Monday, March 3, 2014

Mỹ hứa ủng hộ tài chính tân chính quyền Ukraina

RFI- 03/03/2014

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Ukraina ngày 04/03/2014 - REUTERS /Evan Vucci
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Ukraina ngày 04/03/2014 - REUTERS /Evan Vucci


Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Leb cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp « tất cả trợ giúp cần thiết » cho Ukraina để ổn định tình hình tài chính trong khuôn khổ kế hoạch của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Ngày thứ ba 04/03/2014, Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Kiev trong bối cảnh vùng Crum (Crimée) của Ukraina bị Nga đưa quân lính (không mang phù hiệu) kiểm soát.

Hoa Kỳ cho biết ủng hộ Ukraina từ « kinh tế đến chính trị » đối phó với tình trạng « đất nước lâm nguy » theo lời kêu gọi của tân chính quyền Kiev. Trước hết, theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew vào ngày hôm qua, tại hiệp hội vận động hành lang của cộng đồng Do Thái AIPAC, Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế để hỗ trợ mọi nhu cầu của Ukraina để bình ổn nền kinh tế.

Cụ thể là Hoa Kỳ sẽ bổ sung phần đóng góp của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF « để giúp cho Ukraina cải tổ một cách hiệu quả nền kinh tế Ukraina và xoa diệu phần nào thiệt thòi cho tần lớp yếu đuối nhất trong xã hội».

Tân chính quyền Kiev, lên thay thế tổng thống Ianoukovitch sau khi nhân vật này chạy sang Nga, đã kêu gọi sự giúp đỡ của Quỹ Tiền tệ IMF và đã được đáp ứng. Kế hoạch sẽ được thảo luận vào tuần tới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết là ông đã nhiều lần thảo luận với quyền Thủ trướng Ukraina Arseni Iatsenouk và được cam kết là sẽ cải cách theo chiều hướng xây dựng một nền tảng kinh tế vững chắc”.

Cũng trong nỗ lực trợ giúp Kiev trước chính sách xâm lấn của Matxcơva, ngày mai Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Ukraina. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kerry sẽ tiếp xúc với các nhà lãnh dạo mới tại Kiev, lãnh đạo đảng phái chính trị và đại diện xã hội dân sự. Trong các cuộc gặp gỡ này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ “khẳng định quyết tâm của Mỹ ủng hộ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.
Hoa Kỳ có lẽ chọn thái độ cứng rắn đối với Nga. Nhiều viên chức cao cấp của Mỹ cho biết phía Hoa Kỳ đã đình hoãn các cuộc đối thoại kinh tế song phương với Nga và đích thân Ngoại trưởng Mỹ gián tiếp đe dọa trục xuất Nga ra khỏi nhóm G8 và thi hành các biện pháp trừng phạt khác.
Washington cũng như Liên minh Bắc Đại Tây dương NATO, sau cuộc họp khẩn cấp vào ngày hôm qua, kêu gọi gửi quan sát viên quốc tế dưới sự bảo trợ của Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc hoặc của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu OSCE sang Ukraina.

NATO chỉ phản ứng “chính trị”, kêu gọi Nga rút quân nhưng vẫn để mở cánh cửa đàm phán. Kiev, hôm qua, ra lệnh tổng động viên lực lượng trừ bị. Nhưng theo đại diện của Kiev tại NATO, dù cho những lời kêu gọi đối thoại với Putin không mang lại kết quả, tuy nhiên động thái kêu gọi đối thoại của NATO hy vọng sẽ là bước đầu làm giảm căng thẳng để đàm phán chính trị.

Áp lực của Nga tại Ukraina bị khắp nơi lên án. Cựu ngoại trưởng Cộng hòa Sec (Tiệp) Karel Schwarzenberg, thuộc khuynh hướng thân châu Âu, so sánh Tổng thống Nga Putin với Hitler. Ông nhắc lại, để đưa quân sang chiếm Tiệp Khắc, lãnh tụ Đức Quốc Xã đã viện cớ bảo vệ cộng đồng người Đức ở Tiệp Khắc bị “áp bức”.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại cho an nguy của cộng đồng người Tarta nói tiếng Thổ, chiếm khoảng 12% dân số ở vùng Crimée. Một nguồn tin từ chính phủ Ankara cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không khoanh tay ngồi yên. Ngoại trưởng Ahmet Davutoglu đã nhiều lần điện đàm với đồng sự Mỹ và châu Âu sau khi viếng thăm khẩn cấp Kiev.

Cộng đồng người Tarta đã tổ chức biểu tình trước sứ quán Nga tại Ankara, yêu cầu Matxcơva tôn trọng chủ quyền Ukraina.

Tại Châu Á, Nhật Bản tỏ thái độ quan ngại trước sự kiện Thượng viện Nga cho phép hành pháp đưa quân sang Ukraina. Ngược lại, Trung Quốc cho biết ủng hộ Nga và sẽ sử dụng quyền biểu quyết tại Hội Đồng Bảo An để ngăn chận mọi nghị quyết lên án hay trừng phạt Matxcơva.

No comments:

Post a Comment