Năm 2001, bà Nguyễn Thị
Yến, giáo viên ở phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận do nhà
đất bị chính quyền thu hồi, bồi thường trái luật, không “chấp hành” nên
bị cưỡng chế, bị xử lí luật, bị bắt giam, bị phạt tù. Mãn hạn tù bà lại
khăn gói ra Hà Nội kêu oan. Thực ra tiếng kêu của bà đã thấu “Thiên
đình” từ lâu nhưng quan thanh tra Chính phủ được cử về hình như đều bị
“bỏ bùa” nên bất lực hết. Thanh tra Chính phủ đã thông báo sẽ gặp bà vào
trung tuần tháng 2/2014. Lần giải quyết này dù kết quả đến đâu cũng
không thể bù đắp được mất mát vô cùng khủng khiếp của gia đình một cô
giáo già đó là hai đứa con gái bị bệnh tâm thần nặng do khiếp sợ sau
cuộc cưỡng chế 12 năm trước…
Sao bất công đến thế?
Vào năm 1986, cô giáo Nguyễn Thị Yến và
chồng là ông Tô Ngọc Tam (cán bộ Sở Xây dựng) được UBND xã Hàm Liêm đồng
ý, đã dùng hàng nghìn mét khối đất, lấp ao nước mặn 1.389m2 bên Quốc lộ
28 để lấy đất làm nhà. 15 năm sau, vùng đất trở nên trù phú, được nhập
vào TP Phan Thiết, gia đình bà Yến chưa kịp mừng thì bị thu hồi để xây
dựng KCN Phan Thiết nhưng không được giao quyết định thu hồi, không có
phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC). Điều này Thanh tra
Chính phủ (TTCP) đã thừa nhận trong nhiều văn bản. Gần 1.400m2 đất ở, sử
dụng từ năm 1986 (có đóng thuế nhà đất cho đến năm 2001), 4 căn nhà cấp
4, diện tích 164m2 cùng nhiều công trình kiến trúc, cây trồng có giá
trị kinh tế cao… chỉ được bồi thường 147 triệu đồng, trong khi được giao
100m2 TĐC, số tiền phải nộp là 150 triệu đồng đủ nói lên sự bất công.
Để có một mét vuông mặt bằng, bà Yến phải dùng không dưới 5m3 đất chuyển
từ xa đến, tốn nhiều tiền nhưng chỉ bồi thường 4.500 đồng/m2, trong khi
đất TĐC phải nộp 1,5 triệu đồng/m2. Nhà có 10 người (2 hộ), đất ở bị
thu hồi 1.389,5m2 mà đất TĐC chỉ được mua 100m2?
Bà Yến không phản đối bị Chủ tịch UBND
tỉnh quyết định xử phạt VPHC 1.750.000 đồng. Ngày 19/8/2002, Chủ tịch
UBND tỉnh kí quyết định cưỡng chế và 5 ngày sau lệnh này được thi hành.
Bốn căn nhà và toàn bộ tài sản trên thửa đất, kể cả cây trồng, nhiều vật
kiến trúc bị hủy hoại tan nát. Những đồ dùng thiết yếu như bàn ghế,
giường tủ, nồi niêu, bát đĩa kể cả bàn thờ… giá hàng trăm triệu đồng bị
thu giữ, mang đi. 12 năm rồi, nhà đất chưa được bồi thường, tài sản bị
thu giữ vẫn không trả lại… UBND tỉnh còn chỉ đạo kỉ luật bà Yến hạ hai
bậc lương, cảnh cáo ông Tô Ngọc Tam toàn ngành Xây dựng. Bà Yến khiếu
nại quyết liệt, UBND tỉnh tăng tiền bồi thường nhỏ giọt từ 147 triệu lên
152 triệu rồi 517 triệu đồng, bà Yến vẫn không nghe. Theo bà, đó không
phải là thu hồi, bồi thường đúng nghĩa mà là tước đoạt rồi “bố thí”,
trong khi tài sản của bà giá trị gấp hàng chục lần số tiền đó. Chỉ riêng
1.398 m2 đất ở cũng đã nhiều tỉ đồng. Năm 2009 mới 51 tuổi, bà giáo
Nguyễn Thị Yến buộc phải nghỉ hưu.
Ai gieo đau khổ cho gia đình bà Yến?
