Tuesday, February 18, 2014

Tại sao người ta thích sử dụng bạo lực?

“…Thầy cô đánh học trò. Hành hạ trẻ em và bạo lực trong gia đình. Nhiều nghi phạm bị công an tra tấn chết. Một cái nhìn bị cho là đểu cũng có thể bị đánh chết. Những sự kiện ấy đặt ra cho chúng ta câu hỏi: ''Nước chúng ta đã là nước văn minh và đầy tình người như những chính sách của đảng và nhà nước đề ra chưa?''…”
 
Bạo lực là một hành động không có được sự đồng thuận trong xã hội. Người này bác bỏ hoàn toàn bạo lực dưới bất kì hình thức nào, ở bất kì đâu và bất kì lúc nào. Người khác lại cổ võ bạo lực và cho bạo lực là hợp pháp và cần thiết như để tự vệ. Để làm sáng tỏ: lấy thí dụ về trường hợp bạo lực được sử dụng ở Gaza giữa Do thái và Hamas vào cuối năm 2008 làm cho cả ngàn người Palestine mà hơn nửa là thường dân và 13 người Do thái mà đa số là binh lính bị thiệt mạng. Dư luận thế giới về việc sử dụng bạo lực này rất khác nhau. Người này cho rằng việc sử dụng bạo lực ấy là hợp lí. Người khác thì cho là không được. Trong cuộc tranh đấu để xây dựng dân chủ cũng vãy. Người phản đối sử dụng bạo lực kêu gọi tranh đấu bất bạo động và đưa ra nhiều lí do để phản bác như bạo lực chỉ gây thêm hận thù và đổ vỡ. Người ủng hộ bạo lực kêu gọi tranh đấu bạo động và cũng đưa ra nhiều lí do để ủng hộ như chỉ có bạo lực mới làm người ta sợ và thay đổi.
Tại sao người ta thích sử dụng bạo lực là một câu hỏi lớn mà nhiều triết gia đã suy nghĩ nát óc trong nhiều thế kỉ để tìm câu trả lời. Cho tới nay triết học cũng như khoa học chưa có được sự đồng thuận về câu trả lời cho câu hỏi này. Vì vậy hiện nay chưa có một lí giải thống nhất về việc thích sử dụng bạo lực. Tuy nhiên cũng hữu ích để xem xét một cách ngắn gọn ba lí giải về việc thích sử dụng bạo lực đang thịnh hành.
Lí giải thứ nhất dường như đơn giản nhất. Đó là lí giải bạo lực như là phương tiện. Hoặc người ta sử dụng bạo lực vì nó có kết quả. Theo quan niệm này bạo lực chủ yếu được xem như là phương tiện để đạt tới mục đích. Các mục đích đó rất khác nhau về bản chất: từ sống còn đến làm giàu, từ đàn áp đến giải phóng, từ trừng phạt tới báo thù. Cả việc truyền bá niềm tin (chính trị) bạo lực cũng thường được sử dụng như là phương tiện. Như trường hợp cuộc chiến giữa Do thái và Palestine ở Gaza nói trên, những người coi bạo lực là phương tiện sẽ dễ dàng cho rằng bạo lực ở Gaza là để nhằm phục vụ các mục đích như đối với người Palestine để chấm dứt việc chiếm đóng của Do thái hoặc ngược lại đối với người Do thái để chấm dứt việc tiêu diệt quốc gia Do thái của người Palestine.
