VOA-04.08.2014
Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai khối tư bản (đứng đầu là Mỹ) và cộng sản (đứng đầu là Liên Xô) đã chấm dứt vào đầu thập niên 1990 sau khi Liên Xô tan rã và chế độ cộng sản sụp đổ ở Đông Âu. Vui mừng trước sự cáo chung của chiến tranh lạnh, không hiếm người hân hoan tin tưởng từ nay thiên hạ sẽ thái bình, và vì thái bình, sẽ thịnh vượng mãi mãi.
Tuy nhiên, sự lạc quan kéo dài không lâu. Hiện nay, bóng ma chiến tranh lạnh đang lù lù xuất hiện trở lại với hai kẻ thù rất lớn: Nga và Trung Quốc.
Từ mấy tháng nay, qua các biến động tại Ukraine, người ta thấy rõ là Vladimir Putin có rất nhiều tham vọng và sẵn sàng bất chấp tất cả các thiệt hại về kinh tế để mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga, qua đó, biến Nga thành một đế quốc lớn và mạnh, đủ sức để đương đầu với Mỹ và Cộng đồng châu Âu. Việc xâm lăng của Nga ở một phần lãnh thổ của Ukraine đặt Mỹ và các đồng minh vào một thế rất khó xử: Họ chỉ có một vũ khí duy nhất là kinh tế, nhưng trong lãnh vực kinh tế, hầu như tất cả các quốc gia ở Tây Âu đều có những quan hệ chằng chịt với Nga, do đó, chủ trương cấm vận đối với Nga rất dễ gây nên những phản ứng ngược.
Tuy vậy, không ai tin Nga có thể uy hiếp được Mỹ và châu Âu. Sức mạnh của Nga chỉ đủ để uy hiếp một số quốc gia trong khu vực, chủ yếu là các quốc gia nằm trong khối Liên Xô cũ. Ngay cả khi thu phục lại hết tất cả các quốc gia trước đây từng nằm trong Liên bang Xô Viết, Nga cũng không đủ mạnh để trở thành một nguy cơ đối với thế giới.
Kẻ thù thứ hai, Trung Quốc, đáng sợ hơn. Sau mấy chục năm ẩn nhẫn lo phát triển theo chính sách của Đặng Tiểu Bình, gần đây, có lẽ tự tin vào sức mạnh kinh tế và quân sự của mình, Trung Quốc bắt đầu giương vây giương cánh thách thức với thế giới. Sự thách thức ấy thể hiện ở hai địa điểm: châu Phi và châu Á. Phần lớn người Việt, theo dõi các tranh chấp biển và đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Philippines và Việt Nam, dễ có cảm tưởng chiến tranh lạnh đang xảy ra ngay trong khu vực mình ở. Tuy nhiên, theo Nick Turse, trên tờ The Huffington Post mới đây, tâm điểm của cuộc chiến tranh lạnh ấy không chừng đang xảy ra ở Nam Sudan tận Phi châu.
Nam Sudan (tên đầy đủ là Cộng hoà Nam Sudan, The Republic of South Sudan) là một quốc gia mới nhất hiện nay: Nó chỉ được thành lập vào năm 2011 sau khi tách rời ra khỏi Sudan. Về địa thế, Nam Sudan giáp giới, về phía bắc, với Sudan; phía đông, với Ethiopia; phía đông nam với Kenya; phía nam với Uganda; phía tây nam với Cộng hòa Dân chủ Congo; và phía tây với Trung Phi (Central African Republic). Với dân số khoảng 9 triệu, Nam Sudan có khá nhiều sắc tộc; các sắc tộc ấy lại hiếm khi thuận hoà với nhau, do đó, hầu như ngay sau ngày tuyên bố lập quốc, Nam Sudan đã rơi vào nội chiến. Hiện nay, hai lực lượng chính đang tranh giành nhau một cách quyết liệt nhất là lực lượng chính phủ của Tổng thống Salva Kiir và một lực lượng khác do cựu phó Tổng thống Riek Machar, người bị Tổng thống Kiir cáo buộc là âm mưu đảo chính, lãnh đạo. Cả hai đều được ủng bộ bởi nhiều sắc tộc. Hậu quả là có ít nhất trên 10.000 người bị giết; vô số phụ nữ bị hãm hiếp và khoảng một triệu rưỡi người phải tản cư, trong đó, có trên 250.000 người phải chạy sang các nước láng giềng để xin tị nạn.