Ngày 1/12/2010, nghe nói có cán bộ Thanh
tra Chính phủ về giải quyết khiếu nại, bà Yến cùng nhiều người đến
phòng tiếp dân của tỉnh gửi đơn. Trong khi chờ đợi, bà ngồi ở ghế đá
công viên trước Trung tâm Hội nghị của tỉnh đọc báo thì bị Công an vô cớ
đến bắt. Mặc cho hàng chục người có mặt phản đối, bà Yến vẫn bị Công an
lôi đi. Mười người có mặt hôm đó đã kí đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy, cam kết
chịu trách nhiệm trước pháp luật là hôm đó bà Yến không hề phạm bất cứ
tội gì? Thì ra bà Yến bị bắt là do hai lần trước đi khiếu nại, bị Công
an lập biên bản và phạt VPHC mỗi lần 100.000 đồng nhưng bà không kí biên
bản, không nộp phạt (vụ bắt người khẩn cấp này sai với quy định của
pháp luật vì bà Yến không phạm pháp quả tang). Sau đó bà bị truy tố vu
cho tội gây rối trật tự công cộng, bị hai cấp tòa truyên phạt 2 năm tù
giam. Bà cho biết là đang nhờ LS tư vấn để khiếu nại hai năm tù oan này.
Đầu năm 2013 ra tù, bà lại tiếp tục ra
Hà Nội khiếu nại. Căn cứ chính sách hiện hành, bà Yến yêu cầu bồi thường
thiệt hại 7,8 tỉ đồng. Yêu cầu này là có căn cứ. Có tin trung tuần
tháng 2 này, Thanh tra Chính phủ sẽ về Bình Thuận gặp bà để giải quyết.
Nhiều người “kính nể” về khả năng chịu
đựng của bà Yến trước sự bất công khủng khiếp này? Nhưng bà không hóa
điên mà hai đứa con gái của bà đã hóa điên thay mẹ sau cuộc cưỡng chế
ngày 24/8/2002. Hôm đó, khoảng hai trăm cảnh sát, dân phòng, ba chó
nghiệp vụ cùng các phương tiện cơ giới chuyên dùng… kéo đến đập phá nhà
bà. Khi đó vợ chồng bà đi vắng chỉ có hai con gái lớn ở nhà: Một vừa tốt
nghiệp phổ thông, một vừa học xong lớp 11. Các cháu chứng kiến một cảnh
tượng hãi hùng quá sức chịu đựng, chưa từng thấy. Hai nữ sinh mới mười
bảy, mười tám tuổi đầu, lòng tự trọng, danh dự, nhân phẩm… bị xúc phạm
tồi tệ. Cha mẹ các cháu có tội gì, các cháu có tội gì, vì sao cả nhà bị
đối xử còn quá tội đồ như vậy? Ngày mai các cháu có dám nhìn mặt thầy
cô, bạn bè nữa không? Các cháu biết ăn nói sao đây với thầy cô, bạn bè
và xã hội? Từ sau vụ cưỡng chế cả hai cháu có nhiều biểu hiện khác
thường, mấy tháng sau thì cả hai đều bị ngây dại hẳn.
Thêm một tai họa
Thế là thêm một tai họa, một gánh nặng
khủng khiếp nữa đặt lên vai bà Yến. Một tay bà vừa dạy học để kiếm sống,
phục vụ chồng con như bao người đàn bà khác, phải đương đầu với chính
quyền tỉnh để đòi lại tài sản hợp pháp của mình bị tước đoạt, bà còn
phải săn sóc hai đứa con gái tội nghiệp quá sợ hãi cuộc cưỡng chế mà hóa
điên.
Ai đẩy gia đình bà Yến đến nông nỗi này?
Không ai khác có thể chỉ thẳng ra là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Tấn
Thành. Hình như ông Thành có ý hành hạ gia đình bà Nguyễn Thị Yến rồi để
hậu quả cho người kế nhiệm. Còn “nội các” đương nhiệm ở tỉnh Bình Thuận
thì dường như cho mình là vô can nên không chịu sửa? Vậy còn vai trò
lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Thuận thì sao?
Chúng tôi cho rằng ngoài việc giải quyết
bồi thường thỏa đáng theo quy định của pháp luật, cần phải xem xét phần
công sức bà Yến trong suốt 13 năm trời đi khiếu kiện đòi công lí. Một
việc không thể bỏ qua là phải xử lí kỉ luật những cán bộ tham mưu liên
quan đến vụ thu hồi, bồi thường, cưỡng chế gây hậu quả nghiêm trọng này
để những việc tương tự không còn tái diễn.
Trần Mỹ
No comments:
Post a Comment