Thursday, February 6, 2014

Việt Nam: Sau Tết ảm đạm là năm mới u ám!

HÀ NỘI (NV) .- Do kinh tế suy thoái, không khí trước và trong dịp Tết năm nay tại Việt Nam được đánh giá là hết sức ảm đạm. Năm mới tại Việt Nam bắt đầu với nhiều dấu hiệu hết sức u ám.


Dân buôn bưởi năm nay lỗ nặng vì trông chờ vào dịp tết kiếm sống mà lại ế hàng. Hình: Tuổi Trẻ)

Theo mô tả của tờ Lao Động, ngay khi Tết vừa qua, nông dân đã hối hả mang nông sản ra bán, bởi trước Tết và trong Tết chẳng có mấy người mua. Tuy giá đã giảm xuống còn một nửa so với trước Tết, thương lái vẫn không thèm ngó ngàng.

Một vài thương lái chuyên mua bán nông sản cho biết, thiên hạ hết tiền, mua rồi chẳng biết bán lại cho ai nên vào lúc này, giá quít hồng từ 50,000 một ký hồi trước Tết đã giảm xuống còn 25,000 một ký mà vẫn ế. Tương tự, giá dưa hấu từ 24,000 một ký hồi trước Tết, nay giảm xuống còn 9,000 một ký song vẫn không có người mua.

Chẳng riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trên khắp Việt Nam, gía thực phẩm đột nhiên sụt giảm ngoài dự đoán. Theo một số tờ báo tại Việt Nam, tiểu thương các ngôi chợ ở Hà Nội kể rằng, tất cả các loại thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả đều xuống giá vì mãi lực quá thấp. Các tiểu thương phỏng đoán, nguyên nhân chính là vì ít ai có tiền, còn ngày mai thì chưa rõ sẽ ra sao nên mọi người hạn chế chi tiêu tới mức tối đa.

Rau xanh bán đầy chợ với giá chỉ 10,000đ/kg. (Hình: Lao Động)

Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản hoặc thu hẹp hoạt động khiến thất nghiệp gia tăng cũng được xem là lý do khiến lượng người quay lại Sài Gòn làm việc bằng xe đò sụt giảm rất nhiều so với mọi năm. Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, dẫn lời của ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông, cho biết, lượng hành khách về Bến xe miền Đông trong những ngày cao điểm sau dịp Tết vừa qua chỉ khoảng 35,000 lượt/ngày, trong khi lượng hành khách đến Bến xe miền Đông vào những ngày cao điểm trước dịp Tết lên tới 45,000 lượt/ngày. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Bến xe miền Tây, số lượng hành khách từ cảc tỉnh miền Tây đến Sài Gòn được loan báo là “giảm vài chục phần trăm”.

Báo điện tử Một Thế Giới thì dẫn thống kê từ các bệnh viện cho biết, tự tử trong dịp Tết vừa qua tăng vọt. Riêng tại Sài Gòn, một bác sĩ là Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của Bênh viện Chợ Rẫy, tiết lộ, so với Tết năm ngoái, số lượng bệnh nhân tự tử được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện này tăng khoảng 50%. Điểm đáng ngại là phần lớn những người tự tử đã sử dụng thuốc diệt cỏ Paraquat. Một bác sĩ là Phó Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy, cảnh báo, thuốc diệt cỏ Paraquat dễ mua, giá rẻ và tỷ lệ tử vong khi uống thuốc này từ 80 đến 100%. Nếu sống được nhờ lọc máu liên tục thì di chứng sau đó vẫn rất nặng.

Âu lo về tương lai vẫn là cảm nhận của đa số dân chúng Việt Nam. Hồi hạ tuần tháng trước, kết quả khảo sát cảm nhận của dân chúng tại Hà Nội về kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, cho thấy, đa số nhận định, kinh tế năm vừa qua hết sức tồi tệ.

Cuộc khảo sát này do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư thực hiện. Theo đó, khi được hỏi về tình hình kinh tế của 6 tháng đầu năm 2013, chỉ có 3% dân Hà Nội cho rằng “tốt”. Khi được hỏi về tình hình kinh tế của 6 tháng cuối năm 2013, tuy có 41.7% dân chúng cho rằng “có khá hơn 6 tháng đầu năm 2013”, song nhìn chung, đa số dân chúng Hà Nội vẫn hết sức bi quan về tương lai.

Lý do khiến dân chúng Hà Nội bi quan về tương lai được lý giải là do thu nhập của đại đa số đã giảm đáng kể. Có đến 34.1% tự đánh giá thu nhập của họ quá thấp. Tỷ lệ hài lòng về thu nhập chỉ ở mức 6.3%.

Dẫu có 41.7% dân chúng nhận định, tình hình kinh tế của 6 tháng cuối năm 2013 khá hơn 6 tháng đầu năm 2013 nhưng chỉ số niềm tin tiêu dùng của sáu tháng cuối năm 2013 vẫn dưới mức trung bình. Nhóm thực hiện cuộc khảo sát nhận định, đa số dân chúng sống ở Hà Nội vẫn bi quan về tình hình kinh tế, việc làm và thu nhập.

Quít mất giá, ế ẩm, nông dân miền Tây vừa mất Tết, vừa tuyệt vọng khi nghĩ tới ngày mai. (Hình: Lao Động)

Đó cũng là lý do khiến năm vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế lẫn báo giới đồng loạt cảnh báo, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế trong công chúng Việt Nam đang giảm đáng kể.

Không chỉ có người tiêu dùng kiệt quệ về tài chính, lo âu về tương lai, hạn chế chi tiêu tới mức tối đa mà doanh giới cũng hành xử tương tự. Hồi tháng 7, Ngân hàng HSBC công bố, trong hai tháng 5 và 6, chỉ số mua hàng của giới quản trị (PMI), sụt giảm đáng ngại, điều đó cho thấy doanh giới đã hạn chế đầu tư.


Theo nhiều chuyên gia kinh tế, muốn kinh tế Việt Nam có thêm sức để vượt qua những khó khăn như hiện nay, điều đầu tiên mà chính quyền Việt Nam phải làm là khôi phục niềm tin của cả dân chúng lẫn doanh nghiệp vào khả năng điều hành kinh tế của mình. Tuy nhiên hàng loạt chính sách, giải pháp được đề ra từ 2012 đến nay chỉ tạo thêm bất an.

No comments:

Post a Comment