Monday, March 3, 2014

Ukraina: Phương Tây bất ngờ trước thái độ cứng rắn của Nga

RFI- 03/03/2014

Giới trẻ Ukraina biểu tình phản đối việc Nga kiểm soát vùng tự trị Crimée - Reuters
Giới trẻ Ukraina biểu tình phản đối việc Nga kiểm soát vùng tự trị Crimée - Reuters


Phương Tây « hụt hẫng », « bất ngờ » trước thái độ cứng rắn của Nga trên hồ sơ Ukraina. Người dân xứ này sống trong lo âu trước viễn cảnh nổ ra chiến tranh. Lực lượng thân Nga đang kiểm soát vùng tự trị Crimée. Một lần nữa, Ukraina chiếm gần hết phần tin thời sự của các tờ báo Paris ngày đầu tuần.

« Ukraina sống trong sợ hãi », tựa của La Croix. L'Humanité : « Crimée chuẩn bị đối phó với chiến tranh ». Tờ báo chủ trương nên « đối thoại hơn là sử dụng súng cà nông ». Trong bài viết mang tựa đề « Putin treo lơ lửng đe dọa quân sự », Le Figaro nêu lên câu hỏi : sau khi đã được Nghị viện bật đèn xanh để can thiệp quân sự vào Ukraina liệu tổng thống Nga sẽ quyết định ra sao ?
Một mặt điện Kremly huy động các phương tiện truyền thông nhà nước để chuẩn bị dư luận về tính chính đáng và cần thiết trong trường hợp Nga đưa quân sang Ukraina. Đài truyền hình Nga cũng đã đưa ra những phân tích, phóng sự cho thấy là « Châu Âu và Hoa Kỳ đã tài trợ và chuẩn bị cho chiến dịch » làm khuynh đảo tình hình của Ukraina như thế nào. Nhưng về mặt chính thức điện Kremly cho biết là tổng thống Nga chưa lấy quyết định cuối cùng. Trước mắt rất khó có thể đoán được những ý đồ của Matxcơva.

La Croix trong bài xã luận nói tới thời sự Ukraina nóng bỏng lần này là « Một bằng chứng cho thấy sự bất lực của nền ngoại giao phương Tây ». Ngoại trừ đe dọa tảy chay thượng đỉnh G8 sắp mở ra vào tháng 6/2014 tại Sochi hay gạt Nga ra khỏi câu lạc bộ các cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, từ Liên Hiệp Quốc đến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, từ Liên Hiệp Châu Âu đến Hoa Kỳ đều không có những hành động cụ thể trước các hành vi hiếu chiến của chủ nhân điện Kremly.
Báo Les Echos nói tới « tầm hoạt động rất hạn hẹp của phương Tây » và một nước Mỹ « mờ nhạt trước quyết tâm của Vladimir Putin ». Libération : một tổng thống « Barack Obama rất rụt rè » trước ông Putin bởi vì Hoa Kỳ đang cần đến Nga để giải quyết những hồ sơ quan trọng khác như là Afghanistan, Syria hay Iran. Theo quan điểm của tờ báo tương lai của Crimée như đã được an bài : « Crimée, dưới sự cai trị của Nga ».

Ngộ nhận của phương Tây về thái độ của Nga

Le Figaro không khoan nhượng : việc tổng thống Nga tăng cường quân sự ở Crimée là « một cú tát tai với ông Obama ». Một trong những chuyên gia hàng đầu về tình hình Liên Xô cũ và cũng là chủ tịch cơ quan tư vấn Eurasia Group, Ian Bremmer, được Le Figaro trích dẫn báo trước : đối với Ukraina, « những ý đồ quân sự của Nga sẽ không dừng lại ở Crimée ». Chiến dịch quân sự của Nga có nguy cơ lan rộng ra các vùng ở miền đông và miền nam Ukraina. Sở dĩ kịch bản đó có thể xảy tới do, châu Âu và Mỹ đã đánh giá sai lệch tình hình cả về Ukraina lẫn Putin. Chuyên gia Bremmer xoáy vào những sơ hở của Nhà Trắng :

