Monday, March 3, 2014

Nguy cơ mắc bệnh vì ăn "thịt" bơm nước ao


(Xã hội) - Bất chấp nguy hại, nhiều lò mổ trâu, bò, lợn, gà bơm nước ao để tăng trọng lượng, kiếm lợi.


Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây. Nhiều gian thương đã bơm nước bẩn, bơm thuốc an thần, nhồi cám vào trâu, bò, lợn, gà,… để tăng trọng lượng nhằm thu lợi bất chính.
Công an Hậu Giang vừa bắt quả tang cơ sở La Đen (huyện Phụng Hiệp) thực hiện hành vi bơm nước vào trâu. Sau khi trâu bị giết, cơ sở La Đen cho người cột bốn chân con trâu vào 4 cọc rồi dùng ống nước găm vào bụng con trâu để bơm nước vào. Chỉ sau thời gian ngắn, xác con trâu đã trương phình, đầy nước.
Mỗi con trâu sau khi dùng công nghệ bơm nước có thể tăng thêm khoảng 20% trọng lượng và người bán dễ dàng kiếm lời từ 4-6 triệu đồng/con. Chủ cơ sở La Đen tiết lộ, công nghệ bơm nước này đã áp dụng cả năm nay. Việc bơm nước tăng trọng là do thỏa thuận với bạn hàng, theo đó giá thịt được bơm nước rẻ hơn so với thịt khô nên dễ bán.
Bò béo căng do bị bơm thẳng nước ao vào thịt
Tháng 9/2013, trong đợt kiểm tra liên ngành tại thành phố Đà Nẵng, lực lượng chức năng phát hiện 3 cơ sở giết mổ bò trên địa bàn có hành vi bơm nước trực tiếp vào dạ dày bò nhằm tăng trọng lượng. Thường các chủ bò đưa đường ống dẫn nước mềm dài 1,5m vào và chỉ dừng lại khi toàn thân bò đã trương lên.
Mỗi con bò sau khi được bơm nước tăng khoảng 20% trọng lượng cơ thể, giúp chủ thu lợi 2-3 triệu đồng. Hệ lụy là bò có thể chết trước khi bị giết, mà nguồn nước thường được lấy ngay tại các giếng, ao ở lò mổ không đảm bảo vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vì thịt bò có khả năng nhiễm vi sinh rất cao, đặc biệt là đối với những thực khách ưa thích món bò tái.
Tại một cơ sở giết mổ ở xã T, huyện Đô Lương, Nghệ An vào năm 2011 cho thấy, sau khi chọc tiết xong, những đồ tể dùng nhiều ống nhựa dẫn nước to bằng ngón tay, phía đầu được cắm chiếc kim tiêm loại lớn, đâm kim tiêm vào cổ họng bò, có con đâm thẳng vào động mạch để ăn nước. Con bò lúc đầu gầy guộc, nhưng được ăn nước, nên con nào, con nấy béo căng.
Khi xẻ thịt những con bò này, đồ tể tiếp tục đưa vòi nước gắn kim tiêm chích vào thịt bò. Kim tiêm cắm đến đâu thì từng thớ thịt căng phồng đến đó. Thậm chí, phần nội tạng như tim, gan... cũng được chích nước cho căng phồng. Mỗi con bò sau khi bị bơm nước thường tăng thêm được khoảng 20-30kg.
Và độn không thương tiếc để tăng trọng
Bên cạnh việc bơm nước, tình trạng nhồi cám, bánh đúc, cơm nguội, thậm chí là các tạp chất rẻ tiền cho gà, vịt cũng khá phổ biến tại các chợ bán gia cầm đầu mối phía Bắc.
Với cách làm này, các thương lái có thể ăn gian trọng lượng một cách dễ dàng. Theo một tay buôn gà có tiếng ở chợ gia cầm Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội), việc nhồi nhét bánh đúc hết cỡ như vậy, một con gia cầm có thể tăng thêm từ 100-300g, chưa kể việc họ cân điêu, cân thiếu.
Bơm nước để tăng trọng cho gà, vịt trước khi bán ra thị trường.
Lợn cũng không được tha
Năm 2013, Thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau phát hiện nhiều cơ sở giết mổ bơm nước vào heo. Mánh khóe của các gian thương là bơm nước trực tiếp vào hệ tiêu hóa cho đến khi heo căng tròn, không đứng được ngã lăn quay. Nhiều con trước khi giết mổ còn bị bơm nước đến hai lần: lần đầu của thương lái, lần hai của lò mổ. Bằng hình thức này, các chủ cơ sở kinh doanh thu lợi từ 400.000-500.000 đồng/con.
Giới chăn nuôi heo còn sử dụng loại hoocmôn tạo nạc, hoocmôn siêu tăng trọng. Theo điều tra, loại thuốc tăng trọng của Trung Quốc này giúp heo lớn nhanh, bung đùi, nở vai, giá từ 500.000-1,2 triệu đồng/kg.
Lợn đã bơm nước và đang chờ để đem đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, heo nuôi bằng chất tăng trọng rất dễ bị chết khi vận chuyển đường xa nên các thương lái đối phó bằng cách chích cho heo một loại thuốc an thần để heo ngủ li bì. Khi đưa heo về lò giết mổ, họ tiếp tục tiêm thêm loại thuốc này một lần nữa. Loại thuốc an thần này còn có tác dụng khắc chế được những nhược điểm của heo nuôi bằng chất tăng trọng như làm cho thịt heo có màu sắc đỏ hồng tự nhiên hơn (thịt heo nuôi bằng chất tăng trọng có màu đỏ đậm), giúp cho thịt bớt khô lại dẻo hơn.


Theo VNN

No comments:

Post a Comment