Bao lâu loài người còn tồn tại thì bạo lực vẫn còn là phương tiện được nhiều người ưa chuộng. Sự ưa chuộng này có được là do hiệu quả của nó lớn. Bởi vì như nhà triết học Mĩ gốc Đức Hannah Arendt (1906-1973) đã lưu ý trong tập tiểu luận On violence (Về bạo lực, 1970):''Từ nòng súng là lệnh hiệu quả nhất, kết quả là sự vâng phục thường là ngay lập tức và trọn vẹn''. Nhưng Arendt cũng cảnh cáo là ở đây không nên nhầm lẫn hiệu quả của bạo lực với quyền lực. Cũng theo bà Arendt, sử dụng bạo lực không tự động đưa đến quyền lực mà trái lại bạo lực thậm chí còn mâu thuẫn với quyền lực. Vì, như bà viết: ''Ở đâu người này hoàn toàn thống trị thì người khác vắng mặt''. Quyền lực, theo bà Arendt, chính là khả năng hành động tập thể của một nhóm người - qua trung gian một người tự đứng ra lãnh đạo hay không. Bà Arendt nói: ''Bạo lực chỉ có thể hủy diệt khả năng này - quyền lực - mà không bao giờ có thể tạo ra''. Thật vậy, từ nòng súng không bao giờ phát triển được sự đồng thuận. Bạo lực trước hết gây chia rẽ hơn là tạo ra khả năng hành động tập thể.
Sự phân biệt giữa quyền lực và bạo lực có thể giải thích tại sao nhiều người coi những cuộc tấn công của Hamas là những cuộc tấn công khủng bố, trong khi các cuộc tấn công của Do thái lại cho là để tự vệ: Do thái là một nhà nước được tổ chức dân chủ với một đội quân cao cấp, có quyền lực hơn những người Palestine không quốc tịch và chia rẽ sâu sắc. Nói cách khác, bạo lực của Hamas bắt nguồn từ sự bất lực (các chiến đấu quân cá nhân) nhằm làm suy yếu quyền lực (tổ chức) của Do thái và do đó được coi là bạo lực. Ngược lại, bạo lực bắt nguồn từ quyền lực (hành động tập thể) của Do thái, với mục đích bảo vệ quyền lực (nhà nước Israel) - và vì vậy trước hết được xem là hợp pháp.
Sau lí giải bạo lực như là phương tiện là câu trả lời thứ hai phức tạp hơn về việc tại sao sử dụng bạo lực. Đó là lí giải bạo lực vì ý thức hệ. Ở đây bạo lực cũng là một phương tiện nhưng để đạt được một lí tưởng nào đó, thường là để thiết lập một xã hội không tưởng. Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo thường được xem như là một bạo lực ý thức hệ có mục đích thực hiện một trật tự thế giới Hồi giáo. Nhưng các nhà phê bình coi chủ nghĩa Zionism của người Do Thái, với lý tưởng một nhà nước Do Thái, cũng là bạo lực xuất phát từ động cơ ý thức hệ. Bạo lực ý thức hệ theo định nghĩa không nhất thiết phải lấy cảm hứng từ tôn giáo: cuộc Cách mạng Pháp (1789-1799), nhân danh lí tưởng Khai sáng của phương Tây, đã làm mười ngàn người thiệt mạng; chế độ cộng sản thế tục ở Liên Xô đã hi sinh hàng triệu người để thực hiện xã hội không giai cấp không tưởng của Karl Marx và ở Việt nam chủ nghĩa công sản với bạo lực ý thức hệ cũng đã hi sinh hàng triệu sinh mạng để xây dựng một xã hội tư bản đỏ với vỏ bọc cộng sản nửa vời. Trong thời gian gần đây là các cuộc chiến tranh của Hoa kì ở Iraq và Afghanistan với lí tưởng dân chủ hoá các nước này. Trớ trêu thay, việc triển khai bạo lực ý thức hệ thường là để đi đến một xã hội phi bạo lực, hoặc như nhà triết học Hy Lạp Aristotle đã từng diễn tả thật sâu sắc: ''mục đích của chiến tranh là hòa bình''.