Thứ nhất Washington đã ngây thơ tin vào sức mạnh của chính mình, cho rằng dù vị trí siêu cường của Hoa Kỳ đang trên đà suy yếu nhưng nước Mỹ vẫn còn chiếm thế thượng phong. Sơ hở thứ nhì là lâu nay Nhà Trắng đã lơ là với hồ sơ Ukraina, cả tin rằng khi người dân Ukraina nổi dậy chống lại tổng thống Ianoukovitch, quốc gia này hiển nhiên ngả vào vòng tay của châu Âu. Ở đây Mỹ quên mất rằng quyền lợi của Nga tại Ukraina lớn gấp 10 lần so với của Châu Âu. Khác với phương Tây, ông Putin có hẳn một kế hoạch, một chiến lược rất rõ ràng cho Ukraina.

Nhược điểm thứ ba là Mỹ đã xem thường đối phương, tưởng lầm là Nga không còn ảnh hưởng lớn đối với Ukraina. Thế rồi lại cũng Hoa Kỳ, theo chuyên gia Bremmer, đã làm ngơ để cho thỏa hiệp giữa tổng thống bị truất Ianoukovitch với ba nước châu Âu bị vi phạm. Nhưng chốt lại, cả Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ chỉ mạnh miệng lên tiếng cảnh cáo Nga nhưng cả Bruxelles lẫn Washington tới nay vẫn chưa biết phải đối phó ra sao trên vấn đề Ukraina.

Cũng Le Figaro phân tích về sự ngộ nhận và thiếu tinh tế của ngành ngoại giao Hoa Kỳ và châu Âu như sau : « Thình lình Mỹ và các đồng minh châu Âu tỉnh ngủ trước thái độ thách thức của Nga ». Trước đó, mặc cho những quốc gia trong vùng Baltic hay Ba Lan đánh động dư luận quốc tế về lò lửa Ukraina, phương Tây vẫn làm ngơ. Giờ đây Mỹ thực sự lúng túng trước một ông Putin « đang vô cùng tự tin, sau khi đã dẹp yên tình hình trong nước, chủ nhân điện Kremly cảm thẩy đủ mạnh, sẵn sàng dùng võ lực để khẳng định quyền lợi của Nga tại Ukraina ».

Trên chính trường Mỹ mọi người đều ý thức được rằng, nếu chỉ đe dọa suông mà không có những hành động cụ thể, uy tín của Hoa Kỳ sẽ bị sứt mẻ. Nhưng chẳng mấy ai tin rằng Washington sẽ đọ sức với Matxcơva vì Ukraina.

Le Figaro nhắc lại tháng 8/2008 các nước phương Tây đã không làm gì được khi Nga đưa quân sang chiếm đống Abkhazia và Ossetia, hai tỉnh thành thuộc chủ quyền của Gruzia. Liệu rằng kịch bản đó sẽ có lập lại với Ukraina hay không ?

Trong bài phân tích, Libération chủ trương châu Âu nên để một cánh cửa ngỏ cho giải pháp ngoại giao. Việc tăng quân tại Crimée cho thấy Matxcơva cảnh cáo cộng đồng quốc tế chớ nên làm mất mặt nước Nga. Điều đó cũng có nghĩa là điện Kremly hoàn toàn xem nhẹ những lời đe dọa trừng phạt Matxcơva của châu Âu.

Vậy thì theo như nhận định của một nhà ngoại giao châu Âu được tờ báo trích dẫn, Bruxelles nên nhanh chóng tìm ra một kênh đối thoại với Matxcơva bởi vì căng thẳng càng kéo dài chừng nào càng trở nên nguy hiểm chứng nấy. Mọi người cũng đừng quên đặt câu hỏi là thỏa thuận đã đạt được hôm 21/02/2014 giữa chính quyền Kiev khi đó và đại diện của ba nước trong Liên Hiệp Châu Âu gồm những gì và vì sao thỏa thuận đó lại không được tôn trọng ?

