Monday, March 3, 2014

Thiếu chứng cứ vẫn buộc tội ? !


Thứ Hai, 03/03/2014 21:48

TAND tỉnh Phú Yên khẳng định còn rất nhiều điều mà các cơ quan tố tụng huyện Tây Hòa chưa làm sáng tỏ; tang chứng quan trọng là cây sắt và cái rựa được cho là gây nên thương tích thì CQĐT không thu giữ

Ngày 3-3, VKSND huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết vừa quyết định hủy bỏ lệnh tạm giam đối với bị can Lê Văn Lầm (SN 1986, ngụ xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa). Trước đó, ngày 9-12-2013, TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích liên quan đến bị can Lầm và tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND huyện Tây Hòa điều tra lại.
Nhiều sai sót trong tố tụng
Vụ việc xảy ra vào chiều 20-1-2012, Lầm cùng một số người đến nhà anh trai là Lê Văn Triều (ở gần nhà) để dự tất niên rồi đánh bài. Sau đó, xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau làm Lê Tấn Đãi (SN 1983, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa) bị một vết thương vùng đầu 4 cm, tỉ lệ thương tích 2% và một vết thương khác dài 12 cm làm gãy xương chính mũi, tỉ lệ thương tích 24%.
Bà Nguyễn Thị Nở và con trai Lê Văn Lầm
Bà Nguyễn Thị Nở và con trai Lê Văn Lầm
Các cơ quan tố tụng cho rằng vết thương vùng đầu do Triều dùng cây sắt gây ra, còn vết thương vùng má phải do Lầm dùng rựa chém. Tuy nhiên, Triều không bị khởi tố vì có đơn bãi nại của bị hại. Riêng Lầm bị khởi tố và bị bắt tạm giam từ ngày 15-5-2013 đến ngày 28-2-2014 mới được tại ngoại.
Ngày 12-9-2013, TAND huyện Tây Hòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý gây thương tích và tuyên phạt Lầm 3 năm 6 tháng tù.
Tuy nhiên, theo kết luận của TAND tỉnh Phú Yên tại phiên phúc thẩm, còn rất nhiều điều mà các cơ quan tố tụng chưa làm sáng tỏ. Theo kết quả giám định thương tích, vết thương vùng mặt của Đãi được xác định là do vật có cạnh sắc gây nên. Để đưa ra kết luận chung nhất thì phải xác định được vật cạnh sắc này là gì nhưng các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm không làm rõ được khi tang chứng quan trọng là cây sắt và cái rựa được cho là gây nên thương tích thì CQĐT đều không thu giữ.
“Những công cụ này không chỉ có ý nghĩa trong việc so sánh với vết thương trên cơ thể của bị hại mà còn có thể thu thập được dấu vết của tội phạm để lại trên vật chứng” - thẩm phán Võ Nguyên Tùng, chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm, nhận định.
Cũng theo thẩm phán Tùng, trước khi đánh nhau, bị hại đã bị Triều xô, té ngã vào đống củi tại nhà của Triều. Tuy nhiên, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã không làm rõ trong đống củi ấy có vật sắc nhọn nào có thể gây nên vết thương ở má nạn nhân, cũng như việc Triều dùng cây sắt để đánh có một đầu được gắn với mảnh sắt rộng bằng 3 ngón tay liệu có thể gây nên vết thương?
Ngoài ra, trong lời khai của các nhân chứng có những mâu thuẫn nhưng cơ quan tố tụng chưa làm rõ. Cụ thể, có nhân chứng thấy Lê Văn Hữu (một người tham gia trong bữa tiệc tất niên) cầm rựa, nhân chứng nữa nói Lầm cầm rựa, rồi lại có nhân chứng khác cho rằng Lầm cầm rựa nhưng là đuổi Lê Hoàng Văn (một người trong nhóm), có nhân chứng trước đây khai thấy Lầm cầm rựa nhưng về sau lại khai không thấy… Trước những điều này cũng như việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Hòa không thực nghiệm điều tra, HĐXX phúc thẩm khẳng định có nhiều sai sót ở cấp sơ thẩm.
“Với toàn bộ những sai sót nêu trên, nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, cấp phúc thẩm không thể bổ sung nên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại” - bản án phúc thẩm nêu rõ.
Nói ít, ghi thêm nhiều
Khi đề cập bản án phúc thẩm nêu rõ việc điều tra cấp sơ thẩm không đầy đủ, đại tá Nguyễn Việt Hùng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Trưởng Công an huyện Tây Hòa, nói: “Việc đó đã có VKSND huyện kiểm sát, cũng được ra tòa xét xử rồi. Sai thế nào còn có các cơ quan liên quan”.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Viện trưởng VKSND huyện Tây Hòa, thừa nhận: “Án hủy là có sai sót, có thể là sai sót chủ quan, có thể sai sót khách quan”. Khi đề cập những sai sót trong điều tra cấp sơ thẩm nhưng vì sao vẫn quyết định truy tố, ông Nam nói: “Tôi không có ý kiến gì về bản án phúc thẩm”.
Với việc không có kiểm sát viên khi khám nghiệm hiện trường là vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự, ông Nam nói: “Cái đó thì để tôi kiểm tra lại. Đúng là theo quy định tố tụng phải có kiểm sát viên. Nếu đúng như vậy, chúng tôi sẽ kiến nghị”.
Suốt quá trình bị tạm giam và đưa ra xét xử, bị can Lầm một mực kêu oan. “Tôi hoàn toàn không biết gì về vụ đánh nhau vì tôi sợ quá nên chạy trước. Vậy mà họ vẫn ghép tội cho tôi. Khi bị tạm giam, tôi hy vọng CQĐT làm việc minh bạch để trả lại tự do cho tôi nhưng họ không làm vậy. Những nhân chứng được đưa vào đối chất với tôi nói ít thì họ ghi thêm nhiều” - Lầm bức xúc. 
Có tội thì phải chịu
Trong suốt quá trình Lê Văn Lầm bị tạm giam và đưa ra xét xử, bà Nguyễn Thị Nở (SN 1953, ngụ xã Hòa Thịnh), mẹ của Lầm, nhiều lần làm đơn cầu cứu để minh oan cho con.
Theo bà Nở, khi vụ việc xảy ra trước ngõ nhà thì bà đang quét sân nên chứng kiến tất cả. Lúc đó, không có Lầm tại hiện trường mà chỉ có người con lớn của bà là Lê Văn Triều. “Không phải Lầm gây nên vết thương ấy mà là Triều. Làm mẹ, con bị tù tội, phạm pháp sao không đau lòng. Nhưng cũng là con, có tội phải chịu chứ không được đổ cho người khác” - bà Nở bộc bạch.

Bài và ảnh: Hồng Ánh

No comments:

Post a Comment