Monday, August 4, 2014

Hoa quả rừng về phố !

Giá một lạng xay rừng mắc hơn một ký nho ngoại nhập. Ảnh: news.zing.vn
(TBKTSG) - Vài ba năm nay, cứ đến mùa hè là xuất hiện trên đường phố Sài Gòn những xe quầy bán quả thị, có biển đề là “Thị thơm Cô Tấm”. Rồi cũng trên hè phố, ngoài các món độc phương Nam như dừa nước, thốt nốt thì năm nay, thấy cả trái sim rừng, xay rừng... Những người bán hàng đa phần là thanh niên, ăn vận, mặt mày trông cũng quê kệch, nhưng giỏi trong việc đánh giá tâm lý khách hàng để “kêu giá”. Thử trờ xe lại hỏi thăm mấy quả thị vì thấy hay hay, hy vọng mùi thơm của nó gợi nhớ một chút ấu thơ, là coi như bạn đã chuẩn bị mua hoài niệm với mức giá không hề rẻ.
Thực ra thì ai mua quả thị trên đường phố cũng biết và nhớ mặt mũi “cô Tấm” nó ra làm sao. Câu chuyện cổ tích ngây ngô xem ra chẳng còn lay động mấy đến tâm trí con người hiện đại đang xuôi ngược bộn bề. Nhưng ở trong cái tính toán mưu sinh xuôi ngược của những con người phố thị, đặc biệt là những thị dân nhập cư, dường như vẫn có những khoảng ngưỡng vọng thôn quê, ngưỡng vọng cái dân dã hài hòa đã và đang mất.
Điều đó giải thích cho thực tế những nhà hàng đặc sản địa phương ngày càng được mở rộng ở các thành phố lớn. Thực khách luôn trả giá cao để yêu cầu từ nguyên liệu cho đến cách chế biến càng “bản địa” thì càng tốt.
Không ít nhà hàng mì quảng Sài Gòn đã cho chuyển rau Trà Quế, ớt Đại Lộc vào để có thể tự tin rao với khách rằng, tô mì của họ có quyền lực “Quảng” hơn mọi tô mì ở những tiệm khác. Rồi thì thỉnh mấy quán dê núi Ninh Bình, cừu Phan Rang, bún cá Nha Trang, mực Đại Lãnh, bún, bánh xứ Huế hay bánh căn Vũng Tàu, gà nướng mắc khén Tây Bắc... cuộc mở rộng phạm vi đáp ứng hoài niệm cho thị dân qua cái ăn xem như là bất tận và quyết liệt chẳng thua kém gì cuộc chạy đua của những nhà hàng thức ăn nhanh (fast food) đồng dạng phô trương cái sự phẳng hóa của thế giới.
Điều quan trọng tiếp theo sau sự đáp ứng nhu cầu ký ức, đó là người tiêu dùng hôm nay chờ đợi ở những quán ăn đặc sản địa phương bán một “niềm tin” trong cái ăn. Niềm tin đó chính là nguyên liệu chính gốc, nguyên liệu sạch trong thời buổi an toàn thực phẩm tuột dốc đến mức người ta hàng ngày buộc phải ăn quá nhiều thứ mà chính họ không tin. Rau, thịt, cá... mọi thứ ê hề trong đời sống, nhưng rồi tất cả đều có nguy cơ nhiễm bẩn, nhiễm dư lượng hóa chất cao. Vậy thì tìm về cái dân dã trong những món ngon, có nghĩa là tìm về niềm hy vọng có được cái thời mà sự thật thà chân chất mà theo đó là chữ tín giữa người bán với người mua.
Tìm về cái thời đầu dê nói không với thịt chó. Để ăn sự yên tâm, để ăn cái hoài niệm trong sáng của thuở con người chưa biết dối lừa, đánh tráo khái niệm với nhau.
Và phải trả một mức giá rất cao để cho niềm tin đó. Chuyện ăn uống ở nhà hàng đặc sản quê nhà thì không còn lạ gì. Nhưng gần đây, chuyện người Sài Gòn tấp xe vào vỉa hè mua ba quả thị giá ngang ngửa với một cân dưa hấu; mua 100 gam sim, trâm với giá bằng cả ký nho, mua một lạng xay rừng giá đắt hơn một ký nho ngoại nhập trong siêu thị... cho thấy rằng, trong thế giới đang lao vào cuộc phẳng hóa này, những gì ngăn con người đứng lại trong ý nghĩ, dù chỉ một giây, đều là những thứ quý hóa và đắt giá. Nghe nói, bây giờ, mốt ăn hoa quả rừng Tây Bắc đang rộ lên ở Hà Nội. Báo VietNamNet đăng ghi nhận thị trường, giật tít rằng, đã có một “cơn sốt quả dại núi rừng của gái Hà Thành”. Bài báo này nói rằng, mấy cô gái ngồi văn phòng ở Hà Nội sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua trái rừng về thưởng thức. Và rộ lên trên mạng những cửa hàng trực tuyến chuyên bán hoa quả rừng.
Nghe qua thì thấy thú vị. Nhưng thử nghĩ coi, con đường quả rừng rồi đây cũng như con đường của những đặc sản quê nhà trước đó, ban đầu là “nguyên gốc” thực thụ, rồi qua thời gian, khi nguồn nguyên liệu tự nhiên đã cạn kiệt, mà nhu cầu vẫn tăng, thì người ta lập tức nghĩ ra ý tưởng thay thế. Và chữ tín sẽ lại được thử thách. Đó là lý do ta ăn dê núi Ninh Bình mà lòng vẫn nghi ngờ heo tẩm hóa chất có mùi... dê hay để chuyển trái rừng đi xa tới đô thị, người ta lại phải xịt hóa chất bảo quản...
Lòng tin sẽ tiếp tục được thử thách khi mà người có chút vốn sống núi rừng sẽ hiểu, để hái được 100 gam xay chín, người dân địa phương phải chặt hạ cả một nhánh cây to.
Đến đây, hoài niệm, niềm tin được trả bằng một cái giá đắt đỏ hơn cả số tiền mà người mua trả cho kẻ bán.

No comments:

Post a Comment