Trung Quốc sau vụ tấn công ở Côn Minh

Về thời sự châu Á gần như chỉ có Libération quan tâm nhiều đến vụ tấn công ở nhà ga Côn Minh, tình Vân Nam -Trung Quốc cách nay hai ngày, làm 30 người thiệt mạng. Chính quyền Bắc Kinh đã quy trách nhiệm cho « Những thành phần đòi ly khai ở Tân Cương » là tác giả loạt tấn công đẫm máu nói trên.

Libération nhận định : khi chọn mục tiêu tấn công là một địa điểm rát xa vùng tự trị Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ dường như muốn thu hút chú ý của quốc tế. Cho đến nay một phần dư luận trên thế giới vẫn không hay biết gì về công cuộc đấu tranh của cộng đồng người Hồi giáo sinh sống tại Trung Quốc này. Gần 60 năm kể từ khi quân đội Trung Quốc chiếm đóng Tân Cương Bắc Kinh vẫn chưa bình định được vùng đất này.

Nhưng để độc giả hiểu được vấn đề tờ báo Pháp không quên nhắc lại : sau chiến dịch quân sự, xâm chiếm Tân Cương năm 1949, thì Trung Quốc cũng đã cai trị vùng đất này với sự thô bạo không khác gì như ở Tây Tạng. Sau một thời gian tương đối khoan hồng, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu siết gọng kềm, giới hạn các quyền tự do tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ.

Gần 200 người Duy Ngô Nhĩ đã thiệt mạng trong đợt đàn áp nhắm vào cộng đồng Hồi giáo này hồi năm 2009. Quy chế tự trị của vùng Tân Cương chỉ còn có ý nghĩa trên giấy tờ. Lịch sử có từ ngàn năm của người Duy Ngô Nhĩ không được nhắc tới trong sách vở và trong các chương trình giảng dậy ở nhà trường. Các công nhân viên chức người Duy Ngô Nhĩ bị gạt dần ra ngoài để nhường chỗ cho người Hán. Trẻ em dưới 18 tuổi bị cấm không được lui tới các đền thờ Hồi giáo tại Tân Cương.

Alain Resnais, một thiên tài kín đáo của làng điện ảnh Pháp
Các tờ báo Paris hôm nay nhất loạt nghiêng mình trước một cây đại thụ của nền điện ảnh Pháp, Alain Resnais. Ông vừa qua đời, thọ 91 tuổi và để lại gần 70 bộ phim. Người châu Á biết đến ông qua hai tác phẩm một rất nổi tiếng là « Hiroshima mon amour » (1959), dựa trên tác phẩm của nữ văn sĩ Marguerite Duras. Là một nhà làm phim theo phong trào chủ hòa, ông đã cùng với nữ đạo diễn Agnès Varda và đạo diễn Jean Luc Godard tham gia vào việc thực hiện bộ phim mang tên « Loin du Việt Nam ».

« Resnais, cinéma mon amour » Libération lấy lại tên một bổ phim nổi tiếng của ông để nhìn lại sự nghiệp đồ sộ của Resnais. Đạo diễn Alain Resnais qua đời vài tuần lễ trước khi bộ phim cuối cùng của ông « Aimer, boire et chanter- Yêu, uống và hát » của ông ra mắt công chúng Paris. Một bộ phim mà tờ báo đánh giá là di chúc Resnais để lại cho hậu thế. Với tác phẩm này, đạo diễn Alain Resnais đã đoạt giải Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin vừa qua.

Le Figaro ghi nhận : một thiên tài kín đáo của điện ảnh Pháp vừa nhẹ bước ra đi. Cả cuộc đời ông gần như là âm thầm phục vụ nghệ thuật. Alain Resnais rất ít trả lời báo chí mà chỉ miệt mài sáng tác. Cũng Le Figaro đưa ra một nghịch lý : Renais là một người thích thể loại phim câm và đó là nguồn cảm hứng để sau này ông sáng tác ra những bộ phim ca nhạc rất ý nhị và rất được khán giả yêu thích.

La Croix nhắc lại, một trong những bộ phim đầu tiên của ông, phim ngắn « Van Gogh » thực hiện năm 1948, từng đoạt giải thưởng Oscar.

No comments:

Post a Comment