Tuesday, February 18, 2014

Thành Phố Đà Nẵng "tố" Bộ Tài nguyên và Môi trường xem nhẹ lợi ích người dân!

SM- 18/02/2014     -Ngay sau khi Cục Quản lý Tài nguyên nước phản hồi về vấn đề xả nước sông Vu Gia trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là hoàn toàn hợp lý và theo đúng quy trình thì Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Đà Nẵng đã phản ứng quyết liệt.


Hạ du sông Vu Gia trơ đáy vào mùa cạn. Ảnh VTC
Theo VOV, sáng ngày 18/2, trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương sẽ có Công văn phản hồi ý kiến của Cục Quản lý Tài nguyên nước. Cũng theo ông Thắng, thành phố vẫn tiếp tục kiến nghị chứ chưa làm các thủ tục để kiện Bộ TN&MT. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho UBND TP để kiện cả Bộ lẫn thủy điện Đắk Mi 4 nếu cần thiết.
 
Hạn hán vì thủy điện
 
Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, các vấn đề về xả nước của Thủy điện Đắk My 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, việc thay đổi chuyển nước qua sông Quảng Huế... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (bao gồm cả thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên trên thực tế hàng năm Đà Nẵng phải gánh chịu hậu quả cực kỳ nghiêm trọng vì hạn hán, thiếu nước ngọt do chính thủy điện Đắk Mi 4 chặn dòng. Chưa tính đến những thiệt hại về kinh tê hậu quả về bệnh tật, mùa màng không thể đong đếm được thì chính sự thiếu nước đã dẫn đến việc Công ty Cấp nước Đà Nẵng đã buộc phải điều chỉnh tăng giá nước sinh hoạt do chi phí tìm kiếm nguồn nước khác bị đội lên tới hơn chục tỷ đồng.
 
Theo ông Thắng, Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 lấy mức khống chế mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, Quảng Nam là 2,53 m làm cơ sở vận hành. Và Dự thảo chọn mực nước này làm cao trình mực nước khống chế thì đồng nghĩa với việc “giết chết” các con sông ở hạ du mà cụ thể là hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái cạn kiệt”. Ngoài ra, với kinh nghiệm của một người làm công tác quản lý thủy lợi hàng chục năm, ông Thắng đã chỉ ra những bất cập của Dự thảo sẽ khiến gần 1,7 triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia lâm vào cảnh “khát nước”.
 
Vi phạm Luật Tài nguyên nước
 
Theo phân tích của Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố, Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ chứa thủy điện A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2  đã vi phạm nghiêm trọng các khoản 2, 5, 7, 8 của Điều 3 của Luật Tài nguyên nước.  Không chỉ vậy, việc Cục Quản lý Tài nguyên lập luận, sẽ gây thiệt hại cho thủy điện nếu xả nước trả lại sông Vu Gia theo đề nghị của Đà Nẵng là không thỏa đáng. Việc lấy số liệu theo Dự thảo, khiến nông nghiệp bị nhiễm mặn, gần 1,7 triệu người dân vùng hạ du sông Vu Gia phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Những tác hại từ quy trình vận hành liên hồ chứa các thủy điện phía thượng nguồn đã được Sở TN&MT Đà Nẵng thu thập và trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi có thể theo sự việc đến cùng, ông Thắng quả quyết.
 
 

No comments:

Post a Comment