Lí giải thứ ba là câu trả lời có nhiều tranh cãi về việc thích sử dụng bạo lực. Đó là lí giải sinh học về bạo lực. Hoặc bạo lực nằm trong bản chất của con người. Bởi vậy Tuân Tử mới nói ''nhân chi sơ tính bản ác''. Quan niệm này chúng ta thấy ở Thomas Hobbes, người đã mô tả tình trạng tự nhiên của loài người như là một cuộc chiến tranh của ''tất cả chống lại tất cả''. Trong triết lí của Friedrich Nietzsche người ta cũng thấy quan điểm này: ông coi con người như là hoàn toàn được quy định bởi ''ý muốn có quyền lực'' - một mong muốn tự nhiên để thống trị người khác. Lí giải sinh học cũng phù hợp với quan điểm của Darwin về con người, trong đó bạo lực có thể được xem như là một phần tự nhiên của survival of the fittest (sự sống sót của các động vật và thực vật thích nghi tốt nhất của chúng ta). Dầu vậy cũng đã có nhiều nhà tư tưởng cho rằng bất bạo động là bản chất của con người. Như Khổng Tử, hơn 2500 năm trước, đã nói ''nhân chi sơ tính bản thiện'' và được Mạnh Tử triển khai thêm sau đó. Thật vậy, con người khác với động vật, ở chỗ có thể chế ngự được sự kích động của bạo lực và giải quyết xung đột trong sự hòa hợp, thông qua hợp tác.
Sử dụng bạo lực có phải là bản tính tự nhiên của con người hay không, còn đang được tranh cãi kịch liệt. Ở các trang mạng tiếng Việt, hiện nay cũng đang có những bài viết về nhân chi sơ tính bản thiện hay tính bản ác1. Nhưng thực tế cho thấy lịch sử nhân loại cho đến ngày hôm nay ướt đẫm máu. Tuy nhiên, đặc biệt là ở phương Tây, sự ghê tởm bạo lực đã gia tăng đáng kể trong hai trăm năm qua. Nó đã được sử dụng rộng rãi trước đây để trừng phạt bọn tội phạm bằng bạo lực - thông qua thiêu, chém, treo cổ hoặc tra tấn. Việc xử tử tội phạm thậm chí còn là một hình thức vui chơi giải trí công cộng. Nhưng phản ứng chống lại bạo lực như vậy càng ngày càng gia tăng đã đưa đến việc vào thế kỷ thứ mười tám xử tử công khai được thay thế bằng kỷ luật và giam giữ như vẫn còn phổ biến hiện nay.
Cả về giáo dục, một số nước trên thế giới đặc biệt là phương Tây đã coi bạo lực là điều cấm kị. Những cú gõ nhẹ để sửa chữa trẻ con cũng không được phép. Bạo lực trong gia đình và hành hạ trẻ em bị xử phạt nặng. Cả về mặt truyền thông bạo lực cũng là điều cấm kị. Hàng ngày tràn ngập tin tức về bạo lực và chiến tranh nhưng những hình ảnh thì không thấy. Nếu có những hình ảnh minh hoạ thì giống như phim chỉ thấy những đoàn xe tăng chạy hoặc những dàn hoả tiễn bắn từ xa. Điều đó có liên hệ tới mức độ bao dung của người xem. Người ta không chịu đựng được các hình ảnh bạo lực và chiến tranh. Nếu chiếu những hình ảnh thực về bạo lực và chiến tranh như xảy ra tại chỗ có thể làm cho nhiều người sợ hãi và khóc. Thực tế này cho thấy ghê sợ bạo lực đang trở thành nếp sống ở các nước văn minh và đấy tính nhân văn.
Ở Việt nam cũng có luật phòng, chống bạo lực gia đình2. Nhưng hàng ngày vẫn tràn đầy tin tức về bạo lực. Thầy cô đánh học trò. Hành hạ trẻ em và bạo lực trong gia đình. Nhiều nghi phạm bị công an tra tấn chết. Một cái nhìn bị cho là đểu cũng có thể bị đánh chết. Những sự kiện ấy đặt ra cho chúng ta câu hỏi: ''Nước chúng ta đã là nước văn minh và đầy tình người như những chính sách của đảng và nhà nước đề ra chưa?''.
Trần Bảo Lộc
(Lâm Đồng 17/02/2014)

No comments:

Post a Comment