(TBKTSG) - Thông thường chúng ta cho rằng bóng đá chỉ là một môn thể thao, thậm chí chỉ là một trò chơi mà thôi. Nhưng thật ra cách chơi bóng đá còn thể hiện cấu trúc xã hội và văn hóa nữa. Thử suy nghĩ về mối quan hệ giữa bóng đá và xã hội nhân vừa kết thúc ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.
Châu Âu: Bóng đá là hoạt động duy lý
Có lẽ những nhận xét của nhà xã hội học lừng danh người Đức là Max Weber là hoàn toàn chính xác khi ông cho rằng chỉ ở phương Tây mới có một nền khoa học ở vào trình độ phát triển mà ngày nay chúng ta thừa nhận là có giá trị. Mặc dù tư tưởng về triết, âm nhạc, hội họa... có thể xuất hiện ở các nơi khác nhưng chỉ ở phương Tây, những điều đó mới có một cơ sở khoa học thuần lý tính.
Bóng đá cũng vậy, nhìn cách chơi bóng của hầu hết các đội bóng châu Âu có thể thấy rõ tính khoa học của họ. Gần như người châu Âu xem bóng đá là một công việc và họ luôn dùng những tri thức khoa học để tổ chức cho công việc đó đạt hiệu quả cao nhất. Đội tuyển Đức là một điển hình của việc chơi bóng theo lý tính, tức theo kiểu tổ chức khoa học và gần như các đội bóng ở châu lục này khi gặp nhau thường không có tỷ số cao vì đội nào cũng tổ chức hoạt động chơi bóng một cách khoa học.
Lẽ dĩ nhiên khi chơi bóng như vậy thì rất ít có cảm xúc, vì các cầu thủ luôn tuân theo những gì đã được hoạch định từ trước, mỗi cầu thủ đều chơi bóng theo cách mà họ cho là có hiệu quả cao nhất chứ không dành nhiều không gian cho sự ngẫu hứng.
Nam Mỹ: Bóng đá như tôn giáo
Có lẽ Nam Mỹ là nơi mà dân chúng có lòng mộ đạo cao nhất hiện nay, đặc biệt là ở vùng đất này đa số dân chúng theo đạo Công giáo. Và chính vì vậy mà khi xem các đội bóng Nam Mỹ ra sân thi đấu, chúng ta rất dễ bắt gặp những hình ảnh như cầu thủ làm dấu thánh giá khi bước ra sân, hay cầu nguyện. Mà khi nói đến lòng tin tôn giáo thì nói đến sự phi lý tính.
Cũng chính vì vậy mà các đội bóng Nam Mỹ cũng ít khi chơi bóng theo lý tính mà theo cảm xúc, theo niềm tin do vậy những đội bóng này thường chơi bóng rất hay và đầy ngẫu hứng khi họ có niềm tin vào chính mình với sự phù hộ của “Đấng Tối cao”. Nếu họ mất niềm tin thì gần như sẽ nhanh chóng sụp đổ, mà chuyện Brazil thua Đức có thể xem như một điển hình: khi để thua ba bàn trong thời gian ngắn, họ mất hết niềm tin và tinh thần, và sau đó thua đậm thêm.
Châu Phi: Bóng đá và sự bất ổn xã hội
Nếu xem qua các kỳ World Cup, dễ nhận thấy mùa giải nào cũng có những chuyện lục đục trong các đội bóng châu Phi. Ở vùng đất này luôn có những bất ổn, những mâu thuẫn xã hội giữa các sắc tộc và thường xuyên diễn ra những cảnh huynh đệ tương tàn. Do đó chuyện các cầu thủ châu Phi nổi loạn đòi tiền thưởng, đánh nhau trên sân đấu cũng như trên sân tập cũng thể hiện rõ bộ mặt yếu kém về tổ chức xã hội ở vùng đất này.
Gần như các nhà bình luận đều thống nhất rằng các cầu thủ châu Phi có đủ kỹ thuật, thừa thể lực để chơi bóng tốt nhưng vấn đề lớn nhất của họ là tính kỷ luật. Cả một vùng đất có cơ cấu tổ chức xã hội không ổn định thì chuyện các đội bóng châu Phi thiếu kỷ luật cũng là điều dễ hiểu thôi.
Châu Á: Sự ngoan hiền của người biết tuân phục
Các đội bóng châu Á gần như là những đội bóng “dễ thương” nhất của các nhà tổ chức và đặc biệt là các trọng tài. Ở những quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, dân chúng thấm nhuần tư tưởng sống Nho giáo, còn các đội vùng Vịnh thì đó là đạo Hồi. Cả Nho giáo và đạo Hồi đều dạy con người phải biết tuân phục bề trên, nghe theo tập thể, biết kính trên nhường dưới... do vậy ít khi nào các cầu thủ châu Á có những hành vi gây hấn với trọng tài vì họ luôn xem trọng tài là “cha mẹ”, mà làm sao có thể bất kính với cha mẹ được? Cũng chính vì thấm nhuần kiểu văn hóa kính trên nhường dưới như vậy nên chúng ta cũng ít khi nào thấy có chuyện cầu thủ chỉ trích hay thể hiện sự bất đồng với huấn luyện viên hoặc các quan chức lãnh đạo bóng đá.
Có lẽ những nhận xét và phân tích trên không phải lúc nào cũng chính xác bởi chỉ là những nhận định mang tính chất giả thuyết dựa trên những biểu hiện của các đội bóng qua một số kỳ World Cup gần đây mà thôi. Tuy nhiên, đó là những khẩu hiệu đáng suy nghĩ.
No comments:
Post a Comment