tạm giữ 4 xe ô tô và 644 xe mô tô.
TNGT dịp nghỉ Tết Giáp Ngọ giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2013
|
Tình trạng tăng giá vé ô tô, chở quá số người quy định tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp cả trước và sau Tết. Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội đã xử lý nhiều đơn vị kinh doanh vận tải bằng hình thức đình tài và phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông vận tải rút giấy phép lái xe của tài xế vi phạm.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa có công điện yêu cầu trong các ngày cao điểm Tết còn lại (từ ngày 5 -7/2) và nơi diễn ra lễ hội xuân, Công an các tỉnh và thành phố huy động tối đa lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng công an khác tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người quy định; đi mô tô xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3 - 4 người.
Phó Thủ tướng yêu cầu Công an các địa phương bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên tại các tuyến, địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông, nhất là tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 14, khu vực TP Hà Nội, TPHCM và khu vực tổ chức lễ hội để kịp thời phát hiện và xử lý khi xảy ra ùn tắc giao thông, không để ùn tắc kéo dài.
Sở Giao thông Vận tải các địa phương tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện toàn trước khi xuất bến, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé quá quy định, ô tô chở vượt số người quy định, áp dụng biện pháp tước phù hiệu xe hoặc tước giấy phép kinh doanh nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng. Đồng thời xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông và hoạt động vận tải khách qua số điện thoại đường dây nóng phục vụ Tết.
Chính quyền địa phương cấp cơ sở tăng cường biện pháp cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông điểm giao cắt đường bộ với đường sắt không có rào chắn. Đồng thời tăng cường quản lý an toàn đường thủy tại bến khách ngang sông, các điểm chở khách du lịch; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, chở quá số người quy định, thiếu dụng cụ cứu sinh...
Theo C.N.Q (Dân Trí)
No comments:
Post a Comment