Monday, March 3, 2014

‘Phá giá’ lãi suất, tín dụng vẫn èo uột, doanh nghiệp tiếp tục ‘chật vật’!

SM- 03/03/2014     -Bất chấp hàng loạt thông tin tung hô các ngân hàng đua nhau phá giá lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tháng 2/2014 vẫn tiếp tục giữ nguyên đà đi ì ạch khi giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong tình cảnh “trầy trật” tìm cửa tiếp cận vốn rẻ của các ngân hàng. Điều đáng nói là kể cả những doanh nghiệp thuộc nhóm ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng kêu than về việc tiếp cận vốn vay.



Theo báo cáo của NHNN đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ tháng 2/2014, tính đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Trong đó, tín dụng bằng VNĐ giảm 1,94%. Tình hình này cũng ứng nghiệm sang sản xuất khi tốc độ tăng trưởng dù vẫn được duy trì, song vẫn chậm chạp. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 2/2014 giảm nhẹ từ 52,1 hồi tháng 1 xuống còn đạt 51 điểm.
 
Lý giải về tình trạng tín dụng tăng trưởng âm này, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) - cho rằng tình hình này phù hợp với quy luật của những năm gần đây, đó là tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm. Cụ thể, đại diện NHNN đưa ra dẫn chứng trong 2 tháng đầu năm 2012, tín dụng giảm 1,88%, 2 tháng đầu năm 2013, tín dụng giảm 0,23%.
 
Tuy nhiên, nhìn vào 13.800 doanh nghiệp phải “khai tử” chỉ trong hai tháng đầu năm, tăng tới 12% so với cùng kỳ và lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới mà Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) công bố cũng đủ thấy tín dụng tăng trưởng thấp không thể chỉ bị ảnh hưởng bởi yếu tố “mùa vụ”. Còn nhớ, hai tháng đầu năm 2011, tín dụng đã tăng trưởng mạnh đến mức NHNN buộc phải tuyên bố kiểm soát tín dụng và cung tiền, đẩy lãi suất lên cao. Các năm trước đó tín dụng dù không “bật” mạnh như các tháng khác, song vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ. Nhưng điều đó đã không còn thấy từ năm 2012, khi những bất cập bên trong bắt đầu bộc lộ ra hẳn ra và “bẻ gãy” bao kỳ vọng đầu tư.
 
Các ngân hàng đua nhau báo giảm lãi suất cho vay, nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Theo VnEconomy, trên thực tế, tỷ trọng gói tín dụng “giá rẻ” chỉ chiếm một phần rất nhỏ, còn mặt chung, lãi suất cho vay không dưới 15%/năm, vốn cho vay sản xuất kinh doanh vẫn trên 11 - 14%/năm. 
 
Cảnh “khua chiêng gõ mõ” đã vốn đã khiến doanh nghiệp chán chường, mà con đường tiếp cận vốn vay lại còn khó trăm bề. Dù đã được nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua cũng như kèm thêm bao gói giải pháp “gỡ rồi”, vậy nhưng, câu chuyện “khó tiếp cận nguồn vốn” năm nay vẫn còn nguyên độ “nóng”. Chẳng hạn như ở tỉnh Vĩnh Long vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Văn Diệp than phiền chỉ có 27% doanh nghiệp đáng hoạt động tiếp cận được nguồn vốn. Hay theo Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hơn 90% doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay là vừa và nhỏ, nhưng suốt thời gian và hiện tại họ vẫn chưa thể tiếp cận được vốn tín dụng. Ông Hoàng Trọng Năm - Giám đốc Công ty cổ phần Đại Dương chuyên sản xuất kinh doanh nước giải khát tại Thanh Xuân, Hà Nội - than phiền thực tế lãi suất chỉ giảm ở kỳ ngắn hạn. Theo đó, ngân hàng chỉ cho vay trong vòng 1 năm với 3 tháng đầu lãi suất thấp, còn lại các tháng sau sẽ thả nổi và tính chung thì lãi suất cũng không hề thấp như quảng cáo. Tình hình bi đát đến độ việc Công ty cổ phần Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) gửi tâm thư lên Chính phủ cũng gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian dài, dù vấn đề được nêu ra cũng không ẩn chứa yếu tố gì quá mới mẻ.
 
Ngân hàng có thể thừa tiền, nhưng một khi vẫn có thể tìm đến nguồn trái phiếu chính phủ “an toàn” và doanh nghiệp BĐS được bao chính sách chống lưng (tín dụng năm 2013 chảy mạnh nhất vào các doanh nghiệp này) thì hiển nhiên, vẫn còn “dư địa” để các đại gia tài chính tiếp tục chính sách kinh doanh thiên vị của mình.
 

No comments:

Post a Comment