Thứ Hai, 03/03/2014 22:24
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, hiện tượng tự xử cho thấy việc phát hiện, xử lý các vấn đề nóng về ô nhiễm môi trường chưa hiệu quả, đồng thời phản ánh mức độ phức tạp và hành vi cố tình vi phạm của một số doanh nghiệp
Phóng viên: Hiện tượng tự xử đang trở thành vấn đề nóng trong lĩnh vực môi trường khi xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có được báo cáo đầy đủ các vụ việc này không, thưa ông?
- Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Bộ TN-MT hết sức quan tâm tới việc phòng ngừa sự xuất hiện của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng như kịp thời nắm bắt, xử lý điểm nóng về môi trường nhằm hạn chế các vụ việc gây bức xúc trong xã hội. Trong phạm vi thẩm quyền, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để giải quyết vấn đề này theo hướng tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật đi đôi với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo nhận xét của bộ, bức xúc của người dân là chính đáng hay họ cố tình gây khó dễ cho doanh nghiệp (DN) và địa phương?
- Các vụ việc xảy ra không còn là sự manh động bột phát của cá nhân mà là sự bùng phát của tập thể người dân. Dù cũng có trường hợp người dân tự phát hành xử vượt quá quyền hạn của mình nhưng nguyên nhân đều xuất phát từ việc cơ sở sản xuất cố tình gây ô nhiễm môi trường và xem thường pháp luật.
Hiện tượng tự xử cho thấy việc phát hiện, xử lý các vấn đề nóng xảy ra trên địa bàn còn chậm trễ, chưa hiệu quả dẫn đến sự bức xúc của một bộ phận người dân, đồng thời phản ánh mức độ phức tạp và hành vi cố tình vi phạm của một số DN. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng phản ánh sự quan tâm nhiều hơn của xã hội đến lĩnh vực môi trường, đó là mặt tích cực.
Nhờ phát hiện của người dân huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, việc chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái bị phanh phui Ảnh: Tuấn Minh
Việc các báo đài tăng cường thời lượng, tin bài về môi trường - cả về các gương tốt và những vụ việc tồn tại, vi phạm pháp luật điển hình - cho thấy mức độ quan tâm của xã hội về lĩnh vực này đã được nâng lên rất nhiều, nhất là nhận thức về mối nguy hại của tình trạng ô nhiễm môi trường tới sức khỏe và cuộc sống của mình. Người dân cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền của họ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã có cơ chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của người dân.
Tự xử gia tăng có đồng nghĩa với gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường không, thưa ông?
- Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, mức độ ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng gấp 2 lần tốc độ tăng GDP. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu khai thác tài nguyên, mức độ xả thải, mức độ tác động tới môi trường gia tăng rất nhanh và tạo nên sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, với các giải pháp đồng bộ của Đảng và nhà nước, với sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng sự tham gia của toàn dân, mức độ gia tăng ô nhiễm đã được hạn chế rất hiệu quả, bước đầu tạo tiền đề cho việc khắc phục, cải thiện môi trường.
Vậy nguyên nhân người dân tự xử là từ đâu?
- Trước hết, phải nói đến những DN cố tình né tránh công tác bảo vệ môi trường, xả trộm chất thải để tối đa hóa lợi nhuận. Về phía quản lý nhà nước, phải thẳng thắn nhìn nhận có một bộ phận người thi hành công vụ cố tình bao che, dung túng cho các hành vi xả thải trong một thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lấp liếm việc gây ô nhiễm, làm sai các kết quả giám sát môi trường, xử lý không thỏa đáng khiếu nại, tố cáo của dân.
Hiện nay, chỉ một số thành phố lớn và các tỉnh phát triển về công nghiệp có đội ngũ cán bộ quản lý đủ năng lực chuyên môn, được đầu tư bài bản về trang thiết bị. Mặt khác, sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước liên quan đến môi trường dẫn đến việc khi tiếp nhận khiếu kiện của người dân về hành vi gây ô nhiễm môi trường của DN, cơ quan chức năng chưa đánh giá được đầy đủ mức độ ô nhiễm thực tế, lúng túng trong giải quyết, xử lý.
Khi có xung đột về môi trường xảy ra thì có các cơ chế giải quyết khác nhau như thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án và qua hệ thống cơ quan hành chính. Tuy nhiên, đa phần các vụ việc tranh chấp hiện đều giải quyết qua các cơ quan hành chính, dẫn đến sự quá tải cho hệ thống này. Về phía hệ thống pháp luật, chế tài xử phạt chưa đủ để răn đe, cũng như việc đình chỉ hoạt động sản xuất của DN gây ô nhiễm gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc DN xem thường pháp luật và có hành vi xả chất thải ra môi trường. Hệ quả của việc gây ô nhiễm môi trường đó là người dân bị ảnh hưởng, bức xúc và dẫn đến các hành động tự xử như ta thấy.
Cơ quan chức năng phải kịp thời, quyết liệt
Bộ TN-MT đang soạn dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Theo Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, dự luật quy định rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường, xử lý chất thải của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Xây dựng quy định rõ hơn về chức năng quản lý nhà nước của Bộ TN-MT và các bộ, ngành, địa phương; trong đó cấp trung ương tập trung xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện, quản lý địa bàn chủ yếu là trách nhiệm của các địa phương.
“Đặc biệt, điểm mới của dự luật là tăng cường vai trò và sự tham gia của người dân, của cộng đồng. Trong đó, xây dựng quy định về nguyên tắc xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong trường hợp xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường. Bộ TN-MT hy vọng việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) sẽ khắc phục tình trạng vi phạm và tranh chấp môi trường. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng tự xử của người dân đối với DN gây ô nhiễm môi trường, quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng nắm địa bàn” - ông Bùi Cách Tuyến cho biết.
Thu Sương thực hiện
No comments:
Post a Comment