Monday, August 4, 2014

Gửi cả 'chân dài', Ipad cho… người âm !!!



(Đời sống) - Nhu cầu hàng mã ngày Rằm tháng Bảy đã đạt đến mức “mê muội” khó tin, đang hành hạ chính những người đang sống.

Gửi Ipad giấy mà “quên” gửi xạc pin cũng phải ra… hàng mã. Gửi vật dụng cá nhân như áo quần, xe cộ bằng giấy cho em trai chết trẻ mà chưa có “cô người yêu chân dài, xinh xắn và giống như thật” cũng chưa xong… Nhu cầu hàng mã ngày Rằm tháng Bảy đã đạt đến mức “mê muội” khó tin, đang hành hạ chính những người đang sống.
Cầu kỳ những chiếc thuyền rồng bằng giấy để gửi cho người thân dưới cõi âm. Ảnh: T.G
Cầu kỳ những chiếc thuyền rồng bằng giấy để gửi cho người thân dưới cõi âm. Ảnh: T.G
“Chân dài nhưng tóc phải vàng và xoăn”!
Chị Nguyễn Thị Bình, bán hàng mã phố Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bảo: “Càng ngày càng có nhiều đồ mã phát sinh. Phú quý sinh lễ nghĩa mà. Chỗ tôi có sẵn mọi hàng mã mà khách hàng yêu cầu, nhưng đồ tinh xảo cụ thể đến từng chi tiết thì phải đặt và giá cũng phải tương xứng với độ cầu kỳ. Nhưng đồ đặt cũng chỉ 2-3 ngày là khách có thể đến nhận hàng”.
Cũng theo lời chị Bình thì chị đã từng “khóc dở, mếu dở” với một khách hàng đặt đồ mã cho con gái chẳng may chết trẻ. Đầu tiên, khách hàng đó đặt căn nhà, xe máy SH, quần áo, giầy dép, gương, lược, bàn phấn, nước hoa, mỹ phẩm… với yêu cầu làm “giống thật”, giá không thành vấn đề. Chị Bình đặt người làm, 3 ngày sau đến lấy hàng thì khách hàng đó bảo vẫn thiếu, gửi cho con gái cái Ipad vì nó hay chơi điện tử, Facebook. Đến khi làm xong cái Ipad và giao hàng thì khách hàng lại bảo “phải làm cả cái sạc pin, vì hôm qua con bé về nói “đồ mẹ đặt cho con đẹp nhưng dùng Ipad nhanh hết pin, không gửi sạc thì chơi sao được” nên phải bổ sung cho đủ”. Tưởng nốt lần này nữa sẽ đủ, không ngờ mang đồ về rồi, khách hàng lại đến nhờ chị Bình làm cho con gái mình “ít phiếu đi spa” vì… “thấy con gái về báo lâu lắm không được đi spa da khô lắm”?!
Bà Vũ Thị Lan (phố Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) thì kể rằng: “Đợt cuối tháng 5, con trai tôi mua xe ô tô. Đêm đó tôi mơ thấy các cụ trách rằng: “Con mày có tiền mua xe ô tô mà chẳng nhớ gì đến chúng tao”. Nên năm nay tôi quyết định gửi xe, gửi cả nhà mới và một số tiện nghi hiện đại xuống cho ông bà tổ tiên”. Mọi thứ đã sắm đủ chỉ chờ ngày cúng rồi “gửi” thì bà lại long tong chạy ra hàng mã vì cậu em trai “báo mộng” rằng: “Không được ai quan tâm, ngày chết chưa có vợ mà không gửi xuống cho một em”. Thế là bà lại tất bật đi đặt làm “cô người yêu” hàng mã cao ráo, xinh xắn cho em. Cũng theo bà Lan thì bà khốn khổ vì đặt “cô người yêu” cho em, bởi làm xong mang về nhà lại bị báo mộng chê không giống cô người yêu thật là tóc màu vàng và uốn xoăn…
Thực ra, câu chuyện báo mộng và làm theo mộng chỉ là sự giải thích cho một nhu cầu cầu toàn trong quan niệm về đốt vàng mã ngày Rằm tháng Bảy đang hết sức lãng phí và vô lý hiện nay.
