Monday, March 3, 2014

Nga ra tối hậu thư cho Ukraine



Thứ ba, 2014-03-04 08:03:03 - Nguồn: ThanhNien.com.vn
Ukraine cáo buộc Nga ép lực lượng nước này ở Crimea phải đầu hàng trước 10 giờ sáng nay (giờ VN) nếu không sẽ tiến hành tấn công.
 Lược đồ toàn cảnh khủng hoảng Ukraine - Nga / Nguồn: The Times/Đồ họa: Sơn Duân
Ngày 3.3, hãng tin Interfax của Nga dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng Ukraine nói Hạm đội biển Đen đã ra tối hậu thư tuyên bố lực lượng Ukraine ở Crimea có thời gian đến 3 giờ GMT, tức 10 giờ sáng nay (giờ VN) để đầu hàng nếu không sẽ hứng chịu tấn công quân sự. Theo Kiev, lời đe dọa trên do chính chỉ huy hạm đội là Alexander Vitko đưa ra. Ngoài ra, Cơ quan An ninh biên giới quốc gia Ukraine loan tin đã xảy ra nhiều vụ tấn công ở phía đông bán đảo Crimea. Theo đó, các tay súng không thể nhận dạng, được cho là lính Nga hoặc “thân Nga”, cùng lúc tiến công vào các đồn biên phòng. Nhiều chốt gác ở thành phố Kerch bị cắt đường dây liên lạc. Chính quyền lâm thời Ukraine không cho biết thêm chi tiết về việc có xảy ra đụng độ hay không. Cùng ngày, một nhóm quân nhân tấn công căn cứ quân sự Belbek gần thành phố Sevastopol làm một số lính Ukraine bị thương, nhưng sau đó đã rút lui. Ngoài ra, còn có 10 căn cứ của Ukraine đang bị phong tỏa trên khắp Crimea. 
Cũng trong ngày 3.3, Bộ Quốc phòng Ukraine cáo buộc máy bay chiến đấu Nga 2 lần xâm phạm không phận nước này trên biển Đen. Theo Interfax, không quân Ukraine đã điều động chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 để ngăn chặn các máy bay trên và đề phòng mọi “hành vi khiêu khích” nhưng không tiết lộ chi tiết. Chưa hết, Reuters dẫn thông báo của lực lượng biên phòng Ukraine nói ít nhất 10 máy bay trực thăng chiến đấu và 8 máy bay vận tải quân sự của Nga đã hạ cánh xuống bán đảo Crimea trong ngày 3.3. Bốn tàu chiến Nga cũng có mặt tại cảng Sevastopol kể từ ngày 1.3 trong khi theo một số nguồn tin, Nga đang tăng cường lượng xe thiết giáp dọc biên giới với Ukraine.
Đến nay, Moscow vẫn chưa có phản ứng về các cáo buộc trên cũng như chưa có tuyên bố chính thức về sự hiện diện của lực lượng vũ trang “lạ” tại Crimea. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 3.3 tuyên bố trên Đài Tiếng nói nước Nga rằng an ninh tại Crimea được thắt chặt vì có nguy cơ Hạm đội biển Đen “sẽ gặp phải hành động khiêu khích”.
Tư lệnh, binh lính Ukraine “trở giáo”
Trong tình hình căng thẳng đang dâng cao, Đài RT của Nga đưa tin hàng loạt quan chức cấp cao của Kiev đã theo phe chính quyền tự trị Crimea, vốn công khai ngả về phía Nga và muốn ly khai khỏi chính phủ lâm thời ở Kiev. Trong số đó, nổi bật nhất là Tư lệnh Hải quân, chuẩn đô đốc Denis Berezovsky và chính quyền Kiev tuyên bố đang xúc tiến điều tra tội phản quốc nhằm vào ông. Cũng trong hôm qua, hơn 3.000 binh sĩ Ukraine đã tuyên thệ trung thành với chính quyền Crimea, theo Itar-Tass.
Đến nay, Mỹ thừa nhận Crimea trên thực tế đã hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Nga. Hàng ngàn tay súng được cho là thân Nga hoặc đến từ Nga đang đảm trách an ninh tại Crimea. Trong ngày 3.3, không còn cảnh tượng lính tráng dày đặc trên đường phố nhưng các cơ sở quan trọng đang được các tay súng canh giữ nghiêm ngặt. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định công dân Nga và cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine đang bị đe dọa bởi những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và rằng các biện pháp của Nga hoàn toàn phù hợp xét theo tình hình bất thường ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin chấp nhận đề xuất của bà Merkel thành lập một nhóm liên lạc để xúc tiến đối thoại. Reuters hôm qua dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cũng khẳng định Nga “không muốn chiến tranh với Ukraine”. Những diễn biến trên cùng việc Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố “chưa có giải pháp quân sự nào được xem xét dù Ukraine quyết không từ bỏ Crimea” khiến giới chuyên gia hy vọng sẽ không bùng phát chiến tranh.
