Người ta đồn rằng, bản Sín Chải, xã Nậm Pung, huyện
Bát Xát, Lào Cai đang bị một “lời nguyên” mang tên “chó đá” trừng phạt
khiến những người đàn ông nơi đây “đoản mệnh” khi tuổi đời còn rất trẻ.
Cũng từ lâu, người ta gọi Sín Chải
bằng cái tên buồn đến thê lương – “Bản mồ côi”, bởi lẽ mảnh đất này có
nhiều trẻ mồ côi, nhiều phụ nữ góa chồng…
Ám ảnh những đứa trẻ côi cút trong giá lạnh
Nghe thông tin về cái bản xa lắc, xa
lư, giáp với điểm “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” ấy, “máu” nghề
lại trỗi dậy, thúc giục chúng tôi vác balo lên đường. Chuyến đi này,
không đơn giản chỉ vì trí tò mò của bản thân mà là việc lý giải cặn kẽ
căn nguyên của lời nguyền ghê rợn ám ảnh bà con dân tộc Hà Nhì, giúp bà
con ổn định cuộc sống.
Con đường tỉnh lộ 155 và 156 nối dài
từ khu du lịch Sapa đến xã A Mú Sung (Bát Xát) đang trong giai đoạn mở
rộng nên đất đá lởm chởm. Hôm chúng tôi đi, cả đoạn đường đặc quánh bùn
đất, sương mù bao phủ, đi lại hết sức khó khăn. Đi suốt chặng đường hơn
50km, từ Sapa đến xã Nậm Pung, hiếm hoi lắm chúng tôi mới gặp vài người
địa phương đi làm trên nương về.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về bản
Sín Chải là cảnh nghèo khó với những mái nhà đắp đất, thấp lè tè, nằm
buồn thiu ven đường. Những đứa trẻ ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu, ngồi co
ro, buồn thiu bên chái nhà. Vài cụ già ngồi bên bậu cửa, đưa ánh mắt vô
định vào không trung. Thậm chí, dù chúng tôi lại gần, mọi người cũng
chẳng tỏ bất cứ thái độ gì. Tạt xe vào vài gia đình với ý định hỏi
chuyện, ngoài sự trống vắng, nghèo khó, thiếu hơi ấm người thì chúng tôi
chẳng tìm được ai có thể trò chuyện được.
Chiều xuống nhanh, mới ngoài 5h, bản
Sín Chải đã chìm nghỉm trong sự cô tịnh. Hiếm hoi lắm, bên gian bếp ở
đây mới có khói lửa nấu ăn. Cái nghèo, cái đói nơi đây ám ảnh chúng tôi
đến nhói lòng khi chứng kiến những đứa trẻ với đôi chân trần, rón rén
trên con đường đầy đá nhọn, gai đâm, máu chảy đỏ chân, nước mắt hòa
chung nước mũi. Có lẽ vì quá chua xót cho hoàn cảnh của những đứa trẻ
nơi đây nên một nữ đồng nghiệp của tôi đã phải thốt lên rằng: “Dép của
những đứa trẻ ở Sín Chải chính là lớp da chân đã dày lên cùng với tuổi
đời của chúng”.
Sau vài vòng lượn quanh hỏi han, cuối
cùng chúng tôi cũng tìm gặp được ông Phú A Xì, Trưởng bản Sín Chải. Khi
được hỏi về tình hình của địa phương, ông Xì chỉ thở dài não nề: “Chẳng
hiểu vì sao đàn ông ở đây lại cứ chết một cách đột ngột, bí ẩn đến thế.
Cũng không biết vì sợ khổ hay vì sợ chết theo chồng mà nhiều người phụ
nữ nơi đây cũng đành lòng vứt lại những đứa con côi cút sống một mình…”,
Nói rồi, ông Xì giọng buồn buồn, tay run run lần dở từng trang sổ còn
thơm mùi giấy nhưng chi chít chữ bảo: “Trong năm 2013, ở bản Sín chải có
28 hộ, thì có đến 13 người đàn ông chết trẻ. Ở đây là thế, đàn ông chỉ
cần sống đến 50 tuổi thì đã được coi là trường thọ rồi. Những đứa trẻ mồ
côi cha mẹ ở đây, sống thì biết sống thôi, chứ chúng chẳng ước mơ gì
cái tương lai tươi đẹp gì đó”.
