SOHA- 04/03/2014 -Quyết định can thiệp quân sự vào Nam Ossetia đã giúp Nga ngăn cản kế hoạch bành trướng của NATO, đồng thời củng cố thế trận chiến lược ở vùng Caucasus.
Bất ổn chính trị tại Ukraine đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Đặc biệt tại khu tự trị Crimea, nơi đóng quân của Hạm đội biển Đen (Nga), tình hình còn nóng hơn. Rất nhiều người đã nghĩ đến kịch bản Nam Ossetia sẽ lặp lại tại Crimea.
Tiến sĩ Ariel Cohen (một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Nga và Đông Âu của Quỹ Heritage - Mỹ) và đại tá Robert E. Hamilton của quân đội Mỹ đã có bài phân tích về những bài học rút ra từ cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Gruzia năm 2008. Dưới đây là nội dung bài viết:
Nga đã phát động cuộc chiến chống lại Gruzia vào tháng 08/2008. Đây được xem là một cuộc can thiệp có tính chiến lược và giá trị địa chính trị cao: Sáp nhập Abkhazia vào Nam Ossetia, làm suy yếu chính quyền Mikheil Saakashvili, ngăn chặn việc NATO sáp nhập Gruzia.
Thực tế thì các thế lực chính trị-quân sự của Nga đã tập trung ở Gruzia kể từ thời Tổng thống Eduard Shevardnadze, một chính trị gia từng là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, ông Eduard Shevardnadze đã được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Gruzia nhằm duy trì một thể chế chính trị thân Nga tại đây. Các cơ sở an ninh Liên Xô cũng đã được xây dựng ở khu vực người Abkhazia và Nam Ossetia, tạo điều kiện cho sự thâm nhập sâu của họ thông qua các hoạt động núp bóng dưới dạng các hoạt động kinh doanh.
Sau này, khi chính quyền Tổng thống Mikheil Saakashvili (thân Mỹ và EU) lên nắm quyền và sử dụng vũ lực để cố thu hồi khu vực Nam Ossetia, họ đã vấp phải phản ứng dữ dội từ Moscow bằng hành động quân sự.
Cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Nam Ossetia đã cho phép họ tạo ra một vùng đệm tách biệt khỏi sự kiểm soát của Gruzia đồng thời ngăn cản nước này gia nhập NATO.
Cuộc can thiệp quân sự của Nga vào Gruzia đã bộc lộ những điểm yếu của NATO cũng như hệ thống an ninh của EU bởi họ đã không có phản ứng hiệu quả nào để ngăn chặn lực lượng quân sự Nga làm thay đổi biên giới các nước thành viên Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).
Cuộc chiến đã chứng minh vết nứt giữa các cường quốc phương Tây vốn mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Moscow. Đức, Pháp, Italia đã lo lắng để đưa chiến tranh ra phía sau lưng mình và coi đó như là một lối thoát cho sự phiền toái.
Trong khi đó Ba Lan, Ukraine, Estonia và Lithuania ủng hộ chính quyền Mikheil Saakashvili, thậm chí Thủ tướng Latvia đã đáp máy bay đến Tbilisi trong thời điểm diễn ra cuộc chiến để bày tỏ sự ủng hộ nhưng sự ủng hộ của các nước nhỏ này không đủ sức để làm thay đổi tình hình. Từ quan điểm chính trị của Nga, cuộc can thiệp quân sự vào Gruzia là một thành công.
Những bài học rút ra đối với Mỹ và NATO trong cuộc chiến này bao gồm:
- Chính quyền Vladimir Putin-Medvedev và các cơ sở quân sự của họ tại các khu vực ly khai đã đạt được thành công trong việc chấm dứt chủ quyền của Gruzia ở Nam Ossetia và Abkhazia, củng số quyền kiểm soát của chế độ ly khai thân Moscow ở hai khu vực này và biến chúng thành những vùng lãnh thổ vĩnh viễn thoát khỏi sự kiểm soát của Gruzia.
Nội bộ NATO đã bị chia rẽ khi Nga đưa quân can thiệp quân sự vào Gruzia. Kịch bản tương tự cũng có thể lặp lại tại Crimea.
- Ngăn cản Gruzia gia nhập NATO, đồng thời gửi một thông điệp cảnh báo mạnh mẽ đến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ trước đây, nhất là Ukraine rằng việc theo đuổi trở thành thành viên của NATO có thể dẫn đến một sự phân chia lãnh thổ và một cuộc xâm lược quân sự.
- Trong những năm gần đây, Moscow sử dụng rất nhiều người Nga ở Nam Ossetia và Abkhazia như những công cụ chính trị. Đây là một công cụ chính trị rất hiệu quả mà các chế độ khác nhau đã thực hiện ở châu Âu trong thời kỳ đen tối năm 1930 ở Sudetenland. Việc sử dụng công dân Nga để tạo ra một lực lượng “bảo vệ” có thể làm suy yếu chủ quyền của nước sở tại, tạo nên một cái “dốc trơn trượt” có khả năng dẫn đến việc vẽ lại biên giới các nước nước thuộc Liên Xô cũ bao gồm cả Crimea, Ukraine và có thể ở Bắc Kazakhstan.
- Sức mạnh lục địa của Nga ngày càng gia tăng, phản ứng hạn chế của Mỹ đối với Nga trong cuộc can thiệp quân sự vào Gruzia cho thấy mối quan hệ Mỹ-Nga vẫn là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Washington và Mỹ không muốn làm mất lòng Nga.
- Mức độ thu thập thông tin tình báo của Mỹ về các mối đe dọa từ Nga trong cuộc can thiệp vào Gruzia đã cho thấy nhiều thiếu sót. Hỗ trợ quân sự của Mỹ đến Gruzia trị giá 2 tỷ USD trong vòng 15 năm qua cho thấy Mỹ đã không nghiêm túc coi sự can thiệp quân sự của Nga là một mối de dọa chiến lược đối với nước Mỹ.
- Các tổ chức quốc tế đã không ngăn chặn được một cuộc chiến tranh cũng như buộc Nga phải tuân thủ các điều kiện ngừng bắn.
Các mục tiêu của Nga đối với cuộc chiến này:
- Thành lập một chính quyền thân Moscow ở Tbilisi, cung cấp sự kiểm soát của Nga ở Abkhazia và Nam Ossetia, sử dụng lãnh thổ, không phận của họ như là cơ sở cho các mục tiêu quốc phòng rộng lớn hơn ở Nam Caucasus.
- Kiểm soát tuyến hành lang năng lượng Nam Caucasus. Một chế độ thân Nga được thành lập ở Gruzia giúp họ có thể xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu chiến lược Baku-Tbilisi-Ceyhan, cũng như tuyến đường ống dẫn khí đốt Baku-Erzerum (Thổ Nhĩ Kỳ) đặt dưới sự kiểm soát của Moscow.
Nhìn lại những gì đã diễn ra tại Gruzia, có thể nhận thấy rằng kịch bản tương tự hoàn toàn có thể lặp lại tại Ukraine mà cụ thể là Crimea. Ukraine đã thành lập một chính quyền thân NATO, quốc gia này cũng đã lên kế hoạch gia nhập khối quân sự lớn nhất thế giới này. Chắc chắn Nga sẽ không ngồi yên để Ukraine gia nhập NATO mà hậu quả là Hạm đội biển Đen của họ có thể mất sự hiện diện chiến lược tại Sevastopol.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của các tác giả.
No comments:
Post a Comment