ĐĂNG BỞI  - 
Tại nhiều khu vực và chợ biên giới ở Hà Giang, thương lái Trung Quốc tập trung mua... mầm cây thảo quả với giá cao bất thường, giao động khoảng 14 NDT/kg (khoảng 50.000 đồng, tăng gấp 3 lần so với thời gian trước).
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ban ngành trong tỉnh chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường quản lý, tuyên truyền người dân ở các xã, thôn, bản có diện tích trồng cây thảo quả, không vì lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển, và giá trị kinh tế cao mà thảo quả mang lại.
Trồng thảo quả không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn là cách để chúng ta bảo vệ rừng rất hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì thấy lợi trước mắt mà một số người dân đã tự thu lấy mầm thảo quả bán cho các thương lái Trung Quốc. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn giống, cũng như năng suất của cây thảo quả mang lại.
Còn nhớ, những năm 2006-2007, tư thương Trung Quốc sang Hà Giang thu mua thân, gốc cây chè cổ thụ San tuyết tại các huyện có loại cây chè này.
Người dân thấy giá cao, lợi trước mắt thì cứ hiển nhiên thu hoạch để bán. Còn nguyên nhân gì, tại sao thương lái Trung Quốc tự nhiên thu mua với giá cao như vậy thì không người dân nào biết.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, thảo quả là cây thân thảo sống lâu năm, mọc thành bụi, nếu khai thác mầm thảo quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh trưởng và phát triển của cây làm suy giảm khả năng đẻ nhánh, khóm thảo quả không còn sinh trưởng phát triển, tàn lụi và có thể chết.
Đồng thời làm mất phần thân ra hoa, tạo quả dẫn đến không có khả năng cho quả, ảnh hưởng đến nghiêm trọng đến năng suất.
Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đặc biệt khuyến cáo người dân không nên thu hái lấy mầm để bán.
Theo tính toán, thời điểm năm ngoái giá thảo quả sau khi thu hoạch, người dân bán được khoảng 29.000 đồng/1kg, một ha thảo quả nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn. Vậy mà hiện nay 1kg mầm thảo quả khoảng hơn 20 mầm (tương ứng 20 cây, nếu mầm lớn lên) mà người nông dân chỉ bán với giá 14 NDT (hơn 50.000 đồng).
Còn nhớ, những năm 2006-2007, tư thương Trung Quốc sang Hà Giang thu mua thân, gốc cây chè cổ thụ San tuyết tại các huyện có loại cây chè này. Thương lái thu mua với mục đích gì thì không ai biết.
Người dân chỉ biết giá trị trước mắt như vậy mà đã tự ý chặt hạ không thương tiếc nhiều cây chè cổ thụ bán cho thương lái. Để rồi sau đó nguồn thu nhập hằng năm từ những cây chè này không còn nữa. Người dân thì mất nguồn thu, còn với tỉnh thương hiệu chè San tuyết mất dần giá trị…
Việc mua mầm thảo quả với giá cao là sự việc “bất thường” của thương lái Trung Quốc. Sự “bất thường” đó không những diễn ra với mầm thảo quả trên địa bàn tỉnh ta mà còn diễn ra với nhiều loại cây nông nghiệp khác trên địa bàn cả nước.
Chẳng hạn như trong đầu tháng 2 vừa qua, tại tỉnh Vĩnh Long, thương lái Trung Quốc có nhu cầu thu mua lá khoai lang với giá cao hơn bình thường.
Khi đã cắt lá khoai lang đi rồi, năng suất thu hoạch củ khoai giảm 50%, thậm chí không có củ. Ngoài thiệt hại về giá trị kinh tế của người dân mà kéo theo nó còn những hệ lụy khác đó là tình trạng trộm cắp lá khoai lang, mầm thảo quả để bán, làm tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp…
Theo HGĐT
Chú thích ảnh: Thảo quả lên mầm, phát triển thành thân để cho hoa kết quả