Khu vực chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) từ lâu nổi tiếng là chợ nhưng việc quản lý, giám sát chưa chặt chẽ.
Mua bán hóa chất ở chợ Kim Biên - Ảnh: Thanh Đông
|
Sáng 17.2, chúng tôi đến T.H ở chợ Kim Biên hỏi mua loại bột chế biến mì Quảng sao cho dẻo, lưu trữ lâu. Đưa một bịch bột có nhãn mác, chủ sạp giới thiệu là sản phẩm thay thế hàn the, được phép mua bán sử dụng, dùng chế biến chả giò, bún, mì Quảng, giá 145.000 đồng/bịch. Chủ sạp còn gợi ý nếu muốn mua loại tốt thì lấy loại 10 kg nhưng chia nhỏ mỗi bịch 1 kg, có thể dùng cho hơn 100 kg gạo, bảo đảm cọng mì dai, để lâu bao nhiêu cũng được. Nói xong, bà chủ lôi trong góc tủ ra bịch có bột màu trắng, không nhãn mác, ra giá 140.000 đồng. Hỏi xuất xứ hàng hóa từ đâu, bà chủ khăng khăng: “Bảo đảm hàng công ty, không phải hàng trôi nổi, khỏi lo”.
Một khách hàng tên Hiền, đến từ Q.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết anh thường mua hóa chất về ủ trái cây. Anh tiết lộ: “Hóa chất, phụ gia thực phẩm cái gì ở đây cũng có, từ hương liệu, nước cốt cà phê, chất tạo bọt, tạo dẻo, tạo mùi trong chế biến xà phòng, phẩm màu, chất tẩy rửa, chất làm mềm vải... Vấn đề là giá cả thế nào giữa các sạp mà thôi”.
Ngoài các sạp trong khu vực lồng chợ, dọc theo đường Kim Biên, Vạn Tường có rất nhiều cửa hàng kinh doanh hóa chất công nghiệp... không rõ nguồn gốc.
Bà Lưu Thị Kim Nhung, Trưởng ban Quản lý chợ Kim Biên, thừa nhận: “Việc kiểm tra, giám sát chúng tôi có làm nhưng không xuể bởi chỉ có một cán bộ phụ trách, trình độ lớp 12, chẳng có chuyên môn nên không thể biết họ bán hóa chất đó là gì”.
Trong khi đó, về quản lý các hộ kinh doanh hóa chất bên ngoài chợ Kim Biên, Phó chủ tịch UBND P.13 (Q.5) Trương Bích Vân cho biết: “Hiện có 48 hộ kinh doanh hóa chất ngoài khu vực chợ. Với các cơ sở này, quận, phường thường xuyên lập đoàn kiểm tra, mỗi tuần một lần”. Cũng theo bà Vân, qua kiểm tra, ghi nhận sai phạm thường gặp nhất là các hộ không phân loại, ghi nhãn hóa chất và kinh doanh hóa chất nguy hiểm nhưng không có giấy chứng nhận. Để giải quyết tình trạng mua bán hóa chất tràn lan ở chợ Kim Biên, nhất là các hóa chất công nghiệp nhưng được mua về sử dụng chế biến thức ăn, bà Trương Bích Vân nhận xét: “Theo tôi, cần quy hoạch lại, chẳng hạn tập trung việc kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm thành siêu thị hoặc khu vực chuyên biệt. Việc mua bán đều có chứng từ, hóa đơn. Như thế, vừa bảo đảm quản lý người bán lẫn người mua, triệt tiêu được hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu”.
Thanh Đông - Bùi Chiến
No comments:
Post a Comment