|
Máy đo thân nhiệt được đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh tư liệu |
(TBKTSG Online) - Trước tình trạng người dân nhiều quốc gia ở châu Phi bị nhiễm bệnh từ virus Ebola, ngành y tế đang phối hợp với các cơ quan khác kiểm soát chặt chẽ người ra vào các cửa khẩu quốc tế nhằm ngăn chặn virus Ebola xâm nhập vào nước ta.
Bộ Y tế đã yêu cầu các Sở Y tế địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, TPHCM mỗi ngày tiếp nhận hàng ngàn du khách nước ngoài, trong đó có không ít khách từ châu Phi. Do đó, cùng với việc kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính khu vực Trung Đông (gọi tắt là Mers – CoV) đang diễn biến phức tạp, TPHCM cũng tích cực phối hợp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh do virus Ebola gây ra.
Các biện pháp phòng chống virus này là tăng cường giám sát chặt các cửa khẩu, tại các bệnh viện và cộng đồng. Cơ quan y tế TPHCM dùng máy đo thân nhiệt đặt tại các cửa khẩu, đặc biệt là tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để theo dõi sức khỏe của từng người nhập cảnh. Người có dấu hiệu mắc bệnh (thân nhiệt cao) sẽ được ngành y tế thành phố đưa về Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM để khám và điều trị; mẫu bệnh phẩm được đưa sang viện Pasteur thành phố kiểm nghiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế TPHCM, dấu hiệu nhận biết và triệu chứng bệnh do virus Ebola cũng giống như Mers - CoV: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Do đó, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế đã thực hiện đo thân nhiệt và lưu ý đặc biệt đến những người về từ châu Phi. Nếu phát hiện người có những triệu chứng trên, ngành y tế và cơ quan chức năng tại cửa khẩu sẽ có phòng cách ly dành riêng cho người bệnh và sau đó thực hiện những xét nghiệm và điều trị.
Cũng theo ông Dũng, những người nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và người có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Ông Dũng cho rằng cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, vụ dịch Ebola đầu tiên được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 người mắc. Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Đặc biệt từ tháng 12-2013 đến ngày 30-7-2014 thế giới đã ghi nhận 1.323 người mắc, trong đó có 729 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây Phi (Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria).
Riêng trong 08 ngày (từ ngày 24 đến 31-7-2014) đã có 122 người mắc, trong đó 57 người đã tử vong. Tới nay dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tại các quốc gia trên và có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác. Nhiều nhân viên y tế đã mắc bệnh này và có trường hợp đã tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới virus Ebola gây ra một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90% số ca bệnh). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh. WHO gọi đây là “một trong những bệnh dễ gây chết người nhất từng được biết đến”.
Triệu chứng có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc 2 – 21 ngày. Vi rút lan ra trong máu và làm tê liệt hệ miễn dịch.
No comments:
Post a Comment