Muốn cho khách biết được cái “tai
ương” đang đổ lên đầu người dân bản Sín Chải này đau đớn như thế nào,
ông Xì vội dẫn chúng tôi đi. Gia đình đầu tiên mà chúng tôi gặp gỡ là 5
anh em nhà Sần Mờ Be, bố chết hơn một năm trước, mẹ cũng bỏ đi ngay sau
đó. Nơi trú ngụ của các em không thể gọi là nhà, mà là túp lều bục lỗ
chỗ khắp nơi, được vá chẳng và đụp bằng những tấm bạt rứa rách bươm, gió
từ bên ngoài rít qua kẽ hở, lạnh tê tái. Bên bếp lửa đã tàn tro, chúng
tôi thấy 4 đứa trẻ đang nằm co quắp, run bần bật trong đống quần áo cũ
kỹ, hôi hám!
Đến Sín Chải, chúng ta đa phần bắt gặp trẻ con và người già |
Biết có khách đến, Sần Mờ Bia (14
tuổi), nói như khóc: “Anh Be đi mấy tháng nay chưa về. May mà chúng cháu
được cán bộ xã hỗ trợ cho 4 anh em số tiền 600.000 đồng một tháng nên
mới có gạo mà ăn. Cháu chỉ mong anh Be nhanh mang tiền về sửa lại cái
nhà, không thì mỗi lần có gió lớn, cháu lại sợ đổ nhà, đè chết mấy anh
em cháu…”.
Cách nhà Sần Mờ Bia không xa là hoàn
cảnh của ba anh em nhà Lý Suy Da (15 tuổi) cũng chẳng khá hơn là bao. Ba
anh em nhà Da đang sống cùng nhà người chú ruột nghèo khó với ông nội
đang mắc bệnh nặng. Được biết, bố Da chết cách đây vài năm. Chưa hết
tang chồng, mẹ cháu đã theo người khác, bỏ đi biệt tích, quên luôn cả
những đứa con nhỏ bé, quay quắt trong đói rét.
Theo ghi nhận của chúng tôi, ở bản Sín
Chải này, không chỉ gia đình em Bia, em Da phải chịu cảnh côi cút, khổ
sở như thế. Mà còn nhiều lắm những phận đời đáng thương, đang phải gồng,
phải chống chọi trong cái đói, cái rét, trong nỗi sợ hãi về lời nguyền
“chó vua báo oán”, “mảnh đất nhiễm độc” hay “bản nát rượu”…
Câu chuyện về những cái chết đột ngột
của đàn ông ở Sín Chải xảy ra trong suốt một thời gian dài, khiến người
dân nơi đây hết sức hoang mang. Không lý giải được điều lạ lùng ấy, bất
cứ giả thiết nào được đưa ra, người dân cũng đều coi đó là sự thật hết.
Chết vì lời nguyền hay vì… rượu?
Theo đó, khi tìm hiểu nguyên nhân dẫn
đến tình trạng đàn ông nơi đây thường chết khi chưa kịp đi hết nửa cuộc
đời, chúng tôi đã nghe, được dẫn đi kiểm chứng nhiều thông tin. Đó là
chuyện dưới lớp đất đen kịt mỏng dính là vỉa đất màu trắng tinh như vôi,
tơi xốp mà chỉ Sín Chải này mới có. Điều đặc biệt của loại đất này là
có thể đốt cháy và sơn nhà. Chẳng thế mà, người dân Sín Chải đã không ít
lần phải giật mình sợ hãi khi nghe thấy tiếng nổ lớn, kèm với đó là cột
lửa từ lòng đất phụt thẳng lên, cao hơn cả nóc nhà.
