ĐĂNG BỞI DUYÊN DUYÊN -
Trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, giá sữa liên tục tăng trong thời gian gần đây đã chứng minh công tác điều hành, quản lý của Nhà nước không hiệu quả. Ông cũng đặt ra nghi vấn, đây là sự buông lỏng hay là sự bất lực của cơ quan chức năng?
Giá sữa đã liên tiếp tăng trong nhiều tháng qua và tiếp tục tăng thêm 7 - 15% từ ngày 1.3 tới. Ông có suy nghĩ gì về việc tăng giá lần này?
Điều này thể hiện sự quản lý của Nhà nước không hiệu quả. Mặc dù Nhà nước đã ban hành rất nhiều văn bản, chỉ thị nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống, không có hiệu quả thực sự. Vậy chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân của nó là từ đâu? Là sự buông lỏng hay là Nhà nước không có khả năng quản lý? Nếu là buông lỏng thì phải như thế nào? Và nếu bất lực thì phải như thế nào? Phải xoay quanh vào 2 vấn đề này.
Thực tế, Cục Quản lý giá đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai giá bán, tuy nhiên giá sữa vẫn tăng. Vậy, đây có phải là sự bất lực của cơ quan quản lý không, thưa ông?
Sữa là mặt hàng Nhà nước không định giá, bởi vì đây không phải là sản phẩm độc quyền. Trong nền kinh tế thị trường, với những sản phẩm nào Nhà nước không độc quyền thì Nhà nước không được định giá. Còn sản phẩm nào ở trên thị trường còn có sự cạnh tranh thì phải để cho thị trường quyết định.
Sữa là 1 trong 14 mặt hàng Nhà nước bình ổn. Vậy tại sao thời gian vừa qua vẫn xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp tăng giá vô tội vạ? Về nguyên tắc quản lý đối với một mặt hàng mà Nhà nước không định giá thì như thế nào?
Nhà nước đã bắt đầu yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai, đăng ký giá. Vậy các doanh nghiệp và kể cả cơ quan quản lý đã làm đúng chức năng đó chưa? Việc đăng ký, kê khai giá của các doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý giám sát và đảm bảo là đăng ký, kê khai chính xác hay chưa? Mỗi một lần tăng giá, lý do đưa ra có thỏa đáng hay không?
Hiện nay, các doanh nghiệp muốn tăng mà Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) bảo không được, lý do đưa ra không được, nhưng các doanh nghiệp vẫn tự ý tăng thì giải pháp như thế nào? Đó là một loạt các câu hỏi được đặt ra và cơ quan quản lý cần phải giải quyết.
Một lãnh đạo của Cục Quản lý giá từng cho biết, việc quản lý giá sữa hiện nay là rất khó khăn và phức tạp vì không kiểm soát được giá nhập vào của các doanh nghiệp. Và khi kê khai ở Hải quan cũng rất khó xác định được đó có phải là giá chuẩn hay không. Ông có ý kiến gì về việc này?
Kể cả Cục Quản lý giá hay Cục Hải quan đều thuộc Bộ Tài chính. Cho nên Cục Quản lý giá cần phải có biện pháp, có sự phối hợp với Hải quan để quản lý giá sữa cho hợp lý. Còn cùng một Bộ mà ông nào cũng chỉ biết làm việc của mình thôi thì không được. Để làm cơ sở cho Cục Quản lý giá có thể giám sát tốt giá đầu vào thì Cục Hải quan phải làm những gì, Cục Quản lý giá cần phải yêu cầu cụ thể. Còn nếu một trong hai Cục chưa làm tròn trách nhiệm thì phải báo cáo lên Bộ trưởng. Còn nếu hai Bộ khác nhau chưa thống nhất thì phải tiếp tục báo cáo lên Thủ tướng.
Trước những đợt tăng giá sữa chóng mặt như hiện nay, không ít người tiêu dùng cảm thấy hoang mang, lo lắng. Vậy, ông có lời khuyên nào với người tiêu dùng vào thời điểm hiện nay?
Có một câu nguyên lý rất vớ vẩn là "người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông thái". Nhưng mà muốn thông thái thì còn phải phối hợp với các cơ quan chức năng, để cơ quan chức năng có những biện pháp. Đồng thời, có một việc cơ bản nhất là Bộ Tài chính, Bộ Y tế phải lập một trang web về giá sữa, trên cơ sở để người tiêu dùng và các cơ quan biết được những thông tin về giá cả mặt hàng sữa trong nước và giá các mặt hàng sữa trên thế giới, thông qua đó có sự so sánh.
Hiện nay, thời đại công nghệ thông tin bùng nổ thì có thể làm được việc đó. Căn cứ vào giá, căn cứ vào chất lượng, một khi có sự tăng giá đột biến thì cơ quan chức năng phải thổi còi, còn người tiêu dùng phải tẩy chay, chứ không đơn giản là sự lựa chọn thông minh nữa.
Khi cơ quan chức năng, người tiêu dùng và cả các phương tiện truyền thông cùng lên tiếng tẩy chay thì sẽ đảm bảo được sự liêm minh. Còn khi chỉ có sự lên tiếng một phía thì chưa thể kiểm soát giá tốt được.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên
No comments:
Post a Comment