|
Facebook mang tên và hình ảnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến Ảnh:N.L
|
(TBKTSG Online)- “Do danh sách bạn bè đã lên đến 5000 người rồi nên mình không “thêm bạn” được nữa. Các bạn cần thông tin về y tế cũng như muốn theo dõi hoạt động của mình thì các bạn có thể theo dõi hoặc vào fanpage này nhé (...). Xin lỗi thời gian qua cũng không trả lời được nhiều bạn thăm-hỏi và động viên. Cảm ơn các bạn”
Đó là nội dung một "status" được đăng tải hôm 31-7 tại Facebook của “Kim Tiến Nguyễn Thị”. Facebook (FB) này đang được xem là trang cá nhân của Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, mới được lập ra hôm 9-7-2014. Tức là chưa đầy một tháng sau khi lập ra, đã có đến gần 5.000 người kết bạn và 1.665 người theo dõi (tính đến ngày 4-8).
FB có hình đại diện là ảnh cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. Tất cả các nội dung được đưa lên là các hoạt động của Bộ trưởng Tiến, các thông báo, khuyến cáo của bộ này về tình hình dịch bệnh, tiêm chủng, các văn bản chỉ đạo trong ngành có tính công khai. Nói khác đi là FB này như một kênh truyền thông hoạt động của Bộ trưởng Tiến và nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi.
Mỗi "status" đều nhận được hàng chục đến hàng trăm thảo luận, chủ yếu tỏ thái độ tôn trọng, động viên, trao đổi với Bộ trưởng về các vấn đề của ngành y tế. Hơn hết, dư luận đều bày tỏ sự đồng tình với việc lần đầu tiên ở Việt Nam có Bộ trưởng dùng mạng xã hội như một kênh tiếp xúc với người dân. Cho dù ở nước ngoài, dùng mạng xã hội theo cách này là chuyện thường đối với các chính khách, đại biểu Quốc hội.
Lãnh đạo Vụ truyền thông của Bộ Y tế không xác nhận FB này có đúng là của Bộ trưởng Tiến hay không. Vị lãnh đạo vụ nói với TBKTSG Online: “Tôi cũng có vào các FB này nhưng không biết có phải của Bộ trưởng không, Mà nếu đúng thì FB là vấn đề cá nhân, chúng tôi không tham gia, không có ý kiến gì”. Các trang mà ông nói ở đây là trang FB trên và FB “Botruongnguyenthikimtien”, có hình ảnh, nội dung tương tự như nhau.
TBKTSG Online đã liên lạc với Bộ trưởng Y tế để xác nhận song chưa nhận được hồi âm.
Thực ra, việc Bộ trưởng Tiến có chính thức xác nhận hay không công khai việc mình dùng FB thì dư luận đang đón nhận sự xuất hiện này theo nghĩa tích cực. Hình thức giao tiếp không có gì mới trên thế giới của các chính khách qua FB, Twitter nếu được một vị bộ trưởng “khơi mào” ở Việt Nam đáng được khuyến khích. Nhất là đối với Bộ trưởng Bộ Y tế, người đứng đầu ngành vốn không được lòng dư luận kể từ ngày bà nhậm chức. Số phiếu tín nhiệm bà thấp so với nhiều vị bộ trưởng cùng được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm hồi tháng 5-2013. Và gần đây nhất, hồi tháng 4-2014, bà bị dư luận yêu cầu từ chức vì các phản ứng chậm trước diễn biến xấu của dịch sởi, khiến hơn 100 trẻ em thiệt mạng.
Nguồn tin của TBKTSG Online cho biết, trong nỗ lực nâng cao hình ảnh của mình, Bộ trưởng Tiến đã lựa chọn cả công ty truyền thông nước ngoài để xây dựng FB cũng như xây dựng hình ảnh của mình khi xuất hiện trước công chúng. Nếu Bộ trưởng Tiến làm như vậy cũng là minh chứng cho việc một người lãnh đạo ngày một cầu thị, biết lắng nghe dân chúng và ứng xử trước giới truyền thông ngày một chuyên nghiệp hơn mà thôi. Bởi những nội dung trên FB này chủ yếu chuyển tải các thông điệp chính thống của bộ về dịch bệnh, các hoạt động xã hội của bộ trưởng, thậm chí là các hoạt động nội bộ ngành.
Song ở đây có việc phải bàn là do tên tuổi của Bộ trưởng và FB tên bà được nhiều người đón nhận như vậy, lẽ ra Bộ trưởng hoặc những người được bà chọn để cập nhật thông tin phải lựa chọn cách tiếp cận cộng đồng hiệu quả hơn. Ví dụ FB của Bộ trưởng không cần đăng tải công văn yêu cầu chấn chỉnh việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị dụng cụ y tế là việc mà trang thông tin điện tử của bộ hay nhiều tờ báo đã đăng rồi.
FB của bộ trưởng cần mở các diễn đàn để người dân góp ý, hiến kế về việc “làm thế nào để mua sắm trang thiết bị y tế đúng chuẩn, giá tốt”, làm thế nào cải tiến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, chống tham nhũng trong ngành y tế... Nhiều người "comment" trên FB của Bộ trưởng Tiến cũng muốn và sẵn sàng hiến kế nếu có hồi âm.
Hơn thế nữa, một vị bộ trưởng nếu dùng FB hoặc những người quản lý FB cho bà không nên chỉ đơn giản làm một việc là đăng tải các nội dung khuyến cáo dịch bệnh…mà không hề có hồi âm gì trước những ý kiến, hỏi han, đề xuất của những người theo dõi. Hiệu quả của FB này, do vậy là vẫn chưa rõ, chưa lan rộng. Đó là chưa nói đến việc dùng FB chỉ hiệu quả thật sự một khi nó đi kèm với những hành động thiết thực ngoài đời.
No comments:
Post a Comment