Trong lúc này, Mỹ và phương Tây đang ra sức đẩy mạnh các biện pháp nhằm ứng phó Nga. Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến Ukraine trong hôm nay 4.3 trong khi Washington đã hủy một số cuộc trao đổi về thương mại và năng lượng với Moscow, theo tờ The New York Times. Tuy nhiên, giới chức Mỹ loại trừ khả năng hành động quân sự mà tập trung vào những giải pháp chính trị, kinh tế và ngoại giao.
Người Việt ở Ukraine bị ảnh hưởng nặng
Ngày 3.3, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí cho Thanh Niên biết đa số người Việt tập trung ở khu vực miền đông Ukraine với khoảng 8.000 - 9.000 người. Ông Nguyễn Minh Trí khẳng định Đại sứ quán đã liên tục tuyên truyền, phổ biến thông tin đến cộng đồng người Việt, khuyên bà con tăng cường các biện pháp an ninh, chẳng hạn như hạn chế ra đường vào ban đêm, hạn chế đi mua sắm… Theo đại sứ, đã có vài người Việt đăng ký về nước và được sứ quán tạo điều kiện tối đa.
Người Việt ở Kharkov, miền đông Ukraine cho hay họ vẫn an toàn khi đi ra ngoài nhưng công việc làm ăn và tâm lý thì bị ảnh hưởng nặng nề. Những người làm ăn buôn bán tại Ukraine trong thời gian qua luôn thường trực lo ngại về tình hình bất ổn chính trị ảnh hưởng nặng nề đến việc kinh doanh. Đa số cho biết họ đang rất khó khăn do giao thông bị cản trở nên thiếu nguồn hàng hóa. Bên cạnh đó, theo tiểu thương Việt ở Kharkov, sức mua tại các chợ giảm hẳn, đa số khách mua lương thực là chính còn các mặt hàng khác thì hầu như không bán được. “Trong tuần qua, tôi hầu như không bán được gì, người đi chợ chủ yếu mua lương thực thực phẩm nhiều hơn những thứ hàng hóa khác. Nhiều tiểu thương Ukraine và Việt Nam đang kêu gọi hạ giá thuê mặt bằng trong giai đoạn này”, chị Nguyễn Thị Thu, bán quần áo trẻ em tại một chợ ở Kharkov, chia sẻ với Thanh Niên.
Do lo ngại nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nga, có thể kéo theo xung đột quy mô lớn, nhiều người Việt và Ukraine đang vội vã mua sẵn lương thực dự trữ. Chị Thu cho biết: “Tôi đã mua trữ sẵn mấy chục ký gạo do lo sợ chiến tranh xảy ra”. Còn ông Nguyễn Trọng Cơ, một người Việt sống nhiều năm ở Kharkov, nói: “Ngay cả người Ukraine cũng ưu tiên mua bánh mì và lương thực hơn là những mặt hàng khác”.
Tuy vậy, các trường học đến nay vẫn mở cửa hoạt động bình thường và các du học sinh Việt Nam vẫn đến lớp. “Tôi cũng như các bạn sinh viên khác vẫn đến lớp bình thường trong thời gian qua”, Nguyễn Minh Nam, du học sinh Việt Nam tại Đại học Kinh tế Kharkov, cho hay. Nhưng Nam nói thêm là anh rất lo sẽ xảy ra chiến tranh và thường xuyên theo dõi tình hình.
“Sau cơn mưa trời lại sáng. Tôi luôn khuyên bạn bè, người thân ở Ukraine nên bình tĩnh, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau và kỳ vọng tình hình sẽ khả quan hơn sau cuộc bầu cử 25.5 sắp tới”, ông Cơ nói. Ông cũng cho biết thêm là hầu như không có người Việt Nam sinh sống tại khu tự trị Crimea, hiện là tâm điểm căng thẳng.
Phúc Duy - Hoàng Uy
Trùng Quang

No comments:

Post a Comment