Có nhiều ý kiến cho rằng điều này rất khó khả thi và không chỉ phụ thuộc vào một mình Thủ tướng nhưng cá nhân tôi cho rằng một mình Thủ tướng có thể thực hiện điều đó bằng cách là trước tiên thực hiện cải cách quản lý và thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành pháp đó là các cơ quan nằm dưới sự chỉ đạo của ông.
Khi đã làm tốt được điều này thì đương nhiên nhân dân ủng hộ và là cơ sở để có thể đề xuất cải cách bước lớn hơn là cái cách thể chế và thực hiện dân chủ trên toàn xã hội.
Vấn đề cải cách không khó nhưng cái khó là phải thay đổi tư duy và thái độ, còn giải pháp thì khá nhiều, có nhiều giải pháp đơn giản nhưng lại hiệu quả.
Thủ tướng cần tập trung vào các giải pháp cụ thể để cải cách từng bộ ngành một. Muốn cải cách từng bộ ngành thì đừng nghĩ cái gì to tát quá, chỉ cần thực hiện tốt những giải pháp tưởng chừng rất đơn giản nhưng có thể đảm bảo sẽ thay đổi việc quản lý của ngành đó một cách căn bản.
Cải cách bộ ngành
Tôi xin lấy vài ví dụ cho các giải pháp để cải cách cho một vài ngành như sau:
Đầu tiên tôi muốn nêu ví dụ về Bộ Kế hoạch và Đầu Tư. Tôi thấy yêu mến và tin tưởng ông bộ trưởng mới Bùi Quang Vinh khi đọc các phát biểu của ông gần đây trên báo chí.
Có lẽ đây là Bộ trưởng đầu tiên phát biểu khá thẳng thắn và được coi là người “ lấy đá ghè chân mình” tức là chấp nhận sự hy sinh quyền lợi của cá nhân, của ngành mình để phục vụ cái chung.
Tôi khá tâm đắc với giải pháp ông Vinh đưa ra để ngăn chặn lãng phí trong đầu tư công.
Cũng không phải có gì cao siêu cả mà chỉ cần tập trung vào mấy điểm chính bao gồm: Người phê duyệt dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án mà họ phê duyệt, dự án muốn triển khai phải có phương án khả thi như phải đảm bảo có đủ tiền và tiền đó chứng minh được lấy từ nguồn nào ra... Như vậy sẽ tránh được tình trạng cứ phê duyệt bừa bãi rồi triển khai dở chừng mà không ai chịu trách nhiệm, gây lãnh phí cho đất nước, xã hội.
Cũng với tư duy đơn giản như vậy thì nếu muốn cải cách ngành giáo dục đào tạo ở VN thì cũng chưa cần phải tốn kém hàng ngàn tỷ để xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, thay đổi sách giáo khoa như vẫn thường làm bao lâu nay mà vẫn không cải thiện được bao nhiêu.
Việc đầu tiên là cải cách đội ngũ giáo viên, hay nói cách khác nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên. Muốn làm điều này cũng có giải pháp khá đơn giản.
Mỗi lớp học, cấp học đều đã có sách giáo khoa và quy định cụ thể về các kiến thức căn bản mà từng đối tượng học sinh cần phải biết. Chỉ cần cho phép các giáo viên tự do lựa chọn phướng thức giảng dạy, tự do chuẩn bị tài liệu giảng dạy miễn sao học viên tiếp thu được kiến thức căn bản đó là được, thậm chí giống như nước ngoài thì học sinh cũng không cần mang sách giáo khoa tới lớp mà giáo viên tự chuẩn bị tài liệu hoàn toàn.
Giao thông vận tải là lĩnh vực nhiều vấn đề tồn đọng |
Thực thi dân chủ
Đối với ngành giao thông vận tải thì bấy lâu nay các vấn đề về tai nạn giao thông và tắc nghẽn giao thông luôn là chủ đề được nhắc tới, nhà nước cũng đã tốn kém hàng chục ngàn tỷ làm đường xá nhưng cũng chưa giải quyết được tình trạng này một cách rõ rệt.
Một giải pháp đơn giản nhưng rất hiệu quả là phạt thật nặng. Tôi nhớ một câu chuyện được nghe từ người chú về câu chuyện phạt vi phạm trốn vé tàu hỏa ở Tiệp khắc cũ. Tình trạng trốn vé đương nhiên là có diễn ra nhưng nếu người nào bị bắt quả tang trốn vé tàu thì tiền phạt tương đương với 100 lần tiền vé. Điều đó có nghĩa là nếu anh trốn vé 99 lần và 1 lần bị bắt thì vẫn thiệt hại hơn là anh mua vé tàu đi đàng hoàng.
Muốn người dân biết chấp hành luật giao thông, biết xếp hàng không chen lấn thì cứ phạt thật nặng người vi phạm giao thông và đồng thời cũng phạt nặng cảnh sát giao thông nếu nhận tiền hối lộ của người tham gia giao thông, cho phép người dân quay phim, chụp ảnh cảnh sát làm nhiệm vụ và tố giác các hành vi trái pháp luật.
Đối với ngành y tế thì vấn đề nổi cộm là y đức của bác sỹ, các tiêu cực trong ngành y tế. Giải pháp cho ngành này cũng giống như các lĩnh vực khác là thực hiện quy định rõ ràng cho phép người dân được khiếu nại, tố cáo tới 3 cấp khác nhau từ dưới lên trên. Có quy định thời hạn giải quyết ở từng cấp.
Thủ tướng có thể trước tiên thực hiện cải cách quản lý và thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành pháp đó là các cơ quan nằm dưới sự chỉ đạo của ông." |
Ví dụ một bệnh nhân có khiếu nại về trường hợp bác sỹ A ở bệnh viện B. Cấp đầu tiên bệnh nhân sẽ khiếu nại lên cơ quan giải quyết nằm tại bệnh viện A. Sau thời hạn giải quyết mà bệnh viện B đưa ra cách xử lý chưa thỏa đáng thì bệnh nhân được tiếp tục khiếu nại lên Bộ Y tế. Cơ quan xử lý khiếu nại của Bộ Y tế hết thời gian xử lý mà đưa ra giải pháp không thỏa đáng thì bệnh nhân có quyền khiếu nại lên cơ quan xử lý khiếu nại thuộc Chính phủ.
Bằng cách này thì Chính phủ có thể nắm được các thức xử lý ở cấp dưới và các khiếu nại của người dân để có hướng chỉ đạo, tránh trường các cấp dưới làm sai nhưng cấp trên không biết.
Để tránh trường hợp các cơ quan xử lý khiếu nại lấy lý do không nhận được đơn thư thì yêu cầu những cơ quan này có công bố địa chỉ, thủ tục rõ ràng trên website, người dân có thể chuyển thư đảm bảo tới cơ quan này. Khi phát hiện ra những sai phạm cần xử lý ngay, kịp thời và công bố công khai cho người dân biết.
Thủ tướng có thể lên kế hoạch để làm việc với từng ngành về vấn đề cải cách ngành đó. Mở ra các thảo luận có mời các chuyên gia trong và ngoài nước có kiến thức và kinh nghiệm về từng ngành thảo luận công khai và cho báo chí đăng tải về những vấn đề nổi cộm, các giải pháp và đề xuất, thậm chí cho phép thảo luận online để lấy đóng góp ý kiến rộng rãi tầng lớp nhân dân.
Trên cơ sở đó để Thủ tướng cùng lãnh đạo từng bộ, ngành lên kế hoạch dài hơi cho việc cải cách ngành và công bố kế hoạch này cho nhân dân được biết, kiểm tra và theo dõi. Đây cũng là thể hiện việc thực thi dân chủ tại cơ quan quản lý nhà nước.
Tất các những vấn đề cải cách nêu trên không mâu thuẫn với đường lối và chính sách của Đảng Cộng Sản Việt Nam đồng thời lại được các tầng lớp nhân dân ủng hộ nên hoàn toàn có thể triển khai được.
Tất cả những điều tôi viết trên đây chỉ khẳng định một điều nếu chúng ta muốn làm việc gì đó mà tốt đẹp cho nhân dân và cho đất nước thì chắc chắn sẽ tìm ra phương thức để làm. Tôi hy vọng Thủ tướng sẽ có được những giải pháp của mình để thực hiện những gì mà Thủ tướng phát biểu trong thông điệp đầu năm 2014 gửi tới nhân dân cả nước.
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại Canada.
Nguyễn Hồng Hải
(BBC)
No comments:
Post a Comment