Khi Nam Sudan tổ chức trưng cầu dân ý để ly khai ra khỏi Sudan vào năm 2011, Mỹ rất ủng hộ. Tờ The New York Times xem sự ra đời của nước Nam Sudan có thể, trong chừng mực nào đó, được xem là một tác phẩm của Mỹ. Trước, quan hệ giữa Mỹ và Sudan cực xấu: Mỹ xem Sudan như một nơi chứa chấp bọn khủng bố, do đó, đã ra lệnh cấm vận Sudan trong thời gian khá dài. Giúp đỡ thành lập nước Nam Sudan được xem là một cách để giảm thiểu các nguy cơ gây rối từ Sudan.
Để giúp Nam Sudan trong những năm chập chững lập quốc, Mỹ đã đổ ra cả hàng tỉ Mỹ kim để viện trợ, xây dựng hạ tầng cơ sở, từ cầu đường đến trụ sở văn phòng chính phủ các cấp, và giúp đỡ về quân sự cũng như an ninh. Ngày Nam Sudan tuyên bố độc lập, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu: “Tôi tự tin là quan hệ hữu nghị giữa Nam Sudan và Mỹ sẽ chỉ càng ngày càng sâu đậm trong những năm sắp tới.” Các nhà chiến lược của Mỹ hy vọng với sự ổn định, phát triển và dân chủ ở Nam Sudan, Mỹ có thể sẽ đẩy mạng tiến trình dân chủ đến các nước chung quanh. Ngoài ra, còn một lý do khác, rất thực dụng: Nam Sudan là nơi sản xuất dầu khí lớn hàng thứ ba ở châu Phi, chỉ sau Nigeria và Angola.
Tuy nhiên, các dự tính của Mỹ chỉ là một giấc mơ. Chính phủ nước Nam Sudan càng ngày càng tỏ ra tham nhũng và bất lực, họ lại không đoàn kết được mọi người. Các tranh chấp giữa các đảng phái và các sắc tộc càng ngày càng trầm trọng. Tiền viện trợ của Mỹ đổ vào đó như muối đổ biển. Tuyệt vọng với Tổng thống Kiir, Mỹ quay sang ủng hộ cựu Phó Tổng thống Machar.
Giữa lúc ấy, Trung Quốc nhảy vào giúp Tổng thống Kiir. Họ viện trợ cho chính phủ Kiir số lượng vũ khí trị giá cả hàng chục triệu đô la. Họ cũng đổ hàng tỉ đô la giúp chính phủ Nam Sudan xây dựng các cơ sở vật chất mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì về dân chủ và nhân quyền. Bù lại, họ được quyền khai thác và mua dầu khí của Nam Sudan. Hiện nay, Trung Quốc tiêu thụ đến gần 80% số lượng dầu thô của nước này.
Như vậy, trong cuộc nội chiến ở Nam Sudan hiện nay, có hai lực lượng chính đứng phía sau: Mỹ và Trung Quốc. Bộ trưởng Thông tin Nam Sudan Michael Makuei Leuth xem những xung đột tại nước ông là điểm nóng trong cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nền kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới hiện nay.
Không phải ai cũng đồng chí với ông, nhưng hầu như ai cũng thấy những tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc tại châu Phi càng ngày càng quyết liệt. Người ta chỉ không biết được một điều: Khi nào thì những tranh chấp ấy nổ lớn?
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment