Monday, August 4, 2014

Trung Quốc tuyên bố 'xây bất cứ cái gì ở Biển Ðông'

BẮC KINH (NV) - Trung Quốc có thể xây bất cứ gì họ muốn tại các đảo ở Biển Ðông, một viên chức cấp cao của Trung Quốc nói như thế hôm Thứ Hai.



Bãi đá ngầm Gạc Ma mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988. Hiện Trung Quốc đang bơm cát lên biến nó thành đảo nhân tạo. (Hình: SCMP)

Lời tuyên bố này được đưa ra chỉ ít ngày trước cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN diễn ra ở Miến Ðiện, chống lại một số đề nghị từ Mỹ và Philippines muốn các nước tranh chấp Biển Ðông ngừng tất cả các vụ xây dựng cơ sở, tiền đồn hay như Trung quốc đang tiến hành các chương trình bị nghi ngờ là biến các bãi đá ngầm ở Trường Sa thành đảo nhân tạo.

Từ ngày 5 tháng 8, 2014 đến 10 tháng 8, 2014 này, Hội Nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao Giữa Asean Với Các Ðối Tác (PMC), ASEAN với 3 nước Ðông Bắc Á lần thứ 15 (APT-15), Hội Nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao Các Nước Tham Gia Cấp Cao Ðông Á lần thứ 4 (EAS FMM-4) và Diễn Ðàn Khu Vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21) sẽ diễn ra tại Nay Pyi Taw, Myanmar.

Các cuộc họp vừa kể, có sự tham dự của nhiều đối tác khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc mà theo giới quan sát quốc tế, vấn đề tranh chấp và căng thẳng về Biển Ðông nhiều phần sẽ được chú trọng.

Hồi tuần trước, Bộ Ngoại Giao Philippines bắn tiếng đề nghị các nước dừng tất cả mọi hoạt động xây dựng ở các đảo tại các khu vực có tranh chấp trên Biển Ðông, như một phần của kế hoạch ba phần mà họ dự trù sẽ đưa ra ở cuộc họp nói trên.

Trước đó, Hoa Kỳ, một đồng minh thân cận của Philippines, cũng từng bắn tiếng kêu gọi các bên tranh chấp dừng các hoạt động xây dựng, qua lời một viên chức ngoại giao cao cấp điều trần ở Thượng Viện. Nếu đề nghị được đồng thuận thì các căng thẳng tranh chấp tự nó sẽ xuống thang.

Hồi đầu Tháng Sáu, Manila từng lên án Trung Quốc tiến hành hút cát dưới lòng biển để biến một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa trong đó có bãi đá ngầm Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South Reef, cướp của Việt Nam năm 1988) thành một đảo nhân tạo khổng lồ gồm cả cầu cảng cho tàu quân sự, tàu dân sự, phi trường cùng các cơ sở phục vụ cả dân sự và quân sự.

Dịch Tiên Lương, phó tổng vụ trưởng Vụ Biên Giới và Ðại Dương, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói với các nhà báo rằng Trung Quốc có quyền xây dựng bất cứ gì tại các đảo trên Biển Ðông như biện pháp nhằm nâng cao các điều kiện sống căn bản ở đó.

“Các đảo của quần đảo Trường Sa đương nhiên là lãnh thổ Trung Quốc nên bất cứ gì Trung Quốc làm hay không làm ở đó thì tùy thuộc nhà cầm quyền Trung Quốc. Không ai có thể thay đổi lập trường của nhà cầm quyền,” Dịch Tiên Lương nói.

Ông ta nói thêm rằng nêu vấn đề này ra bây giờ là mâu thuẫn vì các nước khác cũng đã có những chương trình xây dựng tương tự suốt nhiều năm qua.

“Tại sao các nước khác ngang nhiên xây phi trường mà chẳng ai nói một tiếng? Rồi bây giờ Trung Quốc mới bắt đầu xây dựng một một vài công trình nhỏ và cần thiết, cải thiện điều kiện sống trên các đảo thì nhiều người lại nêu các sự nghi ngờ.”

Rõ ràng là một kẻ dùng lời lẽ dối trá tưởng rằng có thể chống chế được cho những gì họ đang làm ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không kể những gì quy mô họ đã làm mấy năm trước, từ xây dựng phi trường, nhà máy lọc nước biển, đường sá, dinh thự, bệnh viện, đài radar v.v... ở Hoàng Sa, các pháo đài to lớn có cả bãi đáp trực thăng, trạm truyền tin vệ tinh ở Trường Sa.

Ngày 7 Tháng Sáu 2014, tờ South China Morning Post tại Hồng Kông thuật theo sự tiết lộ của một viên chức Trung Quốc nói Trung Quốc đang có kế hoạch quy mô lớn, biến bãi đá ngầm Gạc Ma thành đảo nhân tạo. Nguồn tin đưa ra cả bản đồ minh họa để chứng minh. Tuy nhiên, Dịch Tiên Lương chối rằng ông ta không biết gì về chuyện đó.

Dịch Tiên Lương kêu rằng đề nghị “dừng” các hoạt động gây căng thẳng đều không ích lợi gì mà lại còn có thể bị coi như nỗ lực cản trở các cố gắng của Trung Quốc và ASEAN tiến đến một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) trên Biển Ðông, coi như thay thế cho COC. Nhưng giới bình luận chính trị quốc tế đều tin rằng Trung Quốc không hề muốn có sớm một bộ COC.

Nếu Hoa Kỳ có một đề nghị như thế thì ông ta nói chưa nhìn thấy trong khi vấn đề Biển Ðông là vấn đề của các nước liên quan trực tiếp. Bắc Kinh luôn luôn muốn gạt Hoa Kỳ ra khỏi các tranh luận hay đàm phán về tranh chấp Biển Ðông. Bắc kinh chỉ muốn dùng thế nước lớn và quân sự để đối phó tay đôi với các nước nhỏ phía Nam cho dễ bắt nạt.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hình “Lưỡi Bò” chiếm đến 90% diện tích Biển Ðông và bị các nước trong khu vực phản bác. Người ta tin rằng nằm sâu dưới lòng biển là một khối dầu khí khổng lồ bên cạnh nguồn lợi thủy sản dồi dào là động cơ thúc đẩy lòng tham của giới lãnh đạo Bắc Kinh. (TN)
08-04-2014 5:52:08 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment