SGTT.VN - Trong khi dịch cúm gia cầm H5N1, cúm A/H7N9… đang có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào nước ta bất cứ lúc nào thì người dân vẫn tỏ ra thờ ơ với dịch bệnh. Tại nhiều khu chợ, đặc biệt là chợ cóc ở Hà Nội việc buôn bán gà quê, gà nhà – theo giới thiệu của người bán – gà không kiểm dịch vẫn diễn ra.
Người dân thờ ơ
Tại chợ tạm trên phố Trần Quốc Hoàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội – chợ chỉ họp buổi sáng – hầu hết gà đều không có giấy kiểm dịch. Chị Xuyên, bán gia cầm, giới thiệu: chỉ bán hàng ở đây buổi sáng nên không mang quá nhiều gà. Mà cũng không có nhiều vì đây là gà nhà, gà người quen đảm bảo chất lượng. Mỗi ngày chỉ lấy được ít nên không có gà tồn, gà ốm, gà bệnh đâu!?
Dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát (ảnh minh họa).
|
Ngồi cách đó không xa, vài con gà để trong sọt sắt được người bán hàng giới thiệu là “gà ta chạy bộ”, gà nuôi nhốt… Khi hỏi giấy kiểm dịch người bán hàng lảng đi chuyện khác, chỉ nói đi nói lại: Gà ta chạy bộ của nhà cứ yên tâm ạ!
Cách chợ này không xa, phía sau chợ Nghĩa Tân là chợ cóc, chỉ họp vào buổi sáng là chính, một dãy bán gia cầm đều không có giấy kiểm dịch. Gà được nhốt trong lồng sắt, ai có nhu cầu giết mổ người bán hàng có sẵn nước nóng làm gà ngay tại chỗ. Gà mổ bằng tay không, không có cống thoát nước thải. Lông, chất thải được người bán thu vào túi nilông còn nước thải thiên nhiên đổ ra mặt đường.
Chim cút, chim bồ câu cũng được giết mổ tại chỗ như gia cầm. Hoan – bán chim câu, chim cút ở chợ cóc này đã năm năm nay – cho hay: chim được lấy trong làng mà ở khu vực đó không có dịch bệnh. Chứng kiểm dịch thú y không có đâu vì chợ tạm mà. Chợ họp tí buổi sáng thôi. Chim đảm bảo, con nào con nấy khoẻ thế này lấy đâu ra dịch bệnh.
Đó là lý lẽ của người bán còn người mua cũng tỏ ra phớt lờ. Bằng chứng là người mua vẫn có và hàng ngày lượng gia cầm, chim được bán gần như hết sạch. Quan sát tại các khu chợ này, người mua ghé vào, chọn gia cầm, trả giá và chờ người bán mổ mà không ai hỏi giấy kiểm dịch.
Dịch sát chân
Tại cuộc họp giao ban về dịch cúm gia cầm chiều 18.2, bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát lo lắng: các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ tại một số địa phương; đặc biệt do việc tái đàn mới, chưa có miễn dịch, nhất là trên thuỷ cầm. Đối với cúm A/H7N9, nguy cơ virút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) cũng nhận định Việt Nam, Lào và Myanmar là những nước có nguy cơ cao lây nhiễm vi rút cúm A/H7N9 từ Trung Quốc.
Ông Phạm Văn Đông, cục trưởng cục Thú y (bộ NN&PTNT) cho biết, mỗi ngày lại xuất hiện thêm nhiều ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên địa bàn cả nước. Đến ngày 18.2, cả nước đã có 11 tỉnh xuất hiện cúm gia cầm với 24 ổ dịch, làm mắc bệnh và chết hơn 50.000 con gia cầm. Tuy nhiên, chỉ có 5/11 tỉnh công bố dịch, còn lại chỉ có báo cáo lên cục Thú y. Ngoài ra, còn một số địa phương khác có xuất hiện dịch dưới dạng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nhưng đã được xử lý kịp thời.
Về diễn biến dịch cúm gia cầm trên người, Phó cục trưởng cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhận định, cả hai chủng virút cúm gia cầm H5N1 và H7N9 đều nguy hiểm, đáng sợ. “Dịch H5N1 đang nhãn tiền, đang xuất hiện tại các địa phương trong cả nước. Chưa đầy hai tháng đầu năm 2014 đã có hai trường hợp tử vong”.
LỆ HÀ
No comments:
Post a Comment