Một góc bản Sín Chải |
Theo lãnh đạo địa phương, nhiều nhà
khoa học đã về lấy mẫu đất đi xét nghiệm, nhưng vẫn chưa đưa ra được
nguyên nhân khiến nhiều người đàn ông nơi đây chết trẻ như thế. Nên
người dân còn đồn đại rằng vùng đất này nhiễm cả chất phóng xạ. Rồi cả
việc người ta thêu dệt nên câu chuyện về “chó vua” báo oán vô cùng ghê
rợn.
Ông Xì và những người dân địa phương
kể lại câu chuyện “diệt chó vua” cho chúng tôi một cách hết sức ly kỳ,
nhuốm màu sắc liêu trai. Chuyện là, trên đỉnh núi cao chót vót mang tên
“chó vua”, người dân phát hiện một con vật bằng đá có hình thù kỳ quái,
ghê rợn, nên từ lâu chẳng ai dám bén mảng đến. Cũng không biết lời đồn
thổi từ đâu cho rằng, sở dĩ có chuyện đàn ông chết trẻ nhiều như thế là
do “chó đá” đã thành “tinh”, nên rất thích ăn thịt trẻ con và đàn ông.
Câu chuyện khó tin, đầy chất mê tín dị đoan ấy đã khiến người dân Sín
Chải tổ chức một cuộc họp để “diệt trừ yêu tinh”. Cuộc họp hôm ấy thu
hút được đông đảo người dân, bởi ai cũng háo hức ra xem những cao niên
trong vùng bàn cách “diệt ma”, bảo vệ dân thế nào. Nhiều phương án đã
được đưa ra để “trấn yểm chó đá”. Nhưng cuối cùng mọi người chọn cách
đặt mìn, cho nổ tung tảng đá ấy.
Việc chọn người đặt mìn không khó, bởi
hầu hết thanh niên trong vùng đều hào hứng xung phong. Mìn được kích
nổ, “yêu tinh tan xác” trước sự vui mừng của người dân. Nhưng, chỉ ít
ngày sau, những người đàn ông vẫn chết trẻ một cách bí ẩn, như chưa từng
có việc “diệt ma”.
“Dù chưa có kết quả chính thức của các
nhà khoa học về những cái chết trẻ bất thường ở bản Sín Chải, nhưng
theo tìm hiểu của chúng tôi thì không có chuyện lời nguyền hay “chó đá”
về bắt người gì cả. Cũng chẳng thể nói rằng đó là do lòng đất nhiễm độc
hay có chất phóng xạ anium. Bởi, nếu đúng là có chất độc, thì phụ nữ và
trẻ con ở đây cũng phải mắc bệnh, chết cùng chứ, sao lại chỉ có đàn ông
mới vậy?. Tôi nghĩ rằng, nguyên nhân dẫn đến việc này là do mọi người
nghiện rượu nên mới thế”, ông Tẩn Sài Chiêu – Bí thư Đảng ủy xã Nậm Pung
lý giải.
Lời giải thích của ông Chiêu có vẻ
thuyết phục bởi theo tìm hiểu của phóng viên, đàn ông nơi đây thường
uống rượu rất nhiều. Cái ăn thiếu, nhưng chẳng mấy nhà ở đây là không có
lò nấu rượu. Lò nấu rượu gần như lúc nào cũng đỏ lửa, nhưng vẫn không
đủ cho người dân uống. Không chỉ uống say trong 3 ngày Tết Cò Nhẹ Chà
(Tết của người Hà Nhì), mà hầu như ngày nào, đàn ông thanh niên nơi đây
cũng uống rượu. Cứ triền miên đắm chìm vào những cơn say khiến sức khỏe
của họ suy sụp nhanh chóng. Việc lâm trọng bệnh, rồi qua đời âu cũng là
điều điều dễ hiểu!
Theo Giadinhvn
No comments:
Post a Comment