Monday, March 3, 2014

Nước thừa nhưng dân vẫn “khát” vì thiếu đường ống!

SM- 03/03/2014     -Hàng trăm hộ dân ở quận 9, TP.HCM nhiều năm nay luôn trong tình trạng “khát” nước sinh hoạt. Điều đáng nói là nhà máy nước thì có nhiều nhưng lại thiếu đường ống nước khiến mục tiêu 100% hộ dân được cấp nước sạch cuối năm 2014 là nhiệm vụ khó thực hiện.

Suốt 6 tháng mùa mưa, người dân ở khu phố Trường Khánh, phường Long Phước, quận 9 lại phải huy động bồn chứa, can nhựa các loại để hứng nước mưa. Đến mùa khô, người dân đành phải đi 2 cây số mới mua được nước sạch với giá cao nhưng cũng chỉ dám dùng cho việc ăn uống còn những nhu cầu sinh hoạt khác đều dùng nước từ con mương, kênh rạch gần nhà dù biết nước ở đầy không còn sạch như trước. Có những thời điểm nước cạn, người dân đành phải “nín nhịn” tắm giặt mấy ngày.
 
Tổng Giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), ông Trần Đình Phú cho biết trên địa bàn thành phố đang có nhiều nhà máy nước sắp được xây xong. Nhà máy nước Thủ Đức 3 với công suất 300.000 m3/ngày đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành cuối năm 2014; nhà máy nước Tân Hiệp 2 cũng với công suất 300.000 m3/ngày với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng sẽ được hoàn thành vào năm 2015. Với 2 nhà máy này, tổng công suất cấp nước của TP sẽ lên 4.300.000 m3/ngày hơn 2.650.000 m3/ngày so với tổng công suất phát nước của thành phố hiện nay.
 
Thế nhưng dù có nguồn nước dồi dào nhưng lại thiếu đường ống nước khiến việc cung cấp nước sạch cho người dân gặp nhiều khó khăn. Để có thể cung cấp nước sạch đến cho các hộ dân thì thành phố cần phải đầu tư lắp đặt gần 94 km đường ống cấp 1, cấp 2 với tổng vốn đầu tư gần 2.322 tỷ đồng để bổ sung cho các quận 3,5,7,9…Ngoài ra, còn phải đầu tư trên 2.200 tỷ đồng để lắp đặt thêm 1.085km đường ống cấp 3 trên các tuyến đường chính để dẫn nước tới các khu vực dân cư; lắp đặt đồng hồ…
 
Nguyên nhân thiếu đường ống nước là do việc kêu gọi đầu tư vào mạng lưới đường ống cấp nước gặp khó khăn. Thu hồi vốn lâu, cùng với vốn đầu tư mạng lưới đường ống lại cao gấp 1,5 lần so với đầu tư vào nhà máy nước nên các nhà đầu tư không mặn mà với việc cung cấp ống cấp nước. Do đó, lâu nay chỉ có nhà nước đầu tư vào mạng lưới đường ống cấp nước. Dân vẫn trả tiền nước đều đặn, thậm chí nhà cung cấp có thể tăng giá bất kỳ lúc nào với mức giá cao đến đâu thì người dân cũng chấp nhận bởi họ không còn lựa chọn nào khác. Vậy nhưng, quyền lợi cơ bản nhất là sử dụng nước sạch đầy đủ lại không hề đảm bảo, nguyên nhân được đưa ra chỉ là một lý do: sợ lỗ. Thế mới thấy kinh doanh kiểu độc quyền sẽ luôn là “nắm dao đằng chuôi”.

No comments:

Post a Comment