Đồ mã giá cao vẫn chạy hàng
Khi chúng tôi ngỏ ý rằng, năm nay kinh tế khó khăn thì việc sắm hàng mã có bị ảnh hưởng nhiều không, chị Nguyễn Hoàng Anh, chủ cửa hàng bán đồ mã Trọng Anh (phố Hàng Mã, Hà Nội) cho biết: “Chẳng thấy ảnh hưởng gì! Mỗi năm có vài đợt cao điểm khách vẫn sắm ầm ầm, nhất là Rằm tháng Bảy các đồ mã vẫn tiêu thụ rất tốt dù giá có cao hơn”.
Theo chị Hoàng Anh, giá vàng mã năm nay đều tăng so với năm ngoái từ 15- 20%. Đối với các loại mã truyền thống gồm: giấy tiền vàng, sớ, quần áo, giày dép, mũ nón... tùy theo chất liệu của giấy mà có giá khoảng 25.000 – 100.000 đồng/bộ. Những mặt hàng đặc biệt như xe máy SH, Vespa có giá từ 70.000-150.000 đồng/xe; ô tô loại 4 chỗ có giá từ 150.000-200.000 đồng/chiếc loại thường.
Những mặt hàng hiện đại, công nghệ cao như Iphone 4, Samsung Galaxy Tab, máy tính, thẻ tín dụng... cũng bán rất chạy. Để cho đồng bộ, một số khách hàng còn đặt mua cả nhà lầu, biệt thự. Mỗi “lễ” này giá thấp nhất cũng đã 4 - 5 triệu đồng/bộ, loại to hơn có khi giá lên tới cả trên chục triệu đồng. Mỗi gia đình trung bình sắm mã cúng Rằm khoảng 200.000 - 300.000 đồng/lễ, nhà nào khá giả thì khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Những gia đình buôn bán giàu có sắm lễ tới 4-5 triệu đồng là chuyện thường.
Bà Lý Thị Hậu (phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang sắm đồ mã ở phố Hàng Mã bày tỏ: “Mình ăn tiêu cả năm nhưng lo cho các cụ chuẩn chỉnh nhất chỉ có mỗi tháng Bảy này thôi nên cố gắng làm vẹn toàn. Sắm sửa đồ lễ là phải đầy đủ không các cụ quở trách mình không chu đáo. Cứ đến tháng Bảy là tôi rất hay mơ các cụ về báo mộng thiếu cái nọ, cái kia là tôi không cầm lòng được. Cứ nghĩ là mình ở thế giới này không đến nỗi nào mà để người thân ở thế giới bên kia túng thiếu là tôi áy náy lắm”.
Đốt vàng mã thái quá như đi sai đường
Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa, đường Thái Phiên, thuộc phường 8, quận 11, TP HCM khuyên: “Mỗi người nên cân nhắc trước việc mình làm. Đốt đồ mã quá nhiều để làm gì? Phải chăng để mong vong hồn người quá cố sớm siêu thoát? Nếu vì điều đó thì hãy dành thời gian tụng kinh niệm Phật và dành tiền bạc đó để làm từ thiện, có ý nghĩa cho cộng đồng. Đốt vàng mã thái quá như đi sai đường vậy...”.
Sản xuất đồ mã kiểu… công nghệ cao
Đến các cửa hàng đồ mã, thấy chúng tôi ngạc nhiên về độ “thật” của nó thì được các chủ hàng giải thích rằng, bây giờ sản xuất đồ mã chỉ có một số nhà làm thủ công, phần lớn là làm bằng công nghệ như có máy in màu, máy photo màu, máy cắt bằng điện nên cho ra lò “giống thật” không khó. Chưa kể, người làm hàng mã thường chịu khó tìm tòi, sáng tạo nên cho ra rất nhiều mẫu mã mới, hợp thời, ngay sau khi có mẫu mới được ưa chuộng là lại diễn ra cảnh đồng loạt đánh cắp mẫu mã, công nghệ làm theo. 
Nguồn: Gia đình

No comments:

Post a Comment