ĐẤT VIỆT- 18/02/2014 -EVN không được góp vốn đầu tư vào BĐS, ngân hàng, chứng khoán...
Theo dự thảo nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vừa được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến, thì EVN có thể không được đầu tư vào nhiều lĩnh vực.
Dự thảo có quy định nêu rõ: EVN không được góp vốn, phát hành trái phiếu đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
EVN bị cấm đầu tư vào BĐS, ngân hàng, chứng khoán |
Tại điều 10 của quy chế quy định EVN được quyền sử dụng vốn của EVN để đầu tư ra ngoài các ngành nghề kinh doanh được quy định trong điều lệ tổ chức hoạt động của EVN, nhưng đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động.
EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con, từ các công ty con của doanh nghiệp cấp 2 và các cấp tiếp theo, các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hoá các đơn vị của EVN.
EVN không được đầu tư hoặc góp vốn với các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, ban tổng giám đốc và kế toán trưởng của Tập đoàn.
Vẫn theo quy chế thì việc bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp thành viên hoạt động kinh doanh ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của EVN chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo nghị định cũng đưa ra một số ràng buộc liên quan đến vốn của EVN. Như, việc huy động vốn của EVN phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của EVN không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN.
Hay, EVN không được phát hành trái phiếu để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.
Liên quan tới cơ chế tiền lương, EVN phải tuân theo quy định của pháp luật lao động trên nguyên tắc mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động.
Còn tiền lương đối với viên chức quản lý chuyên trách gồm thành viên hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên, gắn với kết quả sản xuất kinh doanh và kết quả quản lý điều hành hoặc kiểm soát và có khống chế mức thưởng tối đa.
Về giá bán lẻ điện, theo dự thảo giá bán lẻ điện được điều chỉnh theo sự biến động của các yếu tố đầu vào và theo cơ chế thị trường; nguyên tắc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh giá bán lẻ điện thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cho đến đầu tháng 12, thông tin về số vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước mới được hé lộ. Theo ông Lê Hoàng Hải - phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến thời điểm cuối tháng 9 tổng số vốn đầu tư ngoài ngành gần 21.800 tỷ đồng, nhưng số vốn đã được thoái trong hai năm qua chưa đạt 20%, tương ứng với 4.164 tỷ đồng.
Trong số các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư ngoài ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dẫn đầu khi đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng vào chứng khoán, tài chính, bất động sản….
Theo đề án, tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) phê duyệt, đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành việc thoái vốn tại 6 đơn vị, trong đó có 3 công ty trong ngành tài chính và 3 công ty thuộc lĩnh vực bất động sản: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ; CTCP Chứng khoán An Bình (ABS); CTCP Bảo hiểm Toàn cầu (GIC); CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina (LandSaiGon); CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung (EVNLand); CTCP Đầu tư và xây dựng Điện lực Việt Nam (EVNIC).
Tuy nhiên, EVN mới thoái vốn tại 2 đơn vị trong 6 đơn vị bắt buộc phải thoái với 2% và 5,25% ngoài ra EVN cũng tiến hành thoái vốn và bàn giao quyền điều hành tại các công ty đang niêm yết tuy nhiên việc này còn mang tính nội bộ khi vốn cổ phần chỉ xoay vòng giữa các công ty “mẹ” và “con”.
Tính đến hết năm 2013, EVN vẫn còn vốn đầu tư tại 7 công ty ngoài ngành tổng cộng là 2.072,2 tỉ đồng, bao gồm: 3 công ty thuộc lĩnh vực bất động sản và 4 công ty thuộc lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm.
No comments:
Post a Comment