Sinh ra và lớn lên ở bãi nhà nổi (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) tuổi thơ của những đứa trẻ nơi đây gắn liền với nghèo đói, nhem nhuốc, bẩn thỉu và nguy cơ bệnh tật rình rập triền miên bởi từ ăn, ngủ chơi đều bám vào bãi rác.
Những đứa trẻ ở bãi nhà nổi luôn phải tự trông nhau khi cha mẹ chúng phải bươn trải kiếm sống. Ảnh: Thiên – Ngân
|
Sống nhờ bãi rác
Bãi nhà nổi nằm ngay dưới chân cầu Long Biên được hình thành cách đây hàng chục năm. Những mảnh gỗ được dùng làm sàn, nhiều tấm phên liếp tre kết lại thay thế tường kiên cố, những tấm nilon chất đầy làm mái nhà. Tất cả chúng được đặt trên những chiếc thùng phuy, tấm xốp lớn, kết lại thành bè để tạo nên xóm nhà nổi.
Những người dân sống ở đây đến từ nhiều nơi như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, người Hà Nội cũng có. Họ đều là những người có hoàn cảnh cùng cực, không thể bám trụ trên phố mới tìm đường về chốn này nương thân. Nhiều người mới ra tù hay mới cai nghiện không thể hòa nhập được với cuộc sống cộng đồng cũng trôi dạt về đây mong được sống những ngày bình yên.
Kế sinh nhai qua ngày của những người dân nơi đây là bốc vác, nhặt rác hoặc đi bán hàng rong trên phố. Người có sức khỏe thì đi bốc vác thuê, người già yếu thì ngày ngày nhặt giấy, nhặt rác đem bán lấy tiền mưu sinh.
Bà Phạm Thị Lĩnh (quê Hưng Hà, Thái Bình) sống ở đây gần 15 năm cho biết: “Trời cũng thương cho thế nào mà từ ngày sống ở đây con cháu tôi ít bệnh tật, chỉ ốm vặt mấy ngày là khỏi. Ngày kiếm không đủ ăn lấy đâu ra mà thuốc thang, tẩm bổ”.
Nhìn hai đứa cháu bà Lĩnh đang chơi đùa, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Bé gái mặc cái áo đã ngả màu cháo lòng, mái tóc hoe bết dính quanh trán lem nhem. Cháu bé đi chân trần dưới nền bùn đất vừa trơn, vừa lạnh nên nó cứ phải bặm chặt bàn chân xuống đất cho khỏi bị ngã.
Trái ngược với những đứa trẻ quần áo sạch sẽ, hát líu lô ở trường mẫu giáo trong phố thì những đứa trẻ ở đây đang túm tụm nghịch ngợm những thứ kiếm được từ bãi rác gần nhà. Quần áo, giày dép của chúng đều chỉ có một màu, đó là màu đùng đục, nâu nâu của bùn đất.
Bà Lĩnh kể thêm: “Mọi người ở đây toàn đi làm đêm nên cứ để các con trong nhà rồi khóa trái cửa lại, đi đến sáng mới về. Sự nghèo đói không cho họ nhiều sự lựa chọn, mặc dù biết để con bé ở nhà buổi đêm cũng không yên tâm nhưng chẳng còn cách nào khác. Dần dần rồi cũng quen, mấy đứa nhỏ cũng từ từ lớn lên và chấp nhận hoàn cảnh của nó”.
Không chỉ phải trải qua những đêm dài lênh đênh giữa dòng sông mà không có bố mẹ bên cạnh, những đứa trẻ nơi đây còn từng giờ đối mặt với nguy hiểm sông nước và bệnh tật. Chúng không được đến trường mẫu giáo, phải tự thơ thẩn chơi với nhau, đứa lớn trông đứa bé. Nhà ở bờ sông, sống chung với nước, nhất là mùa mưa, thật khó đoán trước được điều gì có thể xảy ra đối với những em bé hiếu động.
Ngay xung quanh những ngôi nhà nổi là rác thải nổi lềnh bềnh. Màu nước đổi sang màu đen cáu bẩn, mùi khó chịu. Phía gần bờ, còn có bãi rác khổng lồ mà những người trên bờ đổ xuống. Rác nằm trên sườn dốc, rác nằm ngay cạnh nhà, rác nổi lênh đênh trên mặt nước. Mỗi lần có gió thổi, tưởng chừng như tất cả đống rác muốn ập xuống, vùi lấp những ngôi nhà ọp ẹp trôi nổi trên dòng nước. Kéo theo đó là thứ mùi hôi lợm người, ruồi nhặng, kiến gián và cả rắn nữa. Trớ trêu thay, bãi rác khổng lồ lại là nguồn mưu sinh của nhiều người nơi đây, còn đối với các em nhỏ, đó còn là sân chơi kì thú.
Người có trình độ cao nhất là lớp 8
Thời gian trước, chính quyền địa phương đã nhiều lần có ý định giải tỏa bãi nhà nổi, không cho người dân sinh sống. Có việc như vậy là do nhiều người cho rằng bãi nhà nổi này là nơi của những đối tượng liên quan đến nghiện hút, cờ bạc. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không giải tỏa nổi do người dân kiên quyết không đi, bởi họ cũng chẳng biết đi đâu.
Nói về chuyện học hành của trẻ con thì nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Nhiều đứa trẻ 10 tuổi mới biết đọc bảng chữ cái. Những ông bố, bà mẹ cũng coi chuyện học hành của con mình là chuyện “có thì tốt, không có cũng không sao”. Vì người lớn đều đi làm cả ngày nên muốn cho con cái ở nhà trông nhau, nhất là những đứa bé. “Biết chữ cũng chưa có được miếng cơm”, một người dân sống ở bãi nhà nổi chép miệng.
Tuy nhiên, gần đây đã có hy vọng mới cho các em nhờ có sự quan tâm của chính quyền cùng những nhà hảo tâm. Hiện nay, đã có một số em được học lên tới cấp 2. Bà Tuyết, 65 tuổi, sống ở bãi nhà nổi hơn chục năm nay cho biết: “Có cháu nhà bên đang học lớp 8 là người học cao nhất ở đây”. Bà Tuyết có con trai đã lấy vợ, cũng đang sống ở bãi nhà nổi này. Cháu bà đã lên 5 mà chưa đi học, lại một thế hệ nữa lớn lên ở nơi đây - ven con sông Hồng nước đen đi vì rác.
Chúng tôi đứng nhìn mãi về phía chân trời hun hút mà không thấy ngọn đèn nào bật sáng giữa chiều muộn. Đứa trẻ láu cá nhặt chiếc que dưới bãi rác chọc vào người tôi như muốn làm quen, tôi quay lại, cúi xuống vuốt nhẹ lên mái tóc của em.
Thiên Thanh – Hà Ngân
No comments:
Post a Comment