Tư lệnh Hạm đội Biển Đen ở Crimea, Aleksander Vitko đã đưa ra thời hạn chót là 03:00 GMT và đe dọa "tấn công khắp Crimea".
Tuy thế, có tin từ Moscow nói chính quyền Nga bác bỏ tin họ 'đòi Ukraine đầu hàng'.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước đó nói Nga phải phản ứng trước "các đe dọa của chủ nghĩa dân tộc cực đoan".
Phóng viên Chris Morris của BBC tường thuật rằng thông cáo từ phía Liên minh châu Âu đã dùng lời lẽ mạnh mẽ hơn, nói Nga vi phạm hiến chương của Liên Hiệp Quốc (UN) và phải rút quân khỏi căn cứ ở Crimea ngay lập tức.
Châu Âu và Hoa Kỳ đe dọa sẽ áp dụng biện pháp trừng phạt cấm vận và cấm lưu thông đối với can thiệp của Nga ở Crimea.
Trong khi đó đặc phái viên của Nga ở UN nói Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đã thỉnh cầu Nga sử dụng lực lượng quân đội ở Ukraine.
Cho tới nay chưa hề có tiếng súng tại Crimea, vùng có đa số người nói tiếng Nga và chính phủ địa phương nhìn chung ủng hộ Nga.
Trước đó Nga thắt chặt vòng kiềm tỏa quân sự trên vùng Crimea và thực tế đang kiểm soát vùng này bất chấp đề nghị rút lui của phương Tây.
Hàng ngàn lính Nga đang trấn giữ vùng này và cũng có tin về việc dịch chuyển xe thiết giáp và tàu.
Phóng viên ngoại giao của BBC, Jonathan Marcus, nhận định:
"Nhìn bề ngoài thì nếu Nga đưa quân vào đông Ukraine, lực lượng Ukraine có thể chiến đấu tốt hơn so với lực lượng quân đội của đất nước Georgia nhỏ bẻ khi quân Nga tấn công hồi năm 2008.
"Nhưng quân đội Ukraine nằm rải rác; họ thiếu sự sẵn sàng; và đa số thiết bị để trong kho.
"Với sự chia rẽ ở đất nước này, người ta cũng đặt dấu hỏi về lòng trung thành của các thành phần trong quân đội đối với chính phủ lâm thời ở Kiev."
Nga nói họ bảo vệ lợi ích của người nói tiếng Nga tại Crimea và ở những nơi khác tại Ukraine sau khi Tổng thống Victor Yanukovych bị lật đổ trong tháng trước.
Cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Nga hôm thứ Hai với chỉ số MICEX ở Moscow giảm 9% vào đầu giờ buôn bán.
Đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la và Ngân hàng Trung ương Nga tăng mức cho vay từ 5,5% lên 7%.
Phóng viên BBC Mark Lowen tại Sevastopol nói Crimea giờ coi như thuộc quyền kiểm soát quân sự của Nga cho dù họ chưa tốn viên đạn nào.
Anh nói hai căn cứ quân sự lớn của Ukraine đã bị bao vây và các nơi trọng yếu như sân bay cũng bị chiếm.
Hàng ngàn lính tinh nhuệ của Nga mới tới đã có số lượng áp đảo sự hiện diện quân sự của Ukraine.
Những ụ chắn đường cũng được lập ra để ngăn cách Crimea với phần còn lại của Ukraine.
Lính biên phòng Ukraine thông báo họ thấy có nhiều xe thiết giáp tập trung ở phía bên kia của eo biển ngăn cách Nga và Crimea.
Binh lính thân Nga cũng đã chiếm quyền kiểm soát bến phà sang Nga ở vùng viễn đông Crimea.
Một số dịch vụ điện thoại di động cũng bị chặn.
'Vi phạm chủ quyền'
Chỉ huy hải quân Ukraine hôm thứ Hai đã khẳng định trung thành với Ukraine, hãng tin Interfax-Ukraine tường thuật, bất chấp cố gắng của nhóm thân Nga toan vào trụ sở hải quân ở Simferopol để buộc họ thay đổi quan điểm.
Phóng viên BBC ở Sarah Rainsford ở Kiev nói chính phủ lâm thời đã kêu gọi có sự ủng hộ quốc tế để buộc quân đội Nga rời Crimea.
Cô nói Ukraine đã tổng động viên quân đội cho dù họ hy vọng sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng trong hòa bình.
Nam giới tại khắp Ukraine đã nhận được giấy triệu tập và sẽ bắt đầu luyện tập 10 ngày bắt đầu từ thứ Hai.
Phóng viên của BBC cũng nói người dân rất giận dữ trước hành động của Nga và nhiều người Ukraine nói họ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ cho dù về mặt quân sự Ukraine không phải là đối thủ có thể sánh được với Nga.
Hôm Chủ Nhật các nước công nghiệp phát triển đã lên án việc Nga tăng cường quân đội.
Trong một tuyên bố từ Nhà Trắng, nhóm G7 lên án "Liên bang Nga vi phạm rõ ràng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Tuyên bố cũng nói: "Chúng tôi tạm thời quyết định ngưng việc chuẩn bị cho Thượng đỉnh G8 ở Sochi vào tháng Sáu."
Các bộ trưởng G7 nói họ sẵn sàng "ủng hộ tài chính mạnh mẽ cho Ukraine."
Bộ Tài chính Ukraine nói nước này cần 35 tỷ đô la trong vòng hai năm tới.
'Bên bờ thảm họa'
Trong khi đó các hoạt động ngoại giao vẫn tiếp tục để giải quyết khủng hoảng.
Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu sẽ có phiên họp khẩn ở Brussels.
Liên Hiệp Quốc nói Phó Tổng Thư ký Jan Eliasson sẽ tới Ukraine để "trực tiếp xem xét tình hình tại chỗ."
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon sẽ gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Geneva vào thứ Hai.
Ngoại trưởng Anh William Hague đã tới Kiev để đàm phán với chính phủ mới.
Ông nói cuộc khủng hoảng ở Ukraine là lớn nhất mà châu Âu đối mặt với trong thế kỷ này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ tới Ukraine vào thứ Ba. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama coi hành động của Nga là vi phạm luật lệ quốc tế và đe dọa cho an ninh và hòa bình.
Thủ tướng lâm thời của Ukraine Arseniy Yatsenyuk cảnh báo đất nước ông "đang bên bờ vực thảm họa".
Moscow không công nhận chính quyền hiện nay ở Kiev sau cuộc lật đổ ông Yanukovych.
Quyết định hồi tháng Mười Một của ông Yanukovych về việc bỏ quan hệ gần gũi hơn với EU để đi về phía Nga đã gây ra biểu tình lớn ở Kiev.
Xung đột bạo lực đã diễn ra và hàng chục người đã bị bắn chết trong đụng độ với cảnh sát.
No comments:
Post a Comment