Monday, March 3, 2014

'Buộc' nộp lại tiền cứu trợ bão để..san sẻ!

QUẢNG TRỊ 2-3 (NV) - Người dân bị thiên tai bão lũ hoặc nghèo đói được cứu trợ bằng những số tiền và gạo nhỏ nhoi, nhưng dù vậy cũng vẫn bị quan chức chính quyền lấy bớt hay cướp đoạt trắng trợn.

Gia đình anh Ngô Thế Thảo bị ảnh hưởng nặng do bão trình bày việc bị trưởng thôn buộc nộp lại tiền cứu trợ bão lũ. (Hình: Lao Động)
Mới đây, báo Lao Động cho hay các gia đình bị các cơn bão số 10 và 11 tàn phá cuối năm ngoái ở xã Vĩnh Thái huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, được chính quyền trung ương giúp đỡ một ít tiền cho những gia đình có nhà bị sập đổ hoặc hư hại nặng. Tuy nhiên, sau khi ký nhận tiền thì quan chức địa phương buộc người dân phải nộp lại cho trưởng thôn.

"Nhà tôi bị tốc mái trên 70%, nay đã lợp lại được nhờ vào sự hỗ trợ của tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới. Có mấy đoàn thể đến thăm, hỗ trợ tiền nhưng thôn thu lại. Đến giờ vẫn không thấy phát cho đồng nào,” anh Ngô Thế Thảo, cư dân thôn Thủ Luật, xã Vĩnh Thái, được báo Lao Động thuật lời cho biết như vậy.

Theo lời anh Thảo nói với báo Lao Động  thì sau bão số 10, anh ký nhận một phong bì có tiền hỗ trợ (không rõ bao nhiêu tiền) bão lụt. Sau đó một tháng, anh đến hội trường thôn ký nhận 2 triệu đồng tiền cứu trợ dành cho gia đình bị thiệt hại nặng. Phong bì và 2 triệu đồng anh nộp lại cho trưởng thôn Phan Ngọc Hiến vì trước đó đã được dặn: “Ký nhận tiền xong phải đem nộp lại cho thôn.”
Nguồn tin thuật trường hợp khác như của bà Nguyễn Thị Càng, cùng thôn Thử Luật, và bị thiệt hại nặng, cho biết sau khi nhận được 2 triệu đồng ở hội trường thôn và 2.1 triệu đồng (Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh trao tại UBND xã Vĩnh Thái) thì phải nộp lại cho trưởng thôn “theo chỉ đạo”.

Nói chung, nhiều hộ dân khác ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái, sau khi ký nhận tiền cứu trợ cũng đều bị buộc phải nộp lại tiền cho trưởng thôn. Những người dân này cho biết, lý do cán bộ thôn đưa ra là: “Nộp lại để san sẻ cho bà con.”

Khi ký giả của tờ Lao Động tìm tới ông trưởng thôn Phan Ngọc Hiến, ông này lúc đầu chối “không có chuyện đó.” Nhưng sau khi được nghe dẫn chứng những trường hợp cụ thể thì ông giải thích rằng: “Thôn không bắt ép ai nộp lại tiền; nhưng nếu bà con thấy được thì có thể tự san sẻ với nhau, còn không đồng ý thì thôi.”
Ông này giải thích “thôn chỉ đứng ra làm trung gian, hộ này nhận được nhiều sẽ 'ủng hộ' cho thôn để 'san sẻ' cho những hộ không có tiền hỗ trợ.” Nhưng ông thừa nhận: “Nói người dân có nộp tiền ở thôn cũng được mà không nộp cũng được, vì họ tự nguyện chứ không bắt ép.”

Khi được nhà báo hỏi lại, những người như anh Thảo, bà Càng, ông Nguyễn Văn Tư cả quyết ngược lại.

Lời bà Càng nói với báo Lao Động: “Làm chi có chuyện tự nguyện, chú nghĩ coi, tan cửa nát nhà vì bão, nhận được từng ấy tiền hỗ trợ mà tôi lại tự nguyện đi nộp hết à.” Anh Thảo nói thêm vào: “Không phải chỉ gia đình tôi, mà tất cả những hộ được nhận tiền đều phải nộp lại.”

Lời ông Nguyễn Văn Tư: “Hôm nhận tiền ở ủy ban xã, ông chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Quảng Trị căn dặn tiền này giao cho người nào thì người ấy nhận. Rứa mà cầm tiền về cũng phải nộp cho thôn, vì trước đó đã được dặn thu lại.”

Trước khi có chuyện "cướp đoạt" tiền cứu trợ bão, thôn Thử Luật từng bị báo Lao Động vạch ra trò lấy gạo cứu đói cho 30 hộ nghèo chia cho 132 hộ bất kể giàu nghèo. Ngày 12 Tháng Hai, báo Lao Động đưa tin “Huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng trị đem gạo cứu đói chia cho người không nghèo.”

Khi ký nhận trên giấy tờ là 30 kg gạo, người ta chỉ được phát cho có 21 lon, tức khoảng 6 kg hay một phần năm của con số phải được nhận lãnh. Người dân nghèo ở khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng, đã bị giả mạo chữ ký để quan chức địa phương trưng ra chứng minh rằng phát gạo cứu trợ “đúng số lượng, đúng đối tượng,” và đã “làm rất chặt chẽ.”

Hay tin, Sở Lao Động, Thương Binh và Xã Hội tỉnh Quảng Trị có văn bản yêu cầu “UBND thị trấn Cửa Tùng khẩn trương khắc phục sai phạm trong việc phân bổ gạo cứu trợ. Theo đó phải thu hồi lại số gạo đã cứu trợ cấp phát không đúng đối tượng để cấp phát gạo cứu trợ đúng đối tượng và đúng mức quy định.”

Đồng thời, sở vừa kể “cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị ban hành văn bản yêu cầu UBND huyện Vĩnh Linh khẩn trương chỉ đạo khắc phục sai phạm và kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã để xảy ra sai phạm cứu trợ gạo tại thị trấn Cửa Tùng,” theo trang mạng chinhphu.vn ngày 14 Tháng Hai, tức là chính quyền trung ương biết tệ nạn này.

Ngày 18 Tháng Hai, UBND tỉnh Quảng trị “có công văn hỏa tốc gửi UBND huyện Vĩnh Linh nói rằng, thông tin báo Lao Động đã phản ánh sai phạm trong việc hỗ trợ gạo cứu đói cho người nghèo tại thị trấn Cửa Tùng là đúng sự thật. Để xử lý sai phạm này, UBND tỉnh chỉ đạo thu lại gạo đã cấp sai để cấp lại đúng đối tượng, tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý đối với cá nhân, tập thể liên quan.” Dù vậy, không hề thấy có sự trừng trị nào đối với các quan chức làm bậy từ chuyện phát gạo, đến chuyện phát tiền. 

No comments:

Post a Comment