Monday, August 4, 2014

“Thoát Trung”: Đã nhảy thì rất…ngoạn mục?



langson

Theo thứ trưởng Bộ Công thương, trong mọi trường hợp không bao giờ bỏ thị trường Trung Quốc nhưng mặt khác cũng phải đa dạng hóa thị trường.
Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (Bộ Công thương) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ vừa công bố nghiên cứu dự án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, cảnh báo cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đang dựa quá nhiều vào sản phẩm thô, thâm dụng tài nguyên, phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Báo cáo cho rằng, dù xuất khẩu tăng nhanh nhưng tỷ trọng xuất khẩu của các thành phần kinh tế trong nước ngày càng giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI chủ yếu làm gia công xuất khẩu với phần lớn nguyên vật liệu nhập khẩu. Họ có rất ít kết nối với các doanh nghiệp trong nước.
Nói cách khác, các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào Việt Nam chỉ để giải bài toán về lao động, tận dụng lao động giá rẻ của Việt Nam. Đóng góp của FDI trong việc cải tiến công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, vì vậy, vẫn không đáng kể. Việt Nam không thể phát triển bền vững nếu chỉ dựa vào khối FDI.
Thứ hai, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam dựa quá nhiều vào các sản phẩm thô, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng lao động, có giá trị gia tăng thấp.
“Kinh nghiệm của các nước chỉ ra rằng nếu cơ cấu xuất khẩu chỉ tập trung vào một số ngành hàng, đặc biệt là những hàng hóa thô, thì khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững trên diện rộng”
Trao đổi với Đất Việt khi đề cập đến giải pháp của Bộ Công thương để giải quyết tình trạng trên, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết đây mới chỉ là báo cáo được đưa ra để xin ý kiến. Sau khi làm chính thức sẽ đưa đến các bộ, ngành để từ đó đưa ra các biện pháp phù hợp, do vậy, chưa thể nói gì vào thời điểm này. Tuy nhiên, ông Hải khẳng định, trong thời gian rất gần chắc chắn sẽ phải xong.
Thừa nhận tình trạng bán rẻ, bán nhiều, chủ yếu là xuất khẩu thô và xuất sang Trung Quốc đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu chứ không đợi tới nghiên cứu này và bản thân cũng đã nhiều lần đề cập đến vấn đề trên, nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng nghiên cứu của Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ có nhiều vấn đề phải làm kỹ hơn, rõ hơn và đi cụ thể vào từng ngành nghề.
“Nói chung chung là phải mở rộng, đa dạng hóa thị trường thì ai chẳng nói được. Vấn đề là thị trường nào, mặt hàng gì, từng vùng Bắc, Trung, Nam, từng ngành phải làm gì… cái này phải làm rõ hơn rất
nhiều”.
Giải thích vì sao đã nói mãi về đa dạng hóa thị trường nhưng biến chuyển thay đổi sự phụ thuộc vào Trung Quốc lại rất chậm, ông Đỗ Thắng Hải nói: “Đó là vì Việt Nam mình như thế, nước đến chân mới nhảy nhưng nhảy rất ngoạn mục! Cứ yên tâm, ai cũng biết thế nhưng chưa chịu làm, kể cả doanh nghiệp, nên phải từng bước đẩy lên.
Trước đây người ta sôi sục về chuyện này nhưng khi thấy giàn khoan Trung Quốc rút đi lại thấy bình thường. Khi căng thẳng nhất đừng có làm phức tạp lên. Một mặt vẫn cần đa dạng hóa thị trường nhưng vẫn phải làm ăn với Trung Quốc, trong mọi trường hợp không bao giờ bỏ thị trường 1,5 tỷ dân. Chúng tôi đã và đang làm việc này và làm rất nhiều”.
Với kinh phí 3,8 triệu USD từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Thụy Sĩ, dự án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam được thực hiện từ năm 2013-2017, do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm phụ trách. Ông kỳ vọng, dự án này sẽ giúp cho các cấp, các ngành, từ các nhà quản lý đến doanh nghiệp địa phương biết rõ về thực trạng của xuất khẩu Việt Nam, từ đó có thể thay đổi được suy nghĩ và biến thành hành động.
Theo Đất Việt

No comments